Bệnh sùng bái lãnh tụ trong XHVN hiện đại (Phần 1)
2015.10.29
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, một bộ phận lớn dân chúng vẫn tin tưởng vào chủ thuyết Marx-Lenin, tuyệt đối tin tưởng rằng ông Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ sáng suốt, không bao giờ phạm sai lầm. Phần nhiều trong số họ nghĩ chính sách của đảng cộng sản và ông Hồ là đúng đắn, chỉ do những người thực hiện làm sai, nên đất nước mới kém phát triển và nhiều tiêu cực. Nói cách khác, có thể nói động chạm đến quan tham, đến tiêu cực trong chính quyền và kể cả đảng cộng sản, nhưng không được động chạm đến vị lãnh tụ của họ là ông Hồ Chí Minh. Chủ đề hôm nay mà Diễn Đàn Bạn Trẻ cùng bàn luận và lắng nghe chia sẻ chính là suy nghĩ về lãnh tụ - nên hay không nên sùng bái trong xã hội Việt Nam hiện đại, ước vọng tới nền dân chủ.
Cùng trao đổi với Chân Như hôm nay có Thomas Võ, Châu Thi và Khải Tường. Tất cả các bạn trẻ này đều hiện đang sinh sống tại Việt Nam.
Thần thánh hóa Mác Lê Nin
Chân Như: Một vài năm trước, hệ thống quán Cộng cà phê tại Hà Nội từng bị báo chí quốc doanh, sở văn hóa và cơ quan tuyên giáo lên án vì sử dụng sách Marx-Lenin toàn tập làm quyển menu, biến tấu nội dung các câu khẩu hiệu của các lãnh tụ cộng sản để treo trong quán. Họ coi việc làm kể trên là “phỉ báng” các giá trị tốt đẹp, “xúc phạm” lãnh tụ cộng sản. Còn các bạn nghĩ sao về việc làm đó? Đó có phải là điều sai trái?
Hiện tại thì có thể mọi người ở ngoài nghĩ rằng ở Việt Nam đang thần thánh hóa Mác Lê Nin, nhưng mà thực tế mình biết được bên đảng viên họ không thừa nhận đâu.
-Thomas Võ
Thomas Võ: Em cám ơn anh. Ý kiến cá nhân của em, việc đưa sách để làm tài liệu menu trong quán như thế mặc dù chưa cần quan tâm là sách tài liệu về đảng cộng sản (ĐCS) hay như thế nào, mà đưa những tài liệu quý giá trí thức của nhân loại để sử dụng vào những mục đích như vậy thì Thomas nghĩ đã là một điều sai trái rồi. Và việc làm của cơ quan chức năng vào thời điểm đó, Thomas nghĩ đó là đúng đắn.
Châu Thi: Nói chung đối với em, sách cũng có sách bẩn, sách sạch. Nếu nói việc viết trên sách phải bị xử phạt, em thấy điều đó vô lý. Ngay chính những người cộng sản (CS) năm 1975 khi họ vào Sài Gòn họ đã đốt biết bao nhiêu sách quý của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và biết bao nhiêu người đã phải liều mình để giữ những sách đó đến tận bây giờ. Mà nói hành động viết trên sách em thấy bình thường thôi (vì) nó là cuốn sách mình không quý trọng.
Khải Tường: Theo Tường nghĩ. Biết rằng mỗi cuốn sách là sự đúc kết của cả quá trình để họ đưa đến một cuốn sách như vậy. Có thể cuốn sách nói đúng hoặc sai, điều đó mình chưa nhận định được. Tuy nhiên, nếu Tường đang coi cuốn sách đó như một dạng thần thánh để mình noi theo, và khi có một đối tượng nào đó họ đem cuốn sách đó ra mà họ không coi trọng cuốn sách đó thì nếu là lãnh đạo,Tường cũng sẽ xử phạt hành động đó, tại vì họ đang đi ngược với mình.
Thomas Võ: Như bạn Châu Thi vừa chia sẻ, những năm 75 một số sách ở VNCH bị quân giải phóng miền Bắc Việt Nam đốt. Mình nghĩ việc đốt sách chỉ là hành động bộc phát của một bộ phận quân giải phóng ở thời điểm tiến vào Sài Gòn. Giờ mình quay lại vấn đề ở đây là sách về chủ nghĩa Mác Lê Nin, về đường hướng đấu tranh của giai cấp vô sản ở Châu Âu vào thế kỷ 19. Đó là những sách rất hay, phản ánh đúng thời điểm lịch sử lúc bấy giờ mà các bạn lấy những cuốn sách đó mình làm menu trong một quán thì đúng là hạ thấp cái giá trị văn hóa trí thức của nhân loại.
Châu Thi: Việc các bạn thần thánh hóa một cuốn sách kêu là chủ thuyết thì mình không đồng ý với vấn đề đó. Hoặc chỉ có những cuốn sách về tôn giáo các bạn có thể thần thánh hóa như là Kinh Thánh, Kinh Phật, nhưng cái này chỉ là một chủ thuyết và có đúng có sai, chứ không phải là điều để các bạn phải tuyệt đối tin tưởng vào đó. Sau này khối Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ thì họ không áp dụng nữa, như vậy thì nó đâu có đúng đắn đâu để chúng ta noi theo. Và nói năm 75, một bộ phận quân giải phóng vô họ đốt sách là chuyện ngụy biện, tại vì chúng ta biết đó là một chủ trương của nhà nước khi đó.
Thomas Võ: Mình xin chia sẻ thêm một điểm của cá nhân của mình. Hiện tại thì có thể mọi người ở ngoài nghĩ rằng ở Việt Nam đang thần thánh hóa Mác Lê Nin, nhưng mà thực tế mình biết được bên đảng viên họ không thừa nhận đâu. Tại vì bên Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là do họ đã áp dụng sai mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải do đi theo học thuyết Mác Lê Nin, mình phải hiểu theo đúng vấn đề lịch sử. Họ đã xây dựng cái mô hình xã hội chủ nghĩa theo học thuyết đó nhưng vướng mắc rất nhiều sai lầm trong quá trình xây dựng như quan liêu, bao cấp về kinh tế dẫn đến kinh tế xã hội không phát triển được; Dần dà nó bị sụp đổ. Và mình chia sẻ thêm là học thuyết Mác Lê Nin hiểu đúng của nó đó là một học thuyết mở, tức là mình có thể ứng dụng đa sử, chứ không thể áp dụng rập khuôn cứng ngắc như cách hiểu của Liên Xô hay các nước Đông Âu trước những năm 90.
Lãnh tụ “đẹp không tỳ vết”
Chân Như: Trong thời điểm hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều người “thần tượng” các lãnh tụ cộng sản, đặc biệt là Hồ Chí Minh. Những con người đó như được thần thánh hóa “đẹp không tỳ vết”. Vậy theo các bạn, những gì mà người ta đang thần tượng là do đâu mà có? Có giúp duy trì chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam hay không?
Châu Thi: Sự việc thần tượng lãnh tụ ở Việt Nam là một điều ai cũng biết. 12 năm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thì ngay từ lớp một hay mẫu giáo đã được học 5 điều bác Hồ giạy, phấn đấu làm cháu ngoan bác Hồ, coi bác Hồ giống như một vị thần thánh rất tốt; Không ai có thể nói đến mặc dù theo em biết xã hội hiện nay có nhiều cái xấu, nhưng có nhiều bạn nói chỉ được nói về quan tham, quan xấu thôi chứ không được nói về bác Hồ. Do đâu mà có? Do nhà trường và hệ thống tuyên truyền, báo đài, TV, những thứ đó đều tuyên truyền một chiều. Điều này có giúp duy trì chế độ hiện nay hay không? Rõ ràng việc thần tượng hóa ông Hồ nó rõ ràng giúp rất nhiều cho việc duy trì chế độ hiện nay.
Sự việc thần tượng lãnh tụ ở Việt Nam là một điều ai cũng biết. 12 năm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thì ngay từ lớp một hay mẫu giáo đã được học 5 điều bác Hồ giạy, phấn đấu làm cháu ngoan bác Hồ, coi bác Hồ giống như một vị thần thánh rất tốt.
-Châu Thi
Thomas Võ: Em nghĩ việc định hướng như vậy cũng sẽ ít nhiều để duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Còn riêng về chủ tịch HCM thì Thomas nghĩ là không chắc nhiều các bạn trẻ ở Việt Nam thần tượng bác hay không, nhưng thật sự mà nói cái kính trọng thì phải thừa nhận là không ít thì nhiều, cũng có . Về con người, ví dụ bạn Châu Thi có chia sẻ, những điều các bạn trẻ Việt Nam được học ở trường lớp theo tư tưởng HCM, rồi 5 điều bác Hồ dạy, thì công tâm mà nói, cái này mình không nói hướng theo chính trị gì hết, thì những điều mà HCM định hướng cho người ta đến chân, thiện, mỹ: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Đó là những điều rất căn bản đối với một con người mà ở những nước XHCN và tư bản chủ nghĩa đều cần những tố chất như HCM. Đó chính là lý do tại sao trong thời gian HCM còn sống, không chỉ một bộ phần tầng lớp ở VN mà rất nhiều những người khác ở thế giới tư bản cũng dành ít nhiều sự tôn trọng đến bác Hồ. Mình nghĩ rằng những điều bạn Châu Thi vừa chia sẻ: bạn học 12 năm về cháu ngoan bác Hồ thì mình nghĩ những điều đó mình khoan hãy nói là thần tượng hay không thần tượng. Tuy nhiên, những điều mình được dạy và định hướng rất cần thiết cho bản thân con người có được những tố chất mà chúng ta được định hướng về một con người chân, thiện, mỹ, thì cũng là một điều tốt, đúng không?
Khải Tường: Nãy giờ mình nghe hai bạn tranh luận thì mình nghiêng ý kiến về bạn Châu Thi hơn. Thực ra vấn đề nằm ở đây là trong 12 năm học, trong các môn mình học môn giỏi nhất là môn văn và khi phân tích một bài văn gì đó về các tác phẩm thơ. Nhất là của HCM thì mình dạt dào cảm xúc lắm nên dành hết những ngôn từ hoa mỹ, có lẽ những ngôn từ hoa mỹ nó hun đúc trau chuốt từ những năm đầu tiên mình vào học ở bậc phổ thông. Lúc đó mình cũng cảm nghĩ lắm: thật sự đây là một vị cha già dân tộc người đã giúp cho Việt Nam, có được hòa bình, rồi thống nhất hai miền Nam Bắc về chung một dải . Đến khi mình vô đại học thì mình học về chủ nghĩa Mác Lê Nin và bắt đầu mình suy nghĩ không lẽ trên đời này lại có một người tài giỏi, siêu việt đến như vậy? Mình còn nhớ (HCM) biết 28 thứ tiếng, nhiều lúc mình nghĩ trong lòng “con người mà biết 28 thứ tiếng thì chắc con người ấy chắc giỏi lắm”. Mình cũng suy nghĩ nhiều thứ, có những thứ như là bác cả một đời vì nước vì dân, không vợ không con; Bác dù trong ngục tù nhưng với tâm thế của một người chiến sĩ cách mạng, bác vẫn luôn nghĩ về đất nước, nghĩ về nhân dân, nghĩ đến cảnh đói than lầm khổ. Thậm chí, nhiều lúc mình nghĩ chắc là một vị thánh ở trên trời phái xuống cho người dân nước Việt đây. Sau này khi mình được tiếp cận internet thì mình biết được nhiều hơn xung quanh HCM.
Một người sử dụng internet, đôi lúc, trong một xã hội hiện đại thì mình phải là người sử dụng internet thông minh, nghĩa là mình sẽ phân định luồng thông tin đó và sau khi mình tìm hiểu thì mình thấy tại sao có một luồng thông tin nó trái chiều với những gì mình đang học? Lúc đó mình bắt đầu mình cảm thấy mình cũng đang cảm thấy mơ hồ và nhiều khi cảm thấy shock. Và sau đó mình quay qua nói là những người này đi ra nước ngoài họ phản động. Họ chống đối lại nhà nước này, họ phủ nhận công lao của một vị anh hùng dân tộc. Mình cũng suy nghĩ nhiều thứ lắm và lúc đó sẵn sàng đả kích lại những người nào mà nói lại HCM. Tuy nhiên, sau khi ngày càng tiếp cận với nhiều luồng thông tin hơn thì mình thấy là VN mình có câu “không có lửa thì làm sao có khói”, mình nghĩ câu đó đúng. Nếu mà một đời trong sạch thì chắc trên đời này sẽ không có một người nào. Ngay cả tiên, cả thánh nếu mà mình nói thật ra thì khi coi phim cả tiên, cả thánh cũng phải mắc sai lầm mà. Không ai không mắc sai lầm hết.
Do vậy, mình cũng nghĩ trên đời này không có ai mà hoàn hảo đến mức quá hoàn hảo như vậy. Và mình bắt đầu phân định luồng thông tin ra mình biết được nó không như mình tưởng. Mình lấy đơn cử vài ví dụ thôi ví dụ như nói bác không có vợ. Thực sự các tài liệu của văn khố quốc gia, hay quốc tế cộng sản, hay là từ tài liệu mật bên Trung Quốc thì mình biết được người vợ đầu của HCM là Tăng Tuyết Minh đều có chứng cứ hẳn hòi, có nghĩa là có rất nhiều luồng thông tin và những luồng thông tin đều có chứng cứ xác thật hết. Từ đó, mình suy nghĩ lại, bấy lâu nay liệu có phải chăng là mình đang bị một thế lực nào đó đang hướng mình, là mình tuyệt đối không được xúc phạm người đó.
Sau này, khi mà tiếp cận với nhiều thông tin và phân định ra thì mình nhận định được rằng có lẽ là nếu là một người thông minh thì mình không nên tin cái gì từ phía một chiều.
Và mình nghĩ đúng là 12 năm học của mình có lẽ chính mình là tác phẩm đầy sức thành công của một thế lực nào đó họ đã giúp cho mình nhìn nhận về một con người hoàn toàn là bóng bẩy, đầy hào quang và người đó chắc chắn là một vị thánh trên trời phái xuống . Hình tượng đó cho đến ngày hôm nay với một người trẻ như mình để hiểu hết và để phân định thông tin thì chắc là rất là hiếm. Các bạn trẻ ngày nay, khi nói về vấn đề tiêu cực của nhà nước thì được, nhưng khi nói đến bác thì, có một vài bạn nói mày không được nói như vậy dù gì người cũng đã bôn ba trên tàu để ra đi tìm đường cứu nước. Nói chung, họ kể vanh vách ra và mình cảm nhận được rằng tất cả mọi người đều kể chung một câu chuyện về cùng một con người , tức là nó tạo ra những bản copy giống nhau hết.
Nói tóm lại, khi đắn đo thì mình sẽ xác thực, mà xác thực thì chắc là mình shock. Đến ngày hôm nay thì chắc mình cũng không còn tin vào hình tượng đó nữa đâu.
Thomas Võ: Thật ra thì Thomas không muốn tranh luận với các bạn đâu. Ở đây, mình chỉ muốn chia sẻ những ý kiến quan điểm cá nhân, những điều mình được học và được trải nghiệm ở nhà trường, trong cuộc sống cũng như là trên internet ở thời buổi hiện đại theo nhiều chiều.
Thật ra cái khó khăn ở Việt Nam thời điểm bây giờ chính là VN đang bước vào thời kỳ hội nhập và cái hội nhập của thời buổi này lại là những con dao hai lưỡi. Các bạn biết không, các bạn đều trải qua thời buổi sinh viên, cái điều mà mình thích nhất ở chủ nghĩa Mác Lê Nin, mình thì không hiểu quá nhiều thật ra ngày xưa mình học cũng vì thầy cô nên nhiều khi mình học rồi cũng chán môn này, nhưng khi mà mình học xong rồi, mình tâm đắc ở câu là mình phải giữ được cái tinh thần khách quan khi mà học môn triết học về chủ nghĩa Mác Lê Nin. Khi ra trường hay khi đi làm mình luôn giữ được tinh thần khách quan. Quay về vấn đề hòa nhập, mình đang xác định nền văn hóa ở Việt Nam là văn hóa thứ nhất là đặc trưng Việt Nam văn hóa Á Đông, thứ hai là văn hóa xã hội chủ nghĩa mang tính định hướng. Khi mình hội nhập thì mình lại pha nhập với văn hóa tây phương, văn hóa tư bản.
Ở đây, Thomas không muốn nói là cái hay cái tốt , nhưng ý mình nói là cái tính định hướng của văn hóa chủ nghĩa Viêt Nam nó đang bị chông chênh khi mà mình hội nhập vào văn hóa tây phương nhiều chiều như kiểu này. Do vậy, cách đánh giá về con người ở VN mà cụ thể về chủ tịch HCM thì mình đang nói đến tính định hướng đến những cái tốt của một con người cần hướng đến như là tụi mình được học ngay từ thủa nhỏ đến những đức tính tốt đẹp chân thiện mỹ của một con người, nhưng khi hòa nhập theo mô hình tây phương thì người ta hướng tới người ta muốn phân tích thêm là con người đó đời tư như thế nào? Nó thiên về chủ nghĩa cá nhân hơn, đó là cái đặc điểm văn hóa tây phương. Tức là mình đang bị gọi nôm na là sự va chạm của hai nền văn hóa.
Còn về thần thánh hóa thì cũng có thể các bạn hiểu là cái môi trường giáo dục ở VN, nói chung, chưa phát triển toàn diện về giáo dục con người cũng như giáo dục đại học đặc biệt là về chủ nghĩa Mác Lê Nin. Vì thế, rất nhiều bạn trẻ không hiểu hết và không hiểu đúng về chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Thomas không muốn tranh luận là chủ nghĩa Mác Lê Nin là đúng hay sai, nhưng mà thực tế thực trạng ở Việt Nam là rất nhiều bạn sinh viên không hiểu hết và không hiểu đúng về chủ nghĩa Mác Lê Nin này.
Chân Như: Cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Thomas Võ, Châu Thi và Khải Tường rất nhiều cho chương trình. Hẹn các bạn vào kỳ sau để chúng ta tiếp tục thảo luận về đề tài đặc biệt này.