Giới trẻ nói gì về chuyện Facebook bị ngăn chận ở Việt Nam?
2010.01.05
Café wifi là những quán cà phê mà trong đó các bạn có thể truy cập internet miễn phí. Gần đây, hình thức café wifi rất được các bạn trẻ ưa chuộng vì đây là nơi mà các bạn trẻ có thể trao đổi thông tin rất nhanh, phong phú và đa dạng.
Tương tự, chương trình Café Wifi là một điểm hẹn để các bạn trẻ Việt Nam trên khắp thế giới có thể gặp gỡ và trò chuyện những vấn đề liên quan đến cuộc sống của giới trẻ.
Hôm nay là ngày khai trương Café Wifi của Đài RFA. Hôm nay quán có ba người bạn. Xin được mời vị khách thứ nhất.
Nhung: Xin chào chị Khánh An. Em tên là Nhung, đang học lớp Cao học ở trường ĐH Khoa học Tự Nhiên ở Sài Gòn.
Khánh An: Cám ơn bạn. Sau đây là vị khách thứ hai.
Hòang: Chào chị Khánh An. Em tên là Hòang, đang làm PhD ngành Tóan ở Pháp. Em 27 tuổi.
Khánh An: Và bây giờ là vị khách thứ ba.
Long: Mình tên là Long. Mình là kỹ sư máy tính, hiện ở Sài Gòn. Mình 33 tuổi.
Facebook ở Việt Nam
Khánh An: Xin cám ơn các bạn rất nhiều đã đến với Café Wifi trong ngày khai trương đầu tiên. Hôm nay chúng ta sẽ nói về câu chuyện rất gần với giới trẻ hiện nay – câu chuyện Facebook, một mạng xã hội đang được rất nhiều người trẻ Việt Nam “nghiện”. Gần đây trong dư luận các bạn trẻ đang rất xôn xao về việc Facebook bị chặn tại Việt Nam. Khánh An xin được mở đầu câu chuyện với một câu hỏi đặt ra với hai bạn Long và Nhung ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm riêng của các bạn, các bạn có thấy Facebook đang bị chặn lại không?
Nhung: Có, bên em có. Tự nhiên vào một ngày đẹp trời, em về quê chơi. Ở dưới nhà em thì không có mạng. Khi lên đây (TPHCM) lại thì thấy không vô Facebook được. Em nói: “Ủa, không lẽ mình mới có về quê lên mà thế giới đã đổi thay, mình không hề cập nhật kịp”. Mấy ngày liền luôn cũng không vô được. Về sau mới phát hiện ra là hình như bị chặn gì đó. Còn lúc đó vẫn chưa biết là bị chặn, cứ nghĩ mạng bị làm sao đó thôi.
Tự nhiên vào một ngày đẹp trời, em về quê chơi. Ở dưới nhà em thì không có mạng. Khi lên TP.HCM lại thì thấy không vô Facebook được.
Nhung, sinh viên Sài Gòn
Khánh An: Còn Long, Long có xài Facebook không?
Long: Mình cũng có nhưng mà thấy xài bình thường.
Khánh An: Cám ơn Long. Trong chuyện này, Khánh An có quan sát và thấy rằng việc Facebook bị chặn thực ra chỉ là một trong những “xáo trộn” trong các sinh họat về mạng xã hội của giới trẻ tại Việt Nam. Trước đây, cũng đã có một sự kiện xảy ra và gây xáo trộn không ít đối với giới viết blog tại Việt Nam, đó là việc Yahoo 360o đóng cửa. Ở đây có bạn nào đã từng sử dụng Yahoo 360o không?
Nhung: Theo như em được biết thì hình như bên Yahoo người ta không đầu tư cho trang mạng đó nữa.
Khánh An: Long thì sao, bạn có nghe tin tức gì về Yahoo không?
Long: Mình cũng không nắm nhưng cũng được thông tin là Yahoo không support nữa thôi chứ mình cũng không rõ vì mình không xài cái 360 đó.
Khánh An: Hòang có xài 360 phải không?
Hòang: Em hồi lâu rồi có xài mà lúc qua bên đây (Pháp), vì trong chỗ em làm việc, admin họ chặn hết
chat để cho mình tập trung làm việc. Thành thử, em phát hiện ra là chỉ có Facebook là có thể chat được trong đó thôi nên em mới lập
trang Facebook.
Em chat với đứa bạn, em than là: “Chỗ tao thì chỉ có Facebook mới chat được thôi, còn mấy cái kia làm ngược lại hết”. Thằng bạn em ở Việt Nam nó nói: “Ở bên Việt Nam thì ngược lại, cái nào cũng được hết, chỉ mỗi Facebook là bị chặn thôi!
Một khi đã chấp nhận vào thế giới tòan cầu hóa rồi thì chặn trang nào cũng là không hợp lý hết, chứ không phải chỉ riêng gì Facebook.
Hoàng, du học ở Pháp
Vì sao phải ngăn chặn?
Khánh An: Như vậy, theo các bạn nghĩ, việc chặn Facebook như vậy có hợp lý không?
Hòang: Em nghĩ là một khi đã chấp nhận vào thế giới tòan cầu hóa rồi thì chặn trang nào cũng là không hợp lý hết, chứ không phải chỉ riêng gì Facebook. Tất nhiên, internet có hai mặt của nó nhưng bản thân người sử dụng internet phải rất chủ động trong tìm kiếm thông tin hay là mục đích sử dụng rồi. Em không thích kiểu hạn chế người sử dụng bằng cách chặn, nhất là ở mình (Việt Nam).
Như vậy là vô tình anh giống như “cá mè một lứa”. Anh không tôn trọng quyền tự do thông tin của người sử dụng vì người sử dụng rõ ràng họ có quyền được tự do thông tin. Đây chỉ là suy nghĩ cá nhân em thôi, em thấy ở mình vẫn có cái khuynh hướng gọi là tuyên truyền. Để định hướng dư luận, họ hay nói tới chuyện phải tuyên truyền.
Trong khi đó, xu hướng của internet là một xu hướng hòan tòan khác. Xu hướng internet là đa kênh, đa chiều và đa nguồn thông tin. Chính người sử dụng internet mới là người chọn những gói thông tin nào mình thích.
Vì vậy, ngay việc chặn thôi, như em nói, là không tôn trọng quyền tự do thông tin của người khác rồi. Thứ hai, nó thể hiện việc không có khả năng đưa ra những gói thông tin người ta cần. Thành thử, họ mới hạn chế thông tin lại để người dùng ít lựa chọn hơn. Như thế thì sẽ chọn những gói thông tin của họ hơn.
Khánh An: Còn Nhung nghĩ như thế nào về chuyện này?
Nhung: Em nghĩ việc chặn là không hợp lý vì internet hiện nay là ngừơi trẻ sử dụng nhiều, còn người lớn không chuộng lắm, họ không nhanh nhạy bằng giới trẻ. Mà khi đã nhanh nhạy rồi thì dù có chặn đường này đường kia, họ cũng sẽ tìm cách để liên lạc với nhau thôi. Cho nên việc chặn hay không chặn, nói chung tính chất những trang này em thấy chỉ là trang mạng cộng đồng thôi, không có gì quá nghiêm trọng để mà phải chặn lại cả.
Khánh An: Long thì sao?
Long: Theo mình, nếu chặn những trang web xã hội lành mạnh thì đó là chuyện không nên. Còn những trang web người ta nói là đen chẳng hạn, những trang web lợi dụng để truyền bá những điều độc hại, thì cũng nên chặn.
Nếu chặn những trang web xã hội lành mạnh thì đó là chuyện không nên. Còn những trang web người ta nói là đen chẳng hạn, những trang web lợi dụng để truyền bá những điều độc hại, thì cũng nên chặn.
Long, kỹ sư ở Sài Gòn
Facebook và web đen…
Khánh An: Trong này Long có nói đến từ “đen”, “những trang web đen thì nên chặn”, vậy Long định nghĩa như thế nào về từ “đen” vì khi có tin Facebook bị chặn, có rất nhiều diễn đàn các bạn trẻ họ phản đối chuyện này, đặc biệt các bạn về công nghệ thông tin đã phản đối rất nhiều. Có một bạn trên một diễn đàn đã đưa ra ý kiến một cách rất hài hước, bạn ấy đã viết: “May quá, mấy trang khiêu dâm lại không bị chặn!”. Ở đây có một nghịch lý. Vì Long có đề cập đến từ “đen” thì Long có thể giải thích cho các bạn không?
Long: “Đen” ở đây Long có giải thích ở trên là cái gì đó mang lại độc hại cho lòai người, chẳng hạn như lợi dụng trang của tuổi teen, những em rất nhỏ, để mình loan truyền lối sống không lành mạnh thì đó là đen. Còn những trang có vỏ bọc bên ngòai là một nội dung khác mà lại có nội dung không lành mạnh bên trong thì Long thấy đó là đen.
Còn đối với trường hợp Facebook bị chặn hay không, thực sự Long cũng không quan tâm nhiều vì có nhiều cách để vô. Nhưng đối với Long, Facebook có bị chặn hay không thì trước tiên cần phải có một lý do. Trước khi mình đấu tranh hay làm gì, mình phải cần biết lý do tại sao nó bị chặn.
Còn nếu là một người làm về công nghệ thông tin, nếu đứng vai trò là một người an ninh mạng chẳng hạn, mà Facebook mà có nhiều mã nguồn mang lại virus nhiều thì đối với một công ty thông thường người ta cũng sẽ chặn.
Khánh An: Hai bạn Nhung và Hòang nghĩ như thế nào về từ “đen” mà Long mới vừa nói?
Hòang: Thường thì người ta vẫn dùng từ “đen” để nói những trang web mang nội dung đồi trụy, về mặt văn hóa phẩm. Nhưng ngay bây giờ đối với em, em nghĩ việc chặn những trang web đen đó cũng không phải là biện pháp lâu dài.
Em nghĩ, biện pháp lâu dài hơn là một nền giáo dục cho người tự miễn nhiễm trước những trang web đó, chứ không phải là chặn. Bởi vì đối với người này là đen, đối với người khác lại không đen! Cụ thể là bên này người ta quy định rõ ràng, ví dụ, anh dưới 16 (tuổi) là anh không được truy cập những trang porn như thế này, anh trên 18 thì anh được…
Như vậy, cái việc chặn liệu nó có còn tôn trọng cái ngưỡng như vậy nữa hay không? Đối với em, ngay cả những trang web hồi giờ mình gọi là đen thì cái chữ “đen” đó cũng phải coi lại. Em chủ trương là cho người sử dụng một khả năng miễn nhiễm chứ không phải là “ngăn sông cấm chợ”, cho dù dưới bất cứ nội dung nào. Quan trọng nhất vẫn là người sử dụng tự lựa chọn gói thông tin của họ.
Long: Long đồng ý với bạn chuyện đó thành ra mình mới mở rộng cái scope (phạm vi) của nó. Mình không nói nó là một nội dung đó nhưng chẳng hạn trước khi bạn vào một trang web mà nội dung nó đúng, ví dụ như tôn chỉ là thuần túy về sex đi, nghĩa là đã thông báo đầy đủ và mình biết là mình sẽ vô chuyện đó.
Còn một
khi mình giống như bị “treo đầu
dê, bán thịt chó”, mình
muốn kiếm thông tin đó, mình đi vào nhưng nó lại là một
mã nguồn nào đó hoặc nội dung không tốt,
mình lỡ vào đó.
Đóng vai trò là phụ huynh đi, mình có thể cho phép con mình vô, lúc đó mình mới bị lừa. Mình nói “đen” nghĩa là nó làm đen tối người khác như vậy đó. Chứ mình cũng đồng ý với bạn chuyện người tiêu dùng nên thực sự được lựa chọn.
Nhung: Cũng đôi khi em bị giống như anh Long nói, bị lỡ lầm nhấp nút vào một link trong đó bị chuyện đó, nhiều khi nó đưa link tới hoặc bạn em gửi qua, mà mình cứ đinh ninh, tin tưởng người bạn đó mà không ngờ là vậy nên nhiều khi mình không biết.
Em nghĩ anh Hòang nói cũng đúng, phải cần giáo dục ngay từ người sử dụng nhưng phải có hai chiều, tức là phải có cung có cầu. Nếu mà người cung chỉ cung những tin tức thật thôi thì người kia cũng đỡ cực khổ hơn trong việc lựa chọn thông tin. Đương nhiên, nếu dành cho người lớn, người lớn đôi khi cũng sai lầm.
Đối với trẻ em, em thấy tuổi teen bây giờ phát triển nhanh cực kỳ, mà mình không hướng kịp cho nó thì tất nhiên việc chặn những trang web đen em thấy là cần thiết. Vì đối với học trò bây giờ, nó chưa định hướng được, trong khi ở xã hội mình đâu phải gia đình nào cũng OK hết, tức là bố mẹ có khả năng dành nhiều thời gian cho con cái mình đâu. Nó tự do quá, nhiều khi nó truy cập vào mà mình không kiểm sóat được.
Mình không định hướng cho con cái, đàn em mình được thì rất nguy hiểm. Cho nên em nghĩ phải có hai chiều, đúng là phải giáo dục nhưng người lập ra trang web hoặc người quản lý mạng cũng phải có một động thái nhất định…
Khánh An: Vừa rồi, quý vị đã theo dõi câu chuyện đầu tiên ở quán Café Wifi của RFA. Bây giờ đã đến lúc quán phải đóng cửa. Mời quý vị trở lại để tiếp tục theo dõi phần 2 của câu chuyện Facebook, cũng vào giờ này thứ Hai tuần sau. Khánh An xin kính chào. Xin mời quý vị, đặc biệt là các bạn trẻ, đến tham gia với Café Wifi bằng cách gọi vào số điện thọai 202-530-4900 hoặc gửi email về địa chỉ: wificoffee.rfa@gmail.com. Đừng quên để lại số điện thọai để Khánh An liên lạc lại với quý vị nhé.