Vấn đề dạy và học tiếng Anh hiện nay
2010.02.22

Trước khi bước vào đề tài, mời các bạn tự giới thiệu.
Yến: Em chào chị Khánh An. Em tên Yến, năm nay 27 tuổi. Em làm đối ngoại cho một tập đoàn ở Hà Nội. Em có hơn một năm kinh nghiệm làm đối ngoại cho dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và khoảng 1 năm làm cho trường quốc tế Mỹ.
Thìn: Em chào chị Khánh An, chào chị Yến. Em là Trịnh Mậu Thìn, hiện đang sống ở Hà Nội. Em là sinh viên liên thông liên đại học của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.
Quỳnh: Mình chào Khánh An và tất cả các bạn. Hiện nay Quỳnh 23 tuổi, vừa ra trường, đang làm tại công ty chứng khoán ACB.
Trang: Trang xin chào mọi người. Năm nay em 23 tuổi. Em vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, cơ sở 2, TPHCM. Hiện em đang làm cho một tập đoàn thép của Hàn Quốc.
Ngọc Anh: Chào chị Khánh An. Mình tên Ngọc Anh, năm nay mình 25 tuổi, đang sống ở Virginia, Mỹ.
Người học
Khánh An: Khánh An chào đón các bạn đến với Café Wifi. Lần này, Khánh An mời các bạn chia sẻ về việc học tiếng Anh. Các bạn thấy điều gì là khó nhất?
Trang: Em nghĩ việc khó khăn nhất khi học tiếng Anh đối với sinh viên Việt Nam là vấn đề nghe. Mình học trong trường đại học, sau đó ra trường, khi gặp người nước ngoài thì vấn đề nghe của mình còn rất nhiều hạn chế. Nhất là khi em đi làm thì gặp khó khăn khi nói chuyện với khách hàng.
Em nghĩ học tiếng Anh rất khó nhưng học được hay không thì nó phụ thuộc vào bản thân mình rất nhiều. Quan trọng là phương pháp mình học thế nào thôi.
Bạn Yến
Khánh An: Cám ơn Trang. Còn các bạn khác thì sao?
Quỳnh: Ngoài khó khăn về vấn đề nghe, mình còn có khó khăn về vấn đề nói. Bởi vì thực sự các bạn ở Việt Nam tìm một môi trường để thực tập tiếng Anh cũng khó. Tới một câu lạc bộ nào đó thì cũng đa số là người Việt.
Thìn: Em xin phép có ý kiến được không chị?
Khánh An: Ừ, mời Thìn.
Thìn: Nói chung học tiếng Anh vấn đề khó thứ nhất là nghe, thứ hai là phát âm. Tất nhiên những vấn đề đấy là vấn đề chung của người Việt Nam rồi. Nhưng vấn đề khó khăn thực tế nhất là học sinh từ cấp III chuyển giao sang đại học phải tập trung vào 3 môn khối của họ để thi đại học. Môn tiếng Anh không được thi vào đại học chung nên học sinh ngay từ cấp III đã gạt tiếng Anh ra ngoài rồi, đó là một khó khăn.
Khánh An: Có nghĩa là từ bản thân người học dĩ nhiên đã có những khó khăn rồi, nhưng một phần khó khăn là do cơ chế nữa?
Thìn: Vâng ạ.
Khánh An: Các bạn khác thì sao? Có đồng ý với ý kiến này không?
Yến: Em rất cảm ơn ý kiến của Thìn nhưng theo quan điểm của em thì cũng không hẳn như vậy bởi vì bản thân em cũng không học chuyên ngành ngoại ngữ từ nhỏ, nhưng đến khi công việc của em yêu cầu đến tiếng Anh, em cũng làm việc rất tốt ở những môi trường khác nhau. Cho nên em nghĩ học tiếng Anh rất khó nhưng học được hay không thì nó phụ thuộc vào bản thân mình rất nhiều. Quan trọng là phương pháp mình học thế nào thôi.
Ngọc Anh: Em có ý kiến được không chị. Em nghĩ các bạn nói cũng đúng. Ở Việt Nam, thầy cô dạy tiếng Anh nhưng thực sự thầy cô nói tiếng Việt với mình. Mình chỉ cứng về phần grammar, vocabulary nhưng về phần nói thì mình sẽ gặp khó khăn.
Nhưng theo em nghĩ, thời gian rảnh rỗi hoặc cuối tuần mình có thể đến các trường học tiếng Anh bên ngoài có thầy cô là người Mỹ thì mình có thể học thêm cách người ta nói chuyện, cách người ta phát âm.
Thìn: Vâng, có ạ.
Quỳnh: Nói chung, cái khó khăn trong vấn đề nói không chỉ là tìm đối tượng để giao tiếp, mà còn là vấn đề tâm lý sợ sai.
Khánh An: Ừ, còn Yến nghĩ sao?
Yến: Em nghĩ rằng rụt rè hay không là do cơ hội tiếp xúc của các bạn Việt Nam với người bản ngữ là quá ít. Ngay cả các trung tâm ở Hà Nội em thấy thường giáo viên chuẩn tiếng Anh cũng không nhiều. Ở Hà Nội, em cũng đã đi học ở một số trung tâm rồi nhưng em thấy chất lượng không ổn lắm. Thực sự, em chỉ tin mỗi British Council và Đại sứ quán Mỹ thôi. Thực ra, các bạn rụt rè lúng túng là cũng vì lý do khả năng phát âm của các bạn. Khi em tiếp xúc với người Anh, người Mỹ, em thấy họ phát âm khác với giáo viên của em dạy. Khi lần đầu tiếp xúc với người nước ngoài, mình nói có vài câu mà người ta đã không hiểu thì tự nhiên mình cảm thấy lúng túng, bối rối rồi.
Người dạy
Khánh An: Theo Khánh An được biết, có rất nhiều trung tâm không đạt tiêu chuẩn. Giáo viên cũng vậy. Bởi vậy, các bạn đi học tiếng Anh, các bạn có kinh nghiệm nào trong việc chọn trung tâm, chọn giáo viên không?
Yến: Vâng, có ạ.
Trang: Sau
khi đã học qua 1, 2 trung tâm, em thấy hầu hết các trung tâm dạy không có hiệu
quả. Thứ nhất, số tiền quá cao. Với mức học phí theo em được biết hiện tại ở Hội
Việt Mỹ là khoảng 1 triệu đồng / tháng. Hiện tại sinh viên Việt Nam, với mức
thu nhập bình quân đầu người quá thấp, nhất là người nông dân, thì con em họ
không thể nào có điều kiện đi học tiếng Anh và tiếp xúc với người nước ngoài được.
Các thầy cô dạy tiếng Anh là từ giáo viên dạy tiếng Nga chuyển sang, do Nhà Nước có một giai đoạn không cho học tiếng Anh mà bắt học tiếng Nga, nên em thấy có những bất lợi trong cách phát âm.
Bạn Trang
Thứ hai, các thầy cô được mời về các trung tâm hầu như là những người mà em nghĩ rằng không có bằng sư phạm, nói nôm na là Tây ba lô. Bản thân em từng đi học tiếng Anh với một số thầy cô, họ không có phương pháp truyền đạt cho mình. Họ đứng nói một chủ đề nào đó thao thao bất tuyệt, không cần biết sinh viên dưới đó ngồi nghe có hiểu gì không.
Khánh An: Các bạn khác nghĩ thế nào?
Yến: Em thực sự cũng đi một vài trung tâm. Lựa chọn mà theo em là khá hợp lý là Hội đồng Anh nhưng theo các bạn thì mức học phí có thể hơi mắc so với thu nhập chung của người Việt Nam. Ở Hà Nội có Đại sứ quán Mỹ cũng có những câu lạc bộ tiếng Anh và có những buổi nói chuyện về phát âm và các chuyên đề về tiếng Anh, toàn là những giáo viên bản ngữ. Em thấy dạy khá hiệu quả và mở cửa cho công chúng đến chứ không nhất thiết phải mất tiền.
Ngoài ra, các bạn ở Hà Nội có thể đến Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội hoặc các bạn có thể ra Hồ Gươm, ở đấy có rất nhiều Tây, các bạn có thể làm quen, nói chuyện hoặc các bạn cũng có thể học trực tuyến trên mạng. Ví dụ như em biết trang www.livemocha.com là một trang khá hiệu quả mà bạn có thể học 5 thứ ngoại ngữ khác nhau, học trực tuyến, miễn phí.
Khánh An: Các bạn thấy hiệu quả của việc dạy tiếng Anh ở trường phổ thông và đại học như thế nào?
Trang: Ở các miền quê không có điều kiện cơ sở vật chất bằng các bạn ở thành phố nên việc học tiếng Anh ở các khu vực này không có hiệu quả bằng. Thứ hai, ba em hồi trước học ở giai đọan trước năm 1975, hiện tại ba em có một số giáo trình thời ba em học cấp III. Em đã đọc các giáo trình đó và em thấy hồi xưa những giáo trình đó được viết theo giọng văn của người Mỹ.
Những thầy cô đó sau này lại chuyển sang học tiếng Anh. Một thời gian mấy chục năm trời không tiếp xúc với tiếng Anh nên khi truyền đạt lại cho học sinh, em thấy có những bất lợi trong cách phát âm.
Cải tiến phương pháp dạy
Khánh An: Như vậy có thể nói một phần do hoàn cảnh đất nước của mình. Trong một thời gian dài, mình không được tiếp xúc với người nước ngoài, với tiếng Anh quốc tế nên đây là một thiệt thòi cho lớp học trò sau này của Việt Nam. Như vậy bây giờ nếu các bạn được phép đề nghị, những đề nghị nào mà các bạn nghĩ rằng có thể góp phần cải thiện hệ thống dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông và đại học?
Yến: Nếu mà có đề xuất thì em muốn trong quá trình học tiếng Anh, mỗi một buổi có một buổi học tiếng Anh giao tiếp với người bản ngữ.
Thìn: Em nghĩ rằng bây giờ trong cuộc sống tiếng Anh rất cần. Vậy tại sao cái này không bắt buộc cho học sinh cấp III, tất cả các khối đều phải thi đại học bằng tiếng Anh. Như vậy khi học sinh học tiếng Anh, họ đã xác định rằng môn này phải thi đại học và cái đấy rất cần thì họ sẽ phải học. Như vậy, mong muốn của em là đưa môn tiếng Anh vào thi đại học cho tất cả các khối.
Em nghĩ là nếu thầy cô được tu bổ hoặc được đi học thêm ở nước ngoài thì khi về nước sẽ giúp cho ngành giáo dục nói chung và tiếng Anh nói riêng tốt hơn.
Bạn Ngọc Anh
Quỳnh: Mình chỉ mong là ở các trường khối phổ thông đưa vào sử dụng hiệu quả hơn phòng lab và các máy vi tính. Hầu hết các trường đều có đầu tư vào những phòng phục vụ cho vấn đề nghe nhìn của học sinh nhưng các phòng đó chỉ đóng cửa để đó, hầu như học sinh không được vào. Khi nào có yêu cầu của giáo viên, có khi một hai tháng sau, học sinh mới được một buổi vào trong đó để xem phim hay nghe một đoạn đối thoại của người nước ngoài.
Khánh An: Cám ơn Quỳnh. Ý kiến của Trang?
Trang: Việc học Anh văn có tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào Nhà Nước của mình. Nếu Nhà Nước đầu tư một ít kinh phí vào cho các huyện, các vùng sâu vùng xa để hỗ trợ cho các em học sinh trong vấn đề học tiếng Anh. Đó là ý kiến của em.
Khánh An: Vâng, Ngọc Anh thì ở Mỹ nhưng nếu bạn được phép đề nghị thì bạn đề nghị điều gì?
Ngọc Anh: Em nghĩ là nếu thầy cô được tu bổ hoặc được đi học thêm ở nước ngoài thì khi về nước sẽ giúp cho ngành giáo dục nói chung và tiếng Anh nói riêng tốt hơn.
Tại sao ở Singapore, người ta cũng đi học mà người ta có thể nói tiếng Anh rất lưu loát trong khi ở Việt Nam mình chủ yếu đi học tiếng Việt là chính, môn tiếng Anh chỉ là một môn phụ. Em nghĩ ngành giáo dục Việt Nam ngay từ cấp tiểu học nên cho học sinh học một số môn bằng tiếng Anh, có thể một vài môn cho các em nhỏ để các em có thể làm quen tiếng Anh từ nhỏ. Dần dần, ngành giáo dục của mình không phải chỉ có tiếng Việt không mà còn có tiếng Anh song song với tiếng Việt.
Khánh An: Cám ơn ý kiến của Ngọc Anh và các bạn khác rất nhiều. Cám ơn các bạn đã dành thời gian để đến với Café Wifi. Xin chào.
Góp ý kiến và liên lạc để tham gia chương trình: 202-533-4900(để lại tin nhắn) hoặc email số điện thoại về: wificoffee.rfa@gmail.com. Cám ơn!