Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?

Café Wifi kỳ này tiếp tục bàn đến một vài “dấu ấn” mà Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã để lại cho nền giáo dục Việt Nam.

0:00 / 0:00

Chỉ hô hào

Khánh An rất vui được tái ngộ với quý vị và các bạn Ân từ Hà Nội, Đạt từ Sài Gòn và Hoàng từ Pháp, trong Chương Trình Cafe Wifi với đề tài giáo dục.Chúng ta tiếp tục ý kiến của bạn Ân:

Ân: Khi ông Nhân lên thì người ta rất hy vọng là ông ấy, cũng như năm linh sáu (2006) khi ông Dũng lên làm thủ tướng, người ta cũng hy vọng nhiều bởi vì người ta tin vào sức trẻ và ý chí trẻ của họ. Nhưng mà họ nói thì, theo như em nghĩ, ý kiến riêng của em đấy, có thể nó hơi cực đoan, đấy chính họ nói rằng mà họ chẳng làm. Ông Nhân cũng chỉ là người đề ra các khẩu hiệu và cũng có thực hiện được, nhưng mà làm một cách không triệt để. Bởi vì cho đến nay thì kể như, không nói gì xa mà ngay như lớp của em đấy, khi thi cử người ta vẫn giở tài liệu nếu có thể giở được, hoặc vẫn có thể bày cho nhau nếu có thể bày được. Như thế có thể thấy rằng nó thành một cái chung cho cả nước Việt Nam này rồi. Khi người ta muốn bỏ việc ấy thì không chỉ nói mà phải làm nữa.

Khi ông Nhân ổng nói như thế thì từ ông bộ trưởng xuống đến ông thứ trưởng và đến các ông vụ trưởng và đến các trường học, người ta làm theo lệnh thôi. Theo như em nhớ, ngay khi đề ra chương trình hai không hay ba không "chống bệnh thành tích trong thi cử" thì ngay kỳ thi tốt nghiệp năm đấy của cấp ba, em nhớ rằng cả nước ta hình như có trên 60 vạn người không tốt nghiệp, một con số cực kỳ cao, trong khi các năm trước thì như trường em học ngày xưa, trước đây cứ một năm thi tốt nghiệp thì chỉ trượt đâu có mấy chục người thôi à, ít lắm, gần như là qua hết luôn.

Khi đề ra chương trình hai không hay ba không "chống bệnh thành tích trong thi cử" thì ngay kỳ thi tốt nghiệp năm đấy của cấp ba, cả nước hình như có trên 60 vạn người không tốt nghiệp.

Bạn Ân

Còn năm đấy thì trượt đến hơn 50% học sinh trượt, trong khi trường em là một trường phải nói là có tiếng ở trong huyện và cả trong tỉnh nữa mà còn như thế, thì không hiểu những trường khác như thế nào nữa. Người ta nói rằng là mình phải đau thì mới biết mình đứng dậy, nhưng mà đau đến cả chục lần rồi, nó vẫn đau thôi, chứ chẳng được cái gì cả. Chẳng hạn, nếu bảo rằng năm nay có nhiều em đậu tốt nghiệp thì năm sau sẽ có nhiều hơn, nhưng mà đến năm sau chẳng nhiều hơn được bao nhiêu cả, bởi vì những em học sinh ngay từ khi còn bé đã được dạy ở một môi trường không tốt thì khi nó lớn lên, nó cũng đâu giỏi hơn được cái gì đâu. Chẳng hạn, khi còn nhỏ, nó được dạy rằng "phải yêu Bác Hồ" thì khi lớn lên nó vẫn "yêu Bác Hồ" thôi chứ không khác được.

Cái thứ hai nữa, khi để xảy ra các tiêu cực như thế thì lỗi của giáo dục và phải cải cách. Như anh Hoàng hay anh Đạt nói, nó chẳng “cải” được cái gì cả, cũng không “cách” được cái gì cả. Như em của em học nhiều quá nó gầy người đi, là vì sao? Một ngày đi học nó phải mang cả những sách nặng như một tấn xi-măng trên người ấy. Tức là hồi nó ở lớp một thì nó mang một cái ba-lô nặng lắm, nặng nửa người của nó luôn đấy. Khi em đi đón nó ở trường thì nó lại đi tắt đường đồng về bởi vì nó muốn đi chơi với bạn của nó nữa. Nó đi đường đồng nhỏ thôi, em nhìn nó ở xa xa, thấy nó như một con rùa bởi vì cái mai của nó to như cái cặp của nó luôn, nó như thế. Cứ khi nào đi học về là nó bở hơi tai luôn, bởi vì sách vở thì quá nặng nề và cồng kềnh, nặng cả về kiến thức nữa, trong khi hỏi thì nó chẳng nói được cái gì cả. Đấy không phải là lỗi của nó; em nghĩ rằng đấy là lỗi của cái ngành ông Nhân ổng quản lý thôi. Có nghĩa là em thấy nó vẫn không có nhiều cái mặt tích cực trong khi ông ấy hô hào như thế.

Làm những việc dễ?

Học sinh cấp 2 tan học ở Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.
Học sinh cấp 2 tan học ở Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Khánh An: Từ nãy giờ mình nghe các bạn nói rất nhiều về những điểm mà có thể nói rằng khá tiêu cực về Bộ trưởng Nhân, thế thì các bạn nghĩ như thế nào về những cái mà báo đài đưa tin về Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân như là một trong những bộ trưởng gần gũi nhất. Rất nhiều lá thư tâm huyết gởi đến ông, rồi ông cũng là người viết thư rất nhiều vào dịp này dịp kia, tất cả các dịp. Ông cũng là người mà theo như Khánh An biết, ông đã đến dự một lớp học, ông đã ngồi trong lớp học học và dự giờ, trước giờ không có mấy bộ trường giáo dục làm những chuyện như thế này. Rồi ông cũng là người mà chẳng hạn, báo chí vừa đăng tin là có một bài văn rất xuất sắc, rất cảm động, một hiện tượng, thì ông lập tức đến và trao quà cho học sinh này và trò chuyện với cô giáo dạy văn ở trường của học trò này đang học. Như vậy, các bạn đánh giá như thế nào về những điều mà ông làm?

Hoàng: Qua những việc mà chị Khánh An vừa liệt kê thì em có cảm giác là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân làm toàn những việc dễ. Những chuyện đó chị Khánh An làm cũng được, không cần phải tới bộ trưởng. Chị thấy không? Bây giờ nếu chị nghe một bài văn hay, chị tới chị tặng quà, ai cũng làm được hết. Rồi chị nghe ở đâu có một tiết học, chị vô dự giờ thì em cũng làm được nữa. Rồi chị viết thư, một ngày em có thể viết mười lá. Cho nên, em nói vui như vậy để nếu mà xem ngành giáo dục Việt Nam lúc Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lên là một người bệnh nhân, họ cần một liều thuốc, cần người thầy thuốc kê một toa thuốc thật đúng bệnh, thì em cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân không phải là một người bác sĩ kê đúng toa thuốc cho giáo dục của Việt Nam.

Bởi vì theo em thì cái giáo dục Việt Nam lúc đó cái họ thiếu không phải là một loạt câu khẩu hiệu, cái họ thiếu không phải là thư viết cho học sinh, hay là dự giờ, tặng quà, cái đó không phải là cái thuốc để trị hết bệnh, mà em cho rằng, cái thiếu của Việt Nam mình lúc đó là thứ nhất giáo viên phải được giải quyết về chuyện lương bổng, bởi vì cái việc dạy thêm học thêm cũng xuất phát từ hai nguyên nhân, thứ nhất là lương dạy ở trường không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày của giáo viên, thứ hai là hệ thống kiến thức của sách giáo khoa hoặc là không có phù hợp với yêu cầu thực tế, hoặc là quá non so với các kỳ thi nên học sinh có nhu cầu phải học thêm.

Cần người thầy thuốc kê một toa thuốc thật đúng bệnh, thì em cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân không phải là một bác sĩ kê đúng toa thuốc cho giáo dục Việt Nam.

Bạn Hoàng

Thì em thấy những chuyện đó lại không làm, mà bây giờ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lại đi làm cái việc là cấm dạy thêm học thêm, có nghĩa là chỉ triệt cái ngọn thôi, thì nó sẽ lại phình ra dưới những hình thức khác. Em muốn nói Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân liên tục kê những toa thuốc mà nó không đụng gì tới căn bệnh hết. Nếu coi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân như là một bác sĩ thì em coi đó là một bác sĩ tồi.

Khánh An: Vâng. Các bạn khác thì nghĩ như thế nào về ý kiến mà bạn Hoàng vừa mới nói?

Ân: Em rất đồng ý với anh Hoàng bởi vì cách anh nói nó vừa hài hước mà nó vừa đúng nữa. Thật sự thì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nếu là một bác sĩ thì là một bác sĩ tồi, bởi vì theo em thấy ở Việt Nam mình thì khi các ông sếp hay là các ông to ở trung ương mà có làm được cái gì thì người ta rất là hay ca ngợi; đấy là một cái dạng đánh bóng tên tuổi của ông ấy. Chẳng hạn như ông Triết đeo khăn quàng đỏ đi đến thăm một trường đại học nhân ngày khai trường, hay là ông Mạnh - ông Tổng bí thư ấy đeo khăn quàng đỏ đi đến thăm các bé nhân ngày trung thu; người ta viết bài người ta ca ngợi, trời ơi là ca ngợi! Thế nên bây giờ ông Nhân có đi thăm hay đi tặng quà hay đi chúc mừng ai thì thật ra cái đấy chỉ là cái hoạt động bề nổi thôi và nếu nó được báo chí quá ca ngợi như thế thì đấy chỉ là mặt hình thức…

Hoàng: …Rồi chị Khánh An thấy khi mà con bệnh của ngành giáo dục đang vào giai đoạn hấp hối như hiện nay thì người thầy thuốc lại dứt áo ra đi rất là tỉnh queo, không hề có lấy một lời chính thức nào, nói chuyện hay viết một cái thư nói là bây giờ tôi bỏ đi như thế này, như thế này, như thế này...

Một trường cấp 2 ở Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.
Một trường cấp 2 ở Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Khánh An: Có khi sau khi chương trình này phát thì sẽ có một lá thư chăng?

Hoàng: Nhưng mà có cái thư đó thì là chuyện đã rồi, chị ạ. Chị nhớ là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có nói là tới năm 2010 thì giáo viên sẽ sống được bằng lương.

Khánh An: Vâng.

Hoàng: Câu đó là một câu đầy chua xót, vậy cuối cùng, từ hồi trước tới giờ họ sống bằng cái gì? Đó là một lời hẹn mà em thấy rất là thiếu trách nhiệm với giáo viên. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực thì chuyện Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ra đi có khi lại tốt đó chứ! Vì chữa lâu quá mà chữa lộn thuốc như vậy hoài...

Nên thay bác sĩ giỏi

Khánh An: Vậy thì mình nên thay bác sĩ phải không?

Đạt: Dạ, phải thay bác sĩ, nhưng chỉ mong là bác sĩ mới đừng có tồi như bác sĩ trước thôi.

Khánh An: Thì cũng đã từng xảy ra như trước đây khi mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lên, người ta cũng nghĩ rằng đây là một bác sĩ tốt vì bác sĩ trước đây không tốt lắm. Mình còn nhớ khi mà bộ trưởng mới vừa mới lên chức, người ta có những bức tâm thư hay thư ngỏ rất nhiều gởi đến tân bộ trưởng, chính trong những bức thư đó, người ta vạch ra những điểm đáng lưu ý, những điểm quan trọng nhất và đề nghị bộ trưởng nên lưu tâm đến những chuyện đó. Thế mà bây giờ 4 năm rồi!

Đạt: Chuyện giáo dục ở Việt Nam mình thì để mà cải cách trong một nhiệm kỳ thì Đạt nghĩ là chúng ta cũng phải nhìn nó khách quan và nhìn nó với cách suy nghĩ mở rộng một tí. Tức là 4 năm trời một mình ổng làm thì nó có quá sức không? Các bạn có nghĩ như thế không ạ?

Việc này không phải một sớm một chiều, Đạt không hề bênh ngài Nhân đâu, tuy nhiên nó giống như việc mình uốn nắn cây cảnh vậy, nếu mà để nó đẹp thì phải uốn từ nhỏ.

Bạn Đạt

Hoàng: Hoàng không nghĩ thế đâu ạ. Để Đạt nói xong đi thì Hoàng sẽ xin nói một tí tại sao Hoàng lại không nghĩ như thế.

Đạt: Cái việc này không phải một sớm một chiều, ý Đạt nói Đạt không hề bênh ngài Nhân đâu, tuy nhiên nó giống như việc mình uốn nắn cây cảnh vậy, nếu mà để nó đẹp thì phải uốn từ nhỏ, con người mình cũng không đi ngoài cái quy luật đấy. Bây giờ ngài Nhân đỗ một nhiệm kỳ và đùng một cái ngài làm cải cách và làm cải cách là làm cho kiến thức nhiều hơn, cặp sách học sinh đi nặng hơn, nhưng chúng ta thì bất ngờ vì mình cảm thấy nó không có đúng, nhưng mà Đạt nghĩ hơi tích cực, nghĩa là ông Nhân ổng đi được một bước đầu tiên, chẳng hạn vậy, bây giờ có thêm một người nữa, có thêm một người mới lên thì ông mới này sẽ bước tiếp ông Nhân.

Ông người mới này loại bỏ những bước đi sai lệch của ông Nhân, bước đi vào vũng lầy của ông Nhân, chỉ đi trên bước đi tốt đẹp của ông Nhân thôi, ví dụ như là cải cách trong thi cử và cái chuyện nhỏ nhoi hồi nãy… À vâng, Đại nói lại cái chuyện mà anh Hoàng cho là nhỏ nhoi với lại tầm thường đó, tức là đến thăm và chúc mừng một người có bài văn hay chẳng hạn vậy. Đặt trường hợp nếu chúng ta, nếu Đạt hoặc anh Hoàng, hoặc chị An hay là bạn Hương gì đấy, là chủ nhân là tác giả của bài văn hay đấy, thì nếu được đón nhận, không biết là trong đó có cái ý đồ gì không, nhưng nếu mình là đối tượng, mình là nhân vật chính thì mình cảm thấy rất được chia sẻ, được hạnh phúc. Cho nên báo chí nói, có thể là báo chí hướng về cái tâm lý của người được nhận nhiều hơn.

Hoàng: Hoàng không nói việc làm của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân như đi thăm hay viết thư là những việc làm không tốt, Hoàng chỉ nói đó là những việc làm dễ và ai cũng làm được. Cho nên nếu dùng những việc đó để nói đó là tiêu biểu của một người bộ trưởng thì Hoàng nghĩ nó không phải. Cái việc đó nó không đúng chỗ. Có nghĩa là nếu mà chỉ dừng lại ở đó không thôi là thiếu trách nhiệm.

Đạt: Giáo dục ở Việt Nam mình nó là một bệnh nhân và bệnh nhân này mắc nhiều bệnh lắm, từ nan y cho đến bệnh nặng, bệnh nhẹ, hen suyễn đủ thứ, còn bác sĩ thì cũng có bác sĩ lành nghề, cũng có bác sĩ tốt, cũng có bác sĩ giỏi, có bác sĩ chưa được giỏi, thế cho nên là mỗi bác sĩ có một cách. Việc làm của ông Nhân, Đạt tin chắc là không chỉ ổng làm, bởi vì cơ chế hoạt động của họ là có nguyên một bộ sậu mà, cho nên ta có thể thấy ngài Nhân, bố Nhân có thể chịu tác động, bị tác động nhiều hướng khác nữa, đâm ra nó mới sinh ra cớ sự là ngành giáo dục hiện nay nó như vậy.

Hoàng: Tất nhiên là Hoàng không hiểu lắm về cách vận hành trong bộ máy lãnh đạo của Bộ Giáo Dục như thế nào, nhưng Hoàng nghĩ là người bộ trưởng thì phải là một người "leadership", có nghĩa là người điều hành. Tất nhiên không phải một mình Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vận hành cho cả nền giáo dục, một mình Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân làm không đủ. Đạt đừng quên rằng Việt Nam mình có rất nhiều nhà giáo tăm tiếng, có rất nhiều cái đầu tốt, người "leadership" không phải là người đi làm từng cái việc nho nhỏ trong Bộ Giáo Dục, giống như người bác sĩ có khi họ không chích thuốc, chích thuốc phải là y tá, mà họ là người kê đơn thì họ phải thấy được cái điểm thiếu cái gì. Họ phải là người gom được những thế mạnh trong ngành giáo dục, những tinh túy, những cái tinh hoa của Việt Nam lại để tạo ra một sức mạnh. Người "leadership" phải là người như thế.

Khánh An: Vừa rồi là ý kiến của Hoàng. Và Cafe Wifi đã đến lúc phải chia tay với quý vị và các bạn rồi. Khánh An và các bạn hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới. Mong nhận được những ý kiến đóng góp và nhất là sự tham gia của các bạn trẻ qua email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org. Khánh An xin kính chào.

Theo dòng thời sự: