Bỏ ngỏ kiểm soát "Truyện tranh online"
2010.07.28
Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Cafe Wifi.
Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện của các bạn Tín, Trí, Hoàng Vũ và Tiểu Mi về những mảng tối của truyện tranh online. Trong lần trò chuyện này còn có thêm một "fan" của truyện tranh online cũng muốn tham gia vào Café Wifi. Khánh An xin mời Tâm tự giới thiệu.
Tâm: Mình tên là Tâm. Năm nay mình 27 tuổi. Mình ở TP.HCM.
Nhiều điều tiêu cực
Khánh An: Hôm bữa trước mình cũng có nói đến những điều thú vị trong thế giới truyện tranh mà các bạn trẻ có thể tìm thấy. Nhưng bên cạnh những điều đẹp đẽ trong sáng ở trong truyện tranh thì vẫn còn những điều tiêu cực, chẳng hạn sex, tình dục, những tranh gợi dục… ở trong truyện tranh online. Không biết là các bạn có đọc truyện tranh và có nhìn thấy những hình ảnh như thế này không?
Hàn Quốc bây giờ là truyện tranh “đàn em”, nó mới ra nên thường thường vẽ nhiều cảnh rất là "sex" để thu hút giới trẻ vào đọc.
Bạn Tâm
Tâm: Mình có xem qua một số như vậy và mình thấy có nhiều cấp độ. Đối với một số truyện tranh bình thường nó sẽ vẽ lấp đi, gặp cảnh đó nó sẽ vẽ lấp đi một phần. Có một số truyện tranh như truyện "Cậu bé rồng" chẳng hạn, thì nó cũng sẽ show ra một phần. Hoặc những truyện hơi khêu gợi một chút như là truyện "Thủy thủ mặt trăng" chẳng hạn, váy ngắn, ăn mặc khêu gợi, hơi bị "sexy" một chút. Hoặc là một số truyện Hàn Quốc bây giờ, Hàn Quốc bây giờ là truyện tranh “đàn em”, nó mới ra nên thường thường vẽ nhiều cảnh rất là "sex" để thu hút giới trẻ vào đọc. Ví dụ như truyện gần đây mình đọc là "A friend…" của Hàn Quốc và nó rất là "sex". Nó là một truyện tranh chiến đấu nhưng mà nó vẽ rất "sex", nó "sex" hoàn toàn đó, gần như là 80%.
Khánh An: 80%?
Tâm: Ừ, 80%. Nó chỉ vẽ lấp cái bộ phận phía dưới, bên trên nó vẫn vẽ đầy đủ. Như vậy quả là kinh khủng, nhưng truyện đó lại ở trên một trang web rất nổi tiếng.
Khánh An: Mình có một được một bài báo người ta viết rằng truyện tranh bây giờ, công thức của truyện tranh lịch sử là = sex + bạo lực + kinh dị. Còn nếu là truyện tranh về giáo dục thì là = sex + xã hội đen + bạo lực. Không biết là các bạn nghĩ rằng công thức này nó có chính xác không, vì các bạn là những người ở trong thế giới truyện tranh mà?
Vũ: Theo mình nghĩ thì không chính xác đâu. Cái này mình nghĩ như là một cái châm biếm của một người nào đó, họ châm biếm theo cái nhìn của họ thôi, chứ mình nghĩ nó không hẳn đúng đâu. Tại vì nếu như người nào từng đọc Đô-rê-môn (Doreamon) rồi thì không thể nói Đô-rê-môn là truyện tranh pha giữa sex hay là bạo lực, kinh dị. Mình nghĩ đó là cái nhìn châm biếm của một ai đó vậy thôi.
Khánh An: Trí thì nghĩ sao Trí?
Trí: Mình thì có cái nhìn khác, mình nghĩ là đúng với một thành phần giống như bọn nhóc học đòi ấy, nó muốn chứng tỏ, thì nó như vậy thôi. Còn mấy thằng nhóc mà hiểu biết, được dạy dỗ đàng hoàng thì nó hoàn toàn sai. Nó tùy cách nhìn của mọi người thôi.
Tiểu Mi: Mình thì mình nghĩ, cũng theo cái nhìn khác, nó đúng một phần nào đó và nó không đúng một phần nào đó. Thực sự mà nói thì mình nghĩ, nói theo kiểu mình cũng châm biếm lại là có cầu ắt có cung thôi thôi. Nói chung là khi mà người đọc muốn như thế, muốn đọc những tác phẩm như thế thì tất nhiên sẽ có những tác phẩm như thế, chứ nếu như người đọc ai cũng không thích những truyện trong sáng, lành mạnh thì làm sao mà họa sĩ có thể vẽ ra được những truyện như thế, đúng không ạ? Từ đó, mình cứ nghĩ quan trọng là cuộc sống con người thôi. Truyện tranh dù sao nó cũng là một hình thức giải trí mà. Nó cũng là để phục vụ cho con người thôi.
Tín: Mình nghĩ là cái truyện sex online này thì có những người thực sự có nhu cầu và cái số lượng đó ít, mà số lượng người đọc tò mò muốn tìm hiểu thêm thì nhiều hơn người có nhu cầu thực sự.
Tâm: Nói về truyện tranh thì mục tiêu của nó là thâm nhập vô đầu óc con người, nghĩa là một số người khi mà đọc chữ, đọc truyện chữ, họ không có khả năng tưởng tượng ra được hình ảnh thì họ đọc truyện tranh và cái truyện tranh nó nhè nhẹ, nhè nhẹ lan vô đầu. Mà những chuyện nó vẽ sex, nó vẽ rất tự nhiên, ví dụ như một cảnh chiến đấu, một nữ chiến binh chẳng hạn lao lên thì bị con quái vật quất cái đùng văng hết quần áo đi, chớ họ không vẽ cảnh rất lộ liễu như hai người quan hệ với nhau. Đó là những truyện tranh không đáng để đọc. Thường thường người ta không đọc truyện đó, người ta coi phim sướng hơn, đúng không? Như vậy chỉ có những chi tiết vô tình như vậy nó kích thích đầu óc tò mò hơn, nó ảnh hưởng nhẹ nhàng lan vào đầu mình mà không biết, và từ đó dẫn tới những cái tiêu cực khác.
Còn em có một nhận xét nữa là như bạn Tiểu Mi có nói thì có cung có cầu là đúng. Truyện tranh là truyện rất ít kiểm soát nên có sự tiếp xúc với giới trẻ, nếu mà phim sex thì nó còn kiểm soát, còn được quan tâm, nhưng mà truyện tranh này nó rất ít được quan tâm.
Khánh An: Tín thì sao Tín? Tín có đọc mấy truyện tranh mà thấy những cảnh như vậy bao giờ chưa?
Tín: Em thấy trên mạng người ta phân loại thì truyện mà có những cảnh đó được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là loại ecchi chỉ có lộ cơ thể, vậy thôi. Còn loại thứ hai là loại nặng ,có mấy cảnh âu yếm rồi quan hệ gì gì đó, là loại hentai. Thường những loại này trên mạng rất là nhiều, mà nó có độ tuổi quy định cho mỗi loại truyện, nhưng mà thường các bạn trẻ lên trên mạng thì có cái gì đọc cái đó, không quan tâm cái độ tuổi để đọc chưa.
Tác động xấu
Khánh An: Khánh An lại nghĩ là có khi các bạn cũng quan tâm đến độ tuổi nhưng mà quan tâm theo kiểu ngược lại, có nghĩa là các bạn tìm những độ tuổi trên độ tuổi thực của mình để tìm những truyện đó mà đọc. Không biết là có tình trạng này không?
Đáng sợ của truyện tranh sex không phải là nó nặng đô mà chỉ sợ nó nhẹ đô, thì giống như mồi lửa vậy đó. Nó nhẹ đô, nó khoái vậy thôi nhưng nó làm cho thằng bé đi tìm những cái nặng đô hơn.
Bạn Tâm
Tâm: Em thấy thường thường độ tuổi mà nó tìm hiểu thì nó tìm hiểu phim nhiều hơn là truyện. Thực ra nó chỉ đọc truyện mà tự động đập vô mắt nó thôi, chứ nếu muốn tìm hiểu những cái đó thì nó tìm hiểu phim. Còn thường thường mà hentai mà Tín nói là hentai nói về cái chuyện sex của truyện tranh. Hentai thì có nhiều loại: Nhật Bản, Mỹ cũng có, Trung Quốc có, Hàn Quốc cũng có. Nói chung người ta gọi chung là phim hoạt hình sex đó.
Khánh An: Mà khi các bạn đọc như vậy, các bạn có thấy là nó có tác dụng trực tiếp gì đối với mình không?
Tâm: Em thì đọc truyện tranh ở mức độ rất là nhiều. Nói chung em không phải chỉ đọc truyện tranh của Nhật Bản không, mà em đọc truyện tranh của Mỹ, rồi em thấy bình thường thôi. Tại vì em là một người đọc từ tiểu thuyết tới truyện tranh thì truyện tranh đối với em không ảnh hưởng gì cho lắm. Nhiều khi em đọc truyện và ghi nhận nó có những chi tiết bạo lực này, có chi tiết sex này, đọc truyện này có chi tiết sex này ở những trang web như vậy, thì mình thấy mình hơi bị lo lắng chút xíu vậy thôi.
Khánh An: Theo các bạn thì những truyện tranh mà nó có nội dung khá mạnh như là tình dục, về sex, về bạo lực này nọ thì những truyện tranh như vậy nó có thể gây tác động như thế nào lên một đưa trẻ, một cô cậu bế mới lớn?
Tâm: Nó gây một cái
thay đổi về cái tư tưởng, cách đánh giá về cuộc sống. Ví dụ như là trong một cuốn
truyện về bạo lực của Nhật Bản, thì nó nói về khi gặp một người xấu thì cái thằng
kia nó cứ giết, giết rất dã man, nghĩa là nó gặp một người xấu thì giết, gặp
người xấu là giết, thì nó gây trong tư tưởng là khi ta gặp người xấu thì ta phải
dùng bạo lực để trị nó.
Đọc riết thì nó gây ảnh hưởng nơi đưa trẻ khuynh hướng bạo lực. Hoặc là trong những truyện tranh mà nó nói về một đứa trẻ như là trong truyện "Cậu bé bút chì", cái truyện đó là truyện cho con nít, nhưng mà thằng bé đó nó cứ lấy áo lót làm kính bơi, còn quần lót làm cái nón bơi, thì làm cho đứa trẻ nó bị quấy rối những người nữ khác chẳng hạn. Hay là khi nó còn nhỏ nó đã tốc váy người nữ hay là chọc ghẹo một người nữ, nó đánh giá về giới tính người nữ không đúng, gây ra những tư tưởng hay những khuynh hướng bạo lực.
Khánh An: Bây giờ từ truyện tranh, người ta cũng có thể làm qua những phim hoạt hình mà dựa trên những truyện có nhiều cái sex đó, thì hiện nay không biết là ở thị trường Việt Nam các bạn có coi những phim hoạt hình 3D người lớn nhạy cảm nào không?
Tâm: Cái phim hoạt hình 3D về sex thì vẽ rất là xấu, bởi vậy em nghĩ là người trẻ không quan tâm tới mấy cái đó. Nó mà quan tâm thì nó chỉ quan tâm tới phim nhiều hơn chớ nó sẽ không có thèm 3D đâu. Đúng là loại 3D đó thì có nhưng mà theo sự quan sát của em thì rất là xấu. Nói chung, nó không có đủ cái đô thực, dĩ nhiên khi mà nó vẽ cái cảnh như vậy có tác hại nhưng mà em nghĩ nó không đủ độ thực, không bằng phim đâu. Em chỉ sợ những hình ảnh mà nó vô tình nó đánh động vô đầu đứa trẻ thì thằng bé đó nó sẽ đi tìm phim.
Khánh An: Có nghĩa là cái truyện tranh sex online có thể là cái bước đầu tiên để mà dắt các bạn trẻ đi đến với những cái tiêu cực khác như là đi coi phim người lớn, đi tìm những cái khác mà mạnh hơn để mà thỏa mãn thị hiếu của mình.
Tâm: Dạ đúng rồi. Cái đáng sợ của truyện tranh sex không phải là nó nặng đô mà chỉ sợ nó nhẹ đô, thì giống như mồi vậy đó, mồi lửa vậy đó. Nó nhẹ đô, nó khoái vậy thôi nhưng nó làm cho thằng bé đi tìm những cái nặng đô hơn.
Kiểm soát như thế nào?
Khánh An: Như vậy thì theo các bạn thì làm thế nào để mà có thể lọc cho làn sống truyện tranh nó được trong lành hơn?
Tín: Những trang web như vậy thì mình chỉ có thể giáo dục ý thức cho con em từ nhỏ chứ mình đâu có kiểm soát được đâu. Các con em mình mấy hồi nữa nó đi ra ngoài quán nét nó đọc mấy hồi nên chỉ có giáo dục nó có ý thức tốt về những vấn đề này thôi.
Quan trọng là phụ huynh phải kiểm soát con cái mình thôi. Cần hiểu biết về truyện tranh chứ không thể cấm đoán, tại vì cũng có những bộ truyện dành cho thiếu nhi rất là bổ ích.
Bạn Tiểu Mi
Tiểu Mi: Những bộ truyện mà dành cho người lớn thì nó sẽ có hẳn tựa đề dành cho đối tượng người lớn thành thử theo Tiểu Mi nghĩ thì những em nhỏ sẽ vô tình mà đọc thấy thì điều đó không nên. Tất nhiên là điều này rất quan trọng là phụ huynh phải kiểm soát con cái mình thôi. Cần phải có sự hiểu biết về truyện tranh chứ không thể cấm đoán tại vì nó rất là rộng, tại vì cũng có những bộ truyện dành cho thiếu nhi rất là bổ ích. Điều hay nhất là cái ý thức, tức là cha mẹ dạy cho con cái cách nhìn nhận, tức là dù đứa trẻ nó ham vui hay làm gì thì nó cũng hướng lên để trở thành người tốt, và khi mà mình có thể giúp nó hiểu được là điều đó không tốt, như là mình dạy là như vậy không tốt, cái kia không tốt, thì dù mình có muốn thế nào đi nữa thì đứa trẻ nghĩ rằng mình dạy như thế thì chắc là không tốt. Nói chung là cũng tùy sự dạy bảo của cha mẹ.
Khánh An: Trí thì cho rằng là trẻ con bây giờ cứng đầu hơn ngày trước nhiều.
Vũ: Mình thì mình nghĩ là xưa mình cũng là trẻ con nên mình nghĩ nếu để giáo dục con tốt thì cha mẹ tốt nhứt là nên vẽ đường cho hưu chạy, thay vì để trẻ con tự mua truyện thì tại sao không dẫn con mình đi mua truyện. Nếu dẫn con đến nhà sách mua truyện thì có thể lựa hay hỏi người bán sách truyện nào phù hợp cho lứa tuổi con mình. Khi nhà xuất bản giao truyện xuống thì nhà xuất bản cũng có hướng dẫn người bán truyện là truyện này dành cho tuổi nào.
Thì nếu mà cùng đi mua truyện khi về cùng đọc chung truyện với con mình, thì tuy là truyện trẻ con hay truyện người lớn tất nhiên nó cũng quá dài trẻ con nó không hiểu, nếu mình cùng đọc cùng tìm hiểu chung với nó thì mình có thể hướng dẫn nó, mình giải thích cho con mình cái hay cái dở trong truyện. Nói tói truyện online thì mình nghĩ cha mẹ cũng nên quán xuyến và theo dõi con minh xem cái gì ở trên mạng, và đặc biệt là một số truyện Việt Nam trên mạng hầu hết là truyện không dành cho trẻ con dưới 13 tuổi đâu. Truyện trên mạng Việt Nam dành cho khoảng 14 tuổi trở lên, thì nếu trẻ con lên xem truyện trên mạng thì cha mẹ nên cân nhắc kỹ.
Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, vừa rồi là ý kiến của bạn Vũ. Cafe Wifi đã đến lúc phải chia tay với quý vị và các bạn rồi. Trong lần trò chuyện tới chúng ta sẽ bàn thêm về khả năng cạnh tranh của truyện tranh Việt Nam với truyện tranh nước ngoài, đặc biệt là truyện tranh Nhật Bản. Tại sao những câu truyện có nội dung giáo dục tốt của Việt Nam lại không thắng nổi các đối thủ nước ngoài ngay tại sân nhà của mình?
Cafe Wifi mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý vị và các bạn qua email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org. Khánh An xin kính chào tạm biệt.