Café Wifi rất vui được chào đón các bạn trẻ Việt Nam trên khắp thế giới đến tham gia trò chuyện về những vấn đề xung quanh cuộc sống của giới trẻ.
Hôm nay, café wifi có 4 vị khách mới đến. Tất cả họ đều là những bạn trẻ đến từ Sài Gòn và họ có chung một sở thích đó là chơi game online. Có lẽ không cần giới thiệu thêm, nhiều bạn đã đoán ra chủ đề hôm nay là gì rồi phải không?
Game Online
Khánh An: Hôm nay câu chuyện là Game Online. Bây giờ mình cần các bạn giới thiệu tên, rồi các bạn đang ở đâu, bao nhiêu tuổi, học gì, làm gì?
Phương Anh: Em tên Phương Anh, ở TPHCM. Em đang học mạng máy tính ở trường Hoa Sen, 19 tuổi.
Công Tâm: Mình tên là Tâm. Mình vừa đi học vừa đi làm.
Đức Tiến: Mình tên là Đức Tiến. Hiện mình đang quản lý một đại lý về truyền hình cáp. Năm nay mình 24 tuổi.
Công Thiện: Mình tên Thiện. Mình cũng khoảng 24 tuổi, chưa tới 24 tuổi, 23 phết mấy… (cười), vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, hiện tại đang công tác tại Vietcombank.
Khánh An: Xin chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi – câu chuyện Game Online.
Với chuyện Game Online, các bạn cũng thấy là game đến Việt Nam nếu tính ra chưa đến 10 năm. Nhưng giới trẻ rất nhiều người mê game, có thể nói là nghiện game. Ở đây mỗi bạn đều có kinh nghiệm chơi game. Tại sao các bạn lại mê game như vậy?
Phương Anh: Dạ, em chơi game từ lúc sớm. Em chơi game line A của Việt Hóa đầu tiên. Em thích game thứ nhất là vì đồ họa đẹp, với lại game play của nó giống như mình nhập vai, mình đang đối xử với mọi người trong cộng đồng đó. Bên mặt hại đương nhiên là tốn thời gian với tốn tiền thì ngoài ra em được học cách cư xử với mọi người, biết thêm nhiều người ở nhiều nơi khác nhau nữa.
Họ tạo một xã hội chung cho những người ở những máy khác nhau có thể truy cập vào chơi chung một game đó, game online có nhiều loại.
Bạn Công Tâm.
Khánh An: Rồi còn Tiến thì sao?
Tiến: Em thì chơi game đúng là tốn nhiều thời gian thật. Nhớ lại, năm thứ nhất và năm thứ hai gần như là tiêu tùng hết vì game nhưng mà sau đó mình cũng dừng lại được, lấy lại được cân bằng cho năm thứ 3, năm thứ 4. Sau này, nói chung chơi game để giải trí đơn thuần thì cũng không có gì là hại hết.
Khánh An: Tiến có thể cho các bạn biết trong hai năm đó Tiến chơi game bao nhiêu giờ mỗi ngày không?
Tiến: Coi như là buổi sáng tới trường, buổi tối ra ngoài tiệm net. Coi như một nửa ngày là 12 tiếng đồng hồ.
Khánh An: 12 tiếng đồng hồ. Còn các bạn khác thì sao?
Phương Anh: Hồi mà em chơi game mê nhất là khoảng sớm lắm, khoảng tầm cấp II là em đã mê chơi game rồi. Hồi đó khoảng lớp 8, lớp 9. Chơi nhiều lắm. Chơi giống như là đi học về là chơi, không có thời gian học bài luôn.
Khánh An: Rồi có thời gian để ăn không?
Phương Anh: Cái đó thì tại vì gia đình bắt phải xuống ăn với gia đình nên mới xuống nhà chịu ăn, chứ còn không chắc cũng bỏ quá (cười).
Khánh An: Còn Thiện thì sao? Nãy giờ nghe các bạn khác chia sẻ mà chưa thấy Thiện nói về kinh nghiệm chơi game của Thiện. Thiện có từng chơi game bao giờ không?
Thiện: Ừ có. Thiện bắt đầu chơi game cách đây hơn 1 năm, vào năm cuối đại học. Đợt đó làm luận văn. Nói chung là cũng vô tình thôi, gặp một số chuyện buồn cá nhân nên một thằng em nó chỉ chơi game, rồi cũng vô. Đó là cái web game "Đế chế quật khởi" thì tham gia vô, mới lần đầu chơi…

Tiến: Một cái game cực kỳ tốn thời gian.
Thiện: Ừ đúng rồi. Mới đầu tham gia vào chơi cho vui thôi nhưng sau đó bắt đầu giống như là bị lao vô, dạng như cái tôi cá nhân của mình. Nói chung, đợt đó cũng bỏ hết một đợt luận văn. Xong luận văn vẫn còn chơi nhưng chơi theo kiểu duy trì, nghĩa là để một số bạn cầm account chơi, rồi lâu lâu mình vô thôi. Cái web game đó là cái game online đầu tiên mà Thiện chơi mà có lẽ cũng là game online cuối cùng vì sau một năm mình cày với game đó thì mình cảm giác là mất mát khá nhiều…
Khánh An: Mất mát theo Thiện là mất mát những gì?
Thiện: Mất mát những cơ hội khác như bạn bè, những mối quan hệ của mình và một số cơ hội nghề nghiệp, một số vấn đề về khả năng của mình, có thể phát triển tốt hơn. Theo Thiện, có lẽ thời gian chơi game nếu không có thì bây giờ mình ở vị trí cao hơn rồi, chứ không phải bây giờ mới bắt đầu sự nghiệp của mình.
Thỏa mãn trong thế giới ảo
Khánh An: Vừa rồi là những chia sẻ của các bạn đã từng có kinh nghiệm chơi game online. Vậy game online thực chất là gì? Chúng ta hãy nghe Tâm kể tiếp nhé.
Tâm: Game online là những game giống như một nơi chung. Những người ở các máy khác nhau…
Phương Anh: Một xã hội chung.
Tâm: Ừ, họ tạo một xã hội chung cho những người ở những máy khác nhau có thể truy cập vào chơi chung một game đó. Game online có nhiều loại: nhập vai hoặc lãnh đạo một cái gì đó, xây dựng lên rồi đấu với những người khác, hay là những game nhảy hoặc đấu nhạc với nhau…
Tiến: Game kỹ năng.
Tâm: Ừ, đấu kỹ năng với nhau hoặc là chơi thị trường chứng khoán ảo nè hay là chơi xây dựng gia đình ảo…
Khánh An: Tâm đang nói đến chuyện xây dựng gia đình ảo khiến Khánh An nhớ đến một câu chuyện gần đây, chắc là các bạn có biết, một anh chàng nghiện game ở Nhật. Anh chàng đã cưới người vợ là một nhân vật ảo ở trong game. Các bạn có nghe tin này không?
Tâm, Tiến, Thiện: Vâng, có. Có nghe qua.
Coi như là buổi sáng tới trường, buổi tối ra ngoài tiệm net. Coi như một nửa ngày là 12 tiếng đồng hồ.
Bạn Đức Tiến.
Khánh An: Ừ, vậy thì theo các bạn nghĩ, anh chàng này có không bình thường không?
Phương Anh: Đối với cá nhân em thì em thấy chuyện đó không có gì là không bình thường hết, tại vì bản thân em lúc trước chơi chung hội nhóm với nhau thì cũng có hai anh chị kia, trước chị ở nước ngoài, còn anh ở trong nước. Họ cũng quen nhau, rồi sau đó yêu nhau…
Thiện: Như vậy nè em ơi, em hiểu sai câu chuyện rồi. Là thế này, anh chàng đó không thèm cưới người thật nữa. Anh ta cưới một nhân vật ảo, ảo hoàn toàn. Nói chung do đời sống ở Nhật, nữ giới yêu cầu quá cao về tiền lương của nam giới, thành ra đôi khi nam giới họ bất đồng và họ cho rằng họ không cần nữ giới nữa. Họ cưới hẳn một nhân vật ảo.
Phương Anh: Ủa vậy ý chị An nói là hai nhân vật ảo cưới nhau hay là một người thật một người ảo?
Thiện: Không không, cưới một nhân vật ảo đó em.
Phương Anh: Ôi, thế thì…
Khánh An: Như vậy Phương Anh nghĩ có bình thường không?
Phương Anh: Theo em nghĩ, một mặt nào đó chương trình đó đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của anh chàng đó mà ảnh không thấy được ở người khác nên có thể dẫn ảnh đến sự lệch lạc về mặt xác định tình cảm của mình.
Ngộ nhận
Khánh An: Cũng là một ý kiến rất hay. Còn Tâm thì nghĩ sao?
Tâm: Mình nghĩ, đối với con người mà, cái gì thỏa mãn được cái mình thiếu thì người đó cho cái đó là thật. Còn đôi khi những cái thật lại không thỏa mãn cái mình thiếu thì coi như nó không có. Ví dụ như em thích một cô bé nào đó nhưng cô bé không thích lại mình thì coi như cái đó không thật. Trong khi có một cái gì đó thỏa mãn, lấp đầy chỗ trống trong mình thì mình cho đó là thật.
Đối với thế giới online thì mình nghe những câu chuyện cũng rất hấp dẫn. Ví dụ như một anh chàng quen với một cô nàng lớn hơn mình 20 tuổi, biết là có con rồi và con gần bằng tuổi mình luôn nhưng mà vẫn đeo bám cô đó chẳng hạn, sẵn sàng bay qua hay cho tiền cô đó bay qua gặp mình luôn. Chuyện đó là những chuyện online thường gặp, miễn là thỏa mãn sự cô đơn của mình.

Khánh An: Nhưng mà như vậy có thể thấy là các bạn chơi game online nghĩa là các bạn thiếu một cái gì đó trong cuộc sống thực?
Tâm: Ừ, đúng chị. Một người chơi game online thì ngày xưa bạn bè mình có rất nhiều hoàn cảnh. Có người sắp cưới một cô nàng nhưng thấy cô nàng ngoại tình với một anh chàng khác. Thế là anh chàng thất chí, anh chàng chơi game online.
Hoặc là đối với một số người thì họ có nhiều điều giấu trong người không nói được với ai, nhiều ý kiến, hoài bão lớn nói không ai hiểu nên không dám nói với ai, mà ở trên mạng lại dám nói.
Hoặc là có người ở ngoài đời bị ăn hiếp nhiều quá, ức chế quá nên chơi game online để trả thù. Đó là một số lý do để chơi game online để bù đắp cái thiếu thốn của mình.
Thiện: Dạ, đúng rồi.
Khánh An: Thiện nghĩ sao?
Thiện: Đúng như vậy, tại vì khi một người chơi game online thì họ đang muốn tìm kiếm một cái gì đó để họ đạt được những suy nghĩ, sở thích, nhu cầu của họ. Nhu cầu của Maslow đó, thì nhu cầu cao nhất là tự thể hiện. Đôi khi, có những người ở bên ngoài họ không thành công hay họ không có khả năng để thể hiện năng lực của mình thì họ tìm đến game. Trong game họ có thể là cao thủ, có thể là top server chẳng hạn. Họ thể hiện được quyền lực rất cao trên đó. Đương nhiên, họ cảm thấy thích thú và ngày càng bị cuốn vô đó.
Khánh An: Tiến thì sao? Kinh nghiệm của bạn như thế nào?
Tiến: Thật ra, lần đầu tiên chơi game online là do bạn bè rủ rê. Có một cộng đồng chơi chung thì vui, cảm thấy thỏa mãn được nhu cầu giải trí. Thế thôi. Sau đó, bắt đầu có những mối quan hệ trong game nảy sinh ra. Chính những mối quan hệ đó làm mình bị cuốn sâu vào game thêm, ví dụ như những quan hệ bạn bè, mối quan hệ kẻ thù… nó làm cho mình dính vào game sâu hơn, không thóat ra được.
Khánh An: Ừ, mình muốn nói đến những mối quan hệ mà Tiến vừa đề cập là game bản thân nó cuốn hút các bạn một phần, nhưng mối quan hệ trong game là một yếu tố rất lớn cuốn hút các bạn dần dần lún sâu vào tình trạng nghiện game, đúng không?
Thiện: Đúng rồi, đúng. Chính xác là như vậy.
Tâm: Mình chia sẻ một kinh nghiệm của mình. Ngày xưa mình có một người bạn trên game online khá thân. Mình đã từng chat với người đó từ 10 giờ tối tới 7 giờ sáng. Đôi khi, có một số vấn đề người ta bên ngoài không hiểu mình nhưng một số người bạn trên mạng của mình lại hiểu và họ chia sẻ khá là chân thành và nói chung mình bị cuốn hút vô đó…
Thiện: Em hiểu, em hiểu. Em cũng muốn chia sẻ với anh, giống như em có cảm giác là hầu như những người chơi game online họ đang có một tâm trạng, em nghĩ là như vậy…
Khánh An: Các bạn thân mến, thời gian không còn nữa, café wifi phải tạm chia tay với các bạn rồi. Đành phải hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới với những câu chuyện kể tiếp về thế giới game online nhé. Khánh An xin kính chào và xin mời quý vị, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia vào chương trình Café Wifi qua email: wificoffee.rfa@gmail.com và đừng quên để lại số điện thoại để Khánh An liên lạc với quý vị.