Thâm nhập thế giới truyện tranh online
2010.07.22
Ngày hôm nay có 4 bạn tham dự trong chương trình. Bây giờ Khánh An xin mời các bạn tự giới thiệu về bản thân mình một chút xíu để cho các bạn khác cùng biết, được không?
Nhiều thể loại
Trí: Mình tên là Công Trí, năm nay 22 tuổi, ở TP.HCM.
Tín: Mình tên là Vương Tín, năm nay 20 tuổi, sinh viên tại TP.HCM.
Vũ: Mình là Hoàng Vũ, năm nay 25, hiện đang là nhân viên của một công ty ở TP.HCM.
Tiểu Mi: Xin chào các bạn. Mình là Lục Tiểu Mi, năm nay 23 tuổi. Hiện mình là một họa sĩ truyện tranh. Mình là trưởng nhóm của một nhóm vẽ truyện tranh tại TP.HCM, và hiện nhóm mình đã có gần 200 tác phẩm rồi, và đã post lên mạng không ít.
Khánh An: Wow! Các bạn có một web riêng và các bạn còn là họa sĩ nữa. Bây giờ Khánh An xin hỏi các bạn là hiện có những thể loại truyện tranh nào, các bạn có thể nói sơ qua cho một người chưa hề biết về truyện tranh online có thể biết được không?
Những thuật ngữ "shoujo, shounen, ecchi, hentai..." đều là những thể loại truyện của Nhật Bản. Khi bạn đã thâm nhập vào truyện tranh online thì dần dần bạn sẽ khám phá ra được.
Bạn Tiểu Mi
Trí: Nói về truyện tranh thì cũng nhiều lắm. Ở Việt Nam đa số truyện tranh là Shounen tức là dành cho con trai đọc, giống như là “Naruto” hay “One Piece” gì đó. Ở Việt Nam đa số là mấy truyện kiểu đó thôi. Còn mấy truyện mà cấm ở Việt Nam tức là không phát hành, hay bị cho là "đồi trụy" thì là thể loại khác như là “Gomen” hay là Ecchi. Ecchi tức là truyện thể loại hở hang.
Khánh An: Khánh An nghe Trí nói đến một số từ, như bạn nói Shounen là cái gì vậy? Bạn có thể giải thích được không?
Trí: Shounen tiếng Nhật có nghĩa là con trai.
Khánh An: Như vậy thì khi mà mình muốn đọc truyện tranh, muốn biết về truyện tranh thì mình phải biết một số thuật ngữ hả?
Trí: Không hẳn. Nếu mình online trên mạng thì biết mấy cái đó cũng không có vấn đề gì.
Khánh An: Nhưng nếu không biết thì làm sao mình chọn đúng thể loại mà mình muốn đọc?
Trí: Thì mình đi hỏi
Tiểu Mi: Ở Nhật Bản thì thị trường truyện tranh Nhật Bản là một thị trường khổng lồ của thế giới và hầu hết là những bộ truyện hay trên thế giới cũng xuất xứ từ Nhật Bản. Chính vì vậy, có rất nhiều bộ truyện cũng bị ảnh hưởng từ Nhật Bản, thí dụ như thuật ngữ "manga"có nghĩa là “truyện tranh” của tiếng Nhật nhưng có thể được hiểu đó chính là truyện tranh Nhật Bản. Nó đã mang một thương hiệu của riêng nó.
Ví dụ như những thuật ngữ "shoujo, shounen, ecchi, hentai..." đều là những thể loại truyện của Nhật Bản. Khi bạn đã thâm nhập vào truyện tranh online thì dần dần bạn sẽ khám phá ra được những thể loại, thí dụ như về âm nhạc thì cũng có rock, hip hop, đó là những tên gọi của từng dòng nhạc, thì truyện tranh cũng vậy.
Khánh An: Như vậy, bằng cách nào mình có thể nhận biết được những thể loại truyện tranh?
Tiểu Mi: Theo mình, thực sự mà nói khi bạn mà đọc truyện tranh nhiều thì bạn sẽ phân biệt được rõ ràng nhất là qua nét vẽ và nội dung. Ví dụ như là truyện shounen thì nét vẽ sẽ cứng cáp hơn và nội dung thì có khuynh hướng về những cảnh chiến đấu, đánh nhau, hoặc những cảnh hành động, phiêu lưu. Còn những chuyện như shoujo là chuyện dành cho các bạn gái thì vẽ mắt to long lanh, nét dài mượt, quần áo trang phục rất là đẹp và thường thiên về những câu chuyện tình cảm, những câu chuyện học đường của tuổi mới lớn.
Chơi mà học
Khánh An: Nghe rất là thú vị, có vẻ giống như là một thế giới riêng của các bạn mà ở trong đó có nhiều điều kỳ thú, phải không? Truyện tranh giống như trước đây thì chỉ dành cho các bé thiếu nhi thôi, nhưng mà những năm gần đây thì truyện tranh không chỉ dừng lại ở những tuổi thiếu nhi nữa, mà dường như là nó theo các bạn cho đến khi các bạn lớn, các bạn trưởng thành, các bạn vẫn mê như thường, phải không? Các bạn có thể kể cho Khánh An nghe về hành trình các bạn đi đến với truyện tranh là như thế nào, được không?
Vũ: Theo mình biết thì mỗi quốc gia đó truyện tranh không hẳn dành cho trẻ con đọc, nhưng qua Việt Nam lần xuất bản đầu tiên cho ra mắt đánh dấu truyện tranh xuất hiện ở Việt Nam thì có Đô-rê-mon (Doraemon) và có những bộ truyện dành cho thiếu nhi ở trên báo Kim Đồng. Chính vì những dấu ấn như vậy nên người ta nghĩ rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ con, phù hợp với trẻ con. Thực chất ở các quốc gia thì truyện tranh dành cho cả người lớn. Lúc đó, nó chỉ là một tác phẩm giải trí cho mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi người.
Mình thì lúc nhỏ lần đầu tiên mình đọc là năm lớp Hai. Mình nhặt được truyện “Conan” của một người nào đó bỏ quên ở nhà mình. Lúc đó, mình đọc chữ rất là chậm nhưng mà nhờ đọc những truyện “Conan”, “Đô-rê-mon” này nọ, thì sau khi mình đọc hết cuốn truyện xong thôi, trong khoảng một tuần, từ đó trở đi mình bắt đầu đọc chữ trôi chảy hơn và đọc chữ nhanh hơn. Thì mình thấy truyện tranh không hẳn là giải trí mà nó còn rèn luyện, nó giúp cho trẻ em tiếp xúc hay khám phá nhiều thứ ở trong đó nữa. Quan trọng là cách mình hướng cho trẻ em chọn truyện thế nào.
Sau này lớn lên, từ từ mình thấy “Đô-rê-mon” không thích hợp nữa, thấy nó không hay nữa thì mình tìm những truyện hay hơn như “Conan”, hay những truyện comic của Mỹ, hay những truyện trên mạng mình xem tại vì nó có nhiều cái gần mình hơn.
Thì mình thấy truyện tranh không hẳn là giải trí mà nó còn rèn luyện, nó giúp cho trẻ em tiếp xúc hay khám phá nhiều thứ ở trong đó nữa. Quan trọng là cách mình hướng cho trẻ em chọn truyện thế nào.
Bạn Vũ
Khánh An: Cảm ơn Vũ rất nhiều. Còn các bạn khác, nãy giờ chưa nghe Tín lên tiếng. Không biết Tín có mê truyện tranh không và bạn làm quen với truyện tranh từ lúc nào?
Tín: Dạ, em thì em đọc từ hồi em học lớp một là em được ba em mua cho cuốn Đô-rê-mon đầu tiên. Hồi đó em mê lắm cho nên cứ mỗi tuần Đô-rê-mon ra là cứ xin ba em mua về rồi coi thôi. Coi là có khi quên ăn luôn đó chớ. Có cái thích nữa là mình đọc truyện tranh online mình có thể trau dồi thêm kiến thức tiếng Anh. Dù là bận, em vẫn dành thời gian để đọc truyện online.
Khánh An: Rồi. Còn bạn Trí thì sao Trí? Trí quen với truyện tranh online lâu chưa?
Trí: Mới quen được khoảng 3 năm trước. Trước 3 năm trước thì không biết anime là cái gì, manga là cái gì, bị tụi bạn chê trách quá trời. Sau đó có truyền hình cable mới lên Đài Animate, đài chuyên chiếu mấy phim hoạt hình bên Nhật mà lồng tiếng Anh thì mới xem một seri rất là hay. Từ đó mới lên trên mạng và xem truyện tranh.
Khánh An: Mình không biết là giữa truyện tranh online và game online thì hai cái đó có họ hàng bà con gì với nhau không? Có vẻ hình như ai chơi game online thì cũng biết truyện tranh online hay sao đó, phải không?
Trí: Không hẳn. Những người chơi game online đa số đều không biết truyện tranh online, tại vì họ chơi game là họ nâng cấp bản thân họ lên, còn đọc truyện thì chỉ cho vui thôi.
Khánh An: Sao bạn lại nói chơi game là nâng cấp bản thân lên là như thế nào?
Trí: Nâng cấp bản thân là trong thế giới game đó, chứ không phải ở ngoài, giống như luyện level. Còn đọc truyện có được gì đâu, chỉ cho vui thôi.
Vũ: Vũ lại có một cái nhìn khác, đó là hầu như mình nghĩ ít nhất là khoảng 1/3 đến gần một nửa nhưng người chơi game online lại có đọc truyện tranh, tại vì hai cái này thực sự có nhiều cái mốc giống nhau, đan xen với nhau, ví dụ như một số game chuyển thể từ truyện chẳng hạn, hoặc là một số truyện thì nó cũng làm từ game, nó đi theo sản phảm của game. Còn như trong truyện có một loại hình đó là cosplay, là người ta hóa trang thành một nhân vật giống như ở trong truyện, thì game cũng có cái đó, hầu như những fan game họ cũng thích cosplay, họ cũng thích xem những cái otaku.
Khánh An: Cái đó nghĩa là gì, bạn?
Tiểu Mi: Otaku tiếng Nhật có nghĩa là những fan comic đó chị.
Khánh An: Ồ, OK!
Tiểu Mi: Có lẽ chị chưa biết, em cũng là một người cosplay, tức là bên cạnh là một người họa sĩ tuyện tranh thì em cũng là một otaku, một fan cuồng nhiệt của truyện tranh. Tất nhiên, em cũng tham gia cosplay, hóa trang thành những nhân vật trong truyện tranh. Chắc là ở đây mọi người cũng có biết là bộ truyện “Thủy thủ mặt trăng” phải không ạ? Thì nhóm em cũng cosplay bộ truyện này và em cũng là một nhân vật trong truyện này ạ.
Khánh An: Wow! Nhưng mà bạn hóa trang đi đâu, vào lúc nào?
Tiểu Mi: Dạ vâng. Cosplay giống như một nền văn hóa vậy ạ. Ở Nhật thì truyện tranh phát triển rất mạnh và cosplay cũng mạnh không kém và nền văn hóa cosplay này nó đã lan tràn qua Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây. Mỗi năm đều có những lễ hội truyện tranh dành cho otaku - những bạn trẻ yêu thích truyện tranh và sẽ có những cuộc thi biểu diễn cosplay, tức là những bạn trẻ yêu thích coslay sẽ lên sân khấu biểu diễn thành những nhân vật mà họ yêu thích và được khán giả bình chọn. Tuần sau có một lễ hội, tất nhiên, mình cũng sẽ tham gia cosplay.
Khánh An: Bạn đúng là một fan cuồng nhiệt của truyện tranh online. Bây giờ mình muốn hỏi các bạn là truyện tranh online nó có làm cho các bạn "ghiền" giống như là người ta nghiện game online không?
Tín: Cái này mình nghĩ là có tại vì hiện tại thực ra mình cũng có thành lập một diễn đàn ở trên mạng. Thành ra, mình biết thành viên xem truyện rất là đông, thì mình nghĩ chắc là có nghiện nên người ta mới lên online để xem. Ngay cả mình, đôi khi rảnh mình vẫn xem truyện và một khi đã xem thì phải xem cho hết.
Khánh An: Rồi. Còn bạn Trí thì sao Trí? Trí có bị nghiện không?
Trí: Không. Chỉ có những truyện nào có ý nghĩa, hình đẹp thì mình mới coi thôi chứ không bị nghiện. Với lại, Trí rất kén chọn truyện trên mạng tại vì những truyện như yêu cầu của mình thì rất ít. Thông thường phải có người giới thiệu mới coi chứ kiếm thì lười lắm, không có nghiện.
Khánh An: Nhưng dựa vào tiêu chuẩn nào để bạn chọn truyện tranh để đọc, giống như lúc nãy bạn vừa nói là truyện tranh đẹp và hay thì ngoài ra còn có những yếu tố nào nữa, bạn có thể kể chi tiết không?
Trí: Những yếu tố như là có những chi tiết hài, nội dung không được quá lãng mạn. Cái chữ lãng mạn này, Trí thường gọi là “sến”. Giống như cái quy luật của nó quá rõ ràng, bởi vậy những truyện thu hút mình là truyện mà mình không biết phía sau, tập sau nó sẽ nói về cái gì.
Khánh An: Có nghĩa là yếu tố bất ngờ, bạn muốn nói đến điều đó phải không?
Trí: Đúng rồi.
Tiểu Mi: Trí thì có lẽ ngược lại với mình, tại vì bạn Trí là con trai nên thích đọc những truyện hành động, hài hước và không được quá lãng mạn. Còn riêng mình thì mình là con gái thì mình thích những câu chuyện lãng mạn, tất nhiên là cũng không thể quá sến được, tại vì mình cũng đọc nhiều quá rồi. Tuy nhiên mình cũng không đọc được những truyện mà bạo lực quá, truyện kinh dị, tại mình là con gái mà, mình rất là sợ.
Khánh An: Các bạn có nói là truyện tranh của Nhật Bản thì nội dung của nó rất phong phú, ở mọi mặt của cuộc sống, ở mọi lứa tuổi. Như vậy, chắc chắn nó sẽ không tránh khỏi những lãnh vực mà người ta cho là nhạy cảm, dành cho người đã trưởng thành rồi, thì như vậy trên thị trường các bạn có thấy hiện nay giới đọc truyện tranh online có đọc thể loại này nhiều không?
Tiểu Mi: "Truyện tranh online thì chắc là không kiểm soát được nên chắc chắn là cũng sẽ có những em nhỏ vô tình đọc được những bộ truyện đó, tại vì có một điều đặc biệt đó là những bộ truyện dành cho người lớn thì nó sẽ có nét vẽ rất đẹp…"
Đó là những chia sẻ để bước đầu để khám phá thế giới truyện tranh nói chung và truyện tranh online nói riêng của các bạn trẻ tại Việt Nam hiện nay. Trong thế giới ấy, không chỉ có những nét vẽ hồn nhiên với những bài học trong sáng, mà nó còn chứa đầy những làn sóng độc hại không khác gì những bộ phim đen đang trôi nổi trên thị trường.
Café Wifi sẽ tiếp tục câu chuyện về thế giới truyện tranh online trong chương trình kỳ tới. Mọi ý kiến đóng góp và tham gia xin gửi vào email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org. Khánh An xin kính chào tạm biệt.