Định nghĩa yêu nước của giới trẻ Việt - phần 1
2011.05.05
Đề tài hôm nay là “Bạn trẻ thử định nghĩa thế nào là yêu nước”. Trước tiên, để bắt đầu đề tài này, Khánh An mời các bạn giới thiệu một chút về bản thân mình để mọi người cùng biết.
Trang: Chào chị Khánh An, chào tất cả các bạn. Em tên là Trang, sinh viên trường Đại học Luật, Hà Nội. Hiện tại đang học ở Khoa Hình sự. Rất vui khi được tham gia diễn đàn ngày hôm nay!
Tâm: Vâng, xin chào chị Khánh An, xin chào mọi người. Mình tên là Tâm, trưởng Cộng đoàn sinh viên tại Hà Nội. Mình đang làm việc ở phòng xuất nhập khẩu ở Hà Nội.
Hà Thanh: Mình tên là Hà Thanh, sinh viên năm 2 ngành Quản Trị Nhân Lực tại Sài Gòn.
Thái Học: Mình tên là Thái Học, là kỹ sư và làm tự do, hiện giờ đang ở miền Tây.
Trình: Như vậy chỉ có mình Trình là xa nhất. Xin chào các bạn, chào chị Khánh An. Trình thì ở California.
Ai cũng yêu nước
Khánh An: Vâng, một lần nữa chào đón tất cả các bạn đến với chương trình. Để bắt đầu cho đề tài ngày hôm nay “Giới trẻ thử định nghĩa yêu nước”, Khánh An đặt câu hỏi đầu tiên cho các bạn là theo bạn, yêu nước là như thế nào?
Trang: Với em, định nghĩa yêu nước rất đơn giản. Thứ nhất, nó là tình yêu của mỗi người dân ở trong một đất nước đối với quốc gia, dân tộc của mình. Tình yêu nước đó thể hiện trong sự tự phấn đấu, nỗ lực ở bản thân mình để chung tay cùng với những người dân trong đất nước xây dựng đất nước giàu hơn, mạnh hơn và đẹp hơn. Lấy ví dụ cụ thể, mình là người dân nước Việt Nam, tuy Việt Nam mình còn nghèo so với các quốc gia khác nhưng chúng ta tự hào được sinh ra ở đất nước Việt Nam.
Chúng ta sống, lớn lên là do lãnh đạo nhà nước cũng như do ông cha đi trước đã để lại cho chúng ta những thành quả ngày hôm nay. Là một sinh viên, đối với em, lòng yêu nước chính là sự nỗ lực học thật tốt để sau này dù ít hay nhiều, mình có thể đóng góp cho đất nước hơn.
Khánh An: Vâng, cám ơn Trang. Các bạn khác thì nghĩ thế nào? Có thể cho Khánh An và các bạn khác cùng biết được không?
Hà Thanh: Thanh nghĩ là yêu nước trước hết xuất phát từ tình yêu con người, kế đó là yêu quê hương. Mỗi người đều có cho riêng mình một quê hương. Quê hương đó là một địa danh chứ không phải cả nước Việt Nam. Hiểu rộng ra, tình yêu con người, yêu quê hương của mỗi cá nhân mới dẫn đến tình yêu đối với đất nước và cả dân tộc.
Nếu xét theo đó, mình nghĩ từ tình yêu đó sẽ dẫn mình tới hành động, có thể là hành động lớn lao, tác động nhiều đến đất nước, cũng có thể là những hành động mình có thể làm được như học tập để có được một trình độ làm việc. Mình làm việc trước tiên là để nuôi sống bản thân mình, rồi mình có thể tạo công ăn việc làm cho người khác, đóng góp cho xã hội.
Đó là mình xuất phát từ tình yêu đối với cá nhân mình trước rồi mới dẫn đến tình yêu đối với những người khác. Theo mình, đó là tình yêu nước.
Khánh An: Vâng, cám ơn Hà Thanh. Bây giờ thì mời các bạn khác.
Tâm: Theo em, yêu nước thì ai cũng hiểu, một người dân phải có trách nhiệm yêu nước thông qua việc cụ thể là đóng góp một phần nào đấy vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Thái Học: Riêng bản thân mình thì thấy đất nước mình còn nghèo, ra đường thấy người dân rất là khổ, coi trên mạng thì thấy Trung Quốc khiêng cột mốc của Việt Nam thì thấy rất đau xót, hoặc nghe những tin tức về biển đảo thấy Trung Quốc cứ lấn dần lấn mòn Việt Nam thì thấy rất đau, đau thật sự, đau nhói người!
Không biết mình suy nghĩ như vậy thì có phải là yêu nước hay không?! Mình nghĩ yêu nước thì ở mức độ mỗi người đều có. Những người quan tâm một chút đến tình hình đất nước thì mình thấy hay, còn những người vô tâm quá thì mình không biết là nên trách hay nên như thế nào?!
Khánh An: Vâng, cám ơn Thái Học đã cho biết ý kiến. Bây giờ thì mời Trình.
Trình: Trình cũng nghĩ đơn giản thôi, ai cũng có lòng yêu nước cả, tùy ở mức độ mỗi người và cách nghĩ khác nhau. Với riêng Trình, mình yêu nước thì không chỉ yêu cây cỏ quê hương mà còn phải gắn mình vào những vấn đề sinh tồn của quốc gia mình nữa. Có rất nhiều bạn trẻ và nhiều người thờ ơ với vấn đề hiện tại của đất nước.
Thái Học: Ý bạn rất là hay đó bạn.
Trang: Thật ra, em nghĩ yêu nước không chỉ thể hiện ở lời nói. Chúng ta có thể nói rất nhiều là yêu cái này, yêu cái kia, nhưng mà yêu nước cần là cần ở hành động của chúng ta. Có thể chúng ta chưa đủ khả năng để tham gia trên bàn chính trị, hay chúng ta không phải là giàu có gì để đóng góp cho các công trình hay các dự án của đất nước, phát triển quốc gia, nhưng chúng ta có những cái rất nhỏ như việc chúng ta có thể duy trì được hạnh phúc gia đình cũng là một phần thể hiện lòng yêu nước, bởi vì mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Đó là theo ý kiến của em là như thế, tức là không cần phải là cái gì quá to tát, chúng ta chỉ cần thể hiện đúng sức của chúng ta thôi.
Yêu nước không chỉ thể hiện ở lời nói. Chúng ta có thể nói rất nhiều là yêu cái này, yêu cái kia, nhưng mà yêu nước cần là cần ở hành động của chúng ta.
Bạn Trang
Hà Thanh: Mình cũng đồng tình với quan điểm của bạn Trang. Bạn Trang nói là có rất nhiều những hành động mà có thể thể hiện lòng yêu nước, từ việc lớn đến việc nhỏ. Cũng giống như một câu nói có thể coi là nổi tiếng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông ta nói là “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau”.
Cho nên mình nghĩ mỗi người có quyền tìm cho mình một con đường yêu nước không giống với người nào. Có người nghĩ mình lo những chuyện to tát là yêu nước, nhưng có nhiều người lầm lũi làm những công việc rất bé nhỏ. Ví dụ như một người công nhân vệ sinh họ tích cực làm công việc của họ tốt để giữ gìn đường sá sạch đẹp thì đó cũng là một hành động yêu nước rất cụ thể.
Thể hiện lòng yêu nước
Khánh An: Thế thì bây giờ Khánh An hỏi chính các bạn, ở lứa tuổi các bạn, trong điều kiện như các bạn, nếu thể hiện lòng yêu nước thì bạn có thể làm được gì?
Trang: Với bản thân em nghĩ thế này, em hiện tại là sinh viên nên hoạt động tình nguyện rất nhiều. Bản thân là chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện của trường Đại học Luật, em nghĩ là bản thân mình thể hiện lòng yêu nước là cố gắng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện để có thể giúp đỡ những bà con dân bản ở vùng sâu vùng xa, đó là tuyên truyền bởi vì đặc thù của trường em là tuyên truyền pháp luật.
Bản thân em đã là người trực tiếp đi tuyên truyền pháp luật, những điều luật rất gần gũi với người dân thôi nhưng họ ở vùng sâu vùng xa, họ không được phổ biến cũng như việc cập nhật thông tin của họ rất kém. Bọn em tổ chức những đội hình để có thể tuyên truyền pháp luật đến bà con dân bản để họ có thể đến gần hơn với người dân tộc Kinh, bởi vì tiếng dân tộc Kinh thì họ không biết, họ chỉ có thể dùng tiếng dân tộc của mình thôi. Việc đi tình nguyện ở vùng sâu vùng xa như thế một phần là để tuyên truyền phổ biến pháp luật, thứ hai là mình có thể gắn bó được các dân tộc với nhau bởi vì đất nước mà muốn giàu mạnh thì tất cả các dân tộc phải đoàn kết, đúng không? Bởi vậy tình nguyện như thế cũng là để giúp một phần để các dân tộc đoàn kết với nhau hơn.
Cũng như hiện tại là bọn em là sinh viên nhưng rất cố gắng phấn đấu để có thể trở thành những đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Em nghĩ đó là những hành động rất thiết thực để chứng tỏ mình tuy là những người nhỏ tuổi, không trải qua các cuộc chiến tranh nhưng luôn luôn có một lý tưởng, mục đích, mục tiêu trong đầu là làm sao cố gắng để góp phần xây dựng đất nước.
Khánh An: Vâng, cám ơn Trang. Bạn thể hiện ra là người có rất nhiều ước muốn và khát vọng. Các bạn khác nghĩ thế nào về những điều Trang vừa nói, những điều mà bạn làm để thể hiện lòng yêu nước của mình?
Hà Thanh: Tất nhiên là mình đồng tình với quan điểm của bạn Trang, đó là yêu nước trước tiên phải đoàn kết các dân tộc. Chính sự đoàn kết đó sẽ tạo ra sức mạnh. Cũng giống như bạn Trang nói là phải tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật, cái đó cũng đúng. Thế nhưng theo mình nghĩ, ở cái lứa tuổi của mình cũng đang là sinh viên thì như bạn Trang nói lúc đầu là đất nước mình còn nghèo, cho nên khi mà đi ra ngoài hay đối với bạn bè quốc tế thì không lấy làm hãnh diện lắm vì tổ quốc chính là danh dự của mình, mà quốc gia mình chưa mạnh, chưa giàu thì tất nhiên mình cũng không lấy làm vinh quang lắm.
Tất nhiên là xét về một khía cạnh nào đó thôi chứ mình không so sánh về những yếu tố lịch sử, văn hóa… cái đó thì không cần phải bàn cãi, vì tổ quốc chính là danh dự của mình cho nên mình phải làm những công việc cụ thể. Ở lứa tuổi của mình, mình là sinh viên kinh tế nên tìm hiểu nhiều về nền kinh tế, mình thấy tình hình kinh tế dạo này ngày càng khó khăn, lạm phát cao, mình phải tìm những nguyên nhân nào đó, chia sẻ với bạn bè là tại sao nền kinh tế lại xuống dốc như vậy, rồi có thể bàn bạc với những người khác là liệu những chính sách của chính phủ có thể giải quyết được tình hình kinh tế đang lâm vào khó khăn như hiện nay hay không. Đó cũng là một hành động có thể gọi là dấn thân, theo mình là vậy.
Mình cũng gặp nhiều người bạn rất tâm đắc với đất nước, thấy đất nước khổ cũng rất là đau nhưng không làm gì được. Nếu mà vào đúng “hệ thống” như vào đảng này nọ thì cũng rất khó phát huy khả năng của mình.
Bạn Thái Học
Thái Học: Mình thì thấy nếu một người trẻ mà suy nghĩ như bạn Trang thì mình thấy rất tích cực, nhiệt tình với đất nước và muốn đem cả tuổi trẻ của mình góp phần xây dựng quê hương. Mình thấy điều đó rất hay, rất mừng. Mình chỉ mong rằng bạn Trang sẽ hài lòng với suy nghĩ của mình. Đến một lúc nào đó đừng thất vọng.
Khánh An: Tại sao bạn lại nói “đến một lúc nào đó đừng thất vọng”? Điều này nghĩa là gì?
Thái Học: Bởi vì mình cũng gặp nhiều người bạn rất tâm đắc với đất nước, thấy đất nước khổ cũng rất là đau, ban đầu cũng có những suy nghĩ như vậy nhưng không làm gì được. Nếu mà vào đúng “hệ thống” như vào đảng này nọ thì cũng rất khó phát huy khả năng của mình. Mình cũng gặp một vài ông anh phải bỏ đảng, người ta nói chuyện với mình và cũng rất đau.
Cuối cùng người ta lại đi làm kinh tế riêng, mà khi làm kinh tế riêng kiếm sống cho mình thì làm gì có cơ hội để cống hiến cho đất nước, đâm ra người ta cũng buồn lắm và không biết vì sao. Mình gặp những tâm trạng như vậy rất nhiều. Thành ra mình thấy những người suy nghĩ, có nhiệt huyết quá thì cuối cùng người ta thất vọng. Với bạn Trang là một bạn trẻ, mình mong là đừng thất vọng.
Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của bạn Thái Học. Trong phần ý kiến này đã đặt ra một vấn đề là liệu việc tham gia vào “hệ thống” có vô tình làm cản trở các bạn trẻ trong việc thể hiện lòng yêu nước của mình hay không?
Đây cũng là đề tài mà các bạn sẽ tiếp tục thảo luận trong kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.