Buồn vui chuyện di dời trường đại học

Trước thông tin về việc di dời một số trường đại học ra ngoại thành, Café Wifi kỳ này trò chuyện cùng một số giảng viên, sinh viên của các trường thuộc diện di dời về chủ trương lớn này.

Trường Đại học Kinh Tế TPHCM.
Trường Đại học Kinh Tế TPHCM. (RFA PHOTO)

0:00 / 0:00

Khánh An: Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.

Thưa quý vị và các bạn, những ngày Tết đã qua, các bạn sinh viên đã quay trở lại mái trường để tiếp tục một mùa học mới. Riêng đối với các sinh viên tại Hà Nội, những thông tin về việc di dời một số trường đại học ra ngoại thành đã khiến các bạn xôn xao không ít. Café Wifi kỳ này có dịp trò chuyện với một số giảng viên, sinh viên của các trường thuộc diện di dời để xem họ vui hay buồn trước chủ trương lớn này.

Sinh viên lo lắng

Khánh An: Trước tiên, Khánh An mời quý vị gặp hai bạn Phương và Minh, sinh viên của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và Triệu, sinh viên của Viện Đại học Mở Hà Nội. Xin chào các bạn, mình nghe nói trường của các bạn thuộc diện phải di dời phải không?

Bây giờ em đang thuê nhà gần trường, sau này chuyển ra ngoài đấy thì không biết nơi ăn chốn ở như thế nào, rồi điều kiện khu ngoài đấy sẽ ra sao?

Bạn Phương

Triệu: Có ạ.

Phương: Vâng, em cũng đang nghe thông tin đó ạ, chứ em cũng không biết rõ lắm.

Minh: Mình cũng có biết một số thông tin về việc di dời trường Đại học Ngoại Thương nhưng mình cũng chưa rõ hết, chỉ biết là có di dời thôi.

Khánh An: Ừ, khi trường di dời như vậy thì các bạn có lo không?

Minh: Tất nhiên là lo rồi.

Phương: Có ạ.

Khánh An: Nhưng cụ thể là lo cái gì?

Phương: Ví dụ như địa điểm, bây giờ em đang thuê nhà gần trường, sau này chuyển ra ngoài đấy thì không biết nơi ăn chốn ở như thế nào, rồi điều kiện khu ngoài đấy sẽ ra sao? Mấy đứa em chơi với nhau nói chuyện thì cũng xôn xao vấn đề ấy. Mấy đứa bạn em bây giờ từ nhà đến trường là khá xa, mà bây giờ lại qua tận khu Láng Hòa Lạc thì càng xa nữa, cho nên nó vẫn cứ lo.

Minh: Mình chỉ lo mỗi việc đi lại thôi.

Khánh An: Ừ, bạn có phải thuê nhà không hay bạn ở với gia đình?

MG_0426_1319-250.jpg
Trường Đại học Kỹ Thuật Công Nghệ TPHCM. RFA PHOTO.

Minh: Không, mình thì nhà ở trên này nhưng mà nếu xa khoảng 7, 8 cây số thì mình cũng chưa biết thế nào. Mình cũng chỉ còn khoảng 1, 2 năm nữa ra trường, nếu mà di dời trong khoảng ấy thì cũng khó nói. Ví dụ như còn có 5, 6 tháng nữa học ở trường này mà bây giờ di dời ra kia thì cũng hơi bất tiện, đúng không? Trường Ngoại thương chỉ cách nhà mình 1 cây số thôi, bây giờ chính xác là còn 2 năm nữa mình ra trường, mà di dời từ bây giờ thì còn được, chứ ví dụ khoảng 1,5 năm nữa mới di dời, mình chỉ còn nửa năm nữa học ở kia thì cũng hơi bất tiện. Mình vẫn muốn học luôn ở đây. Còn nếu mà di dời sớm thì cũng không sao, không ảnh hưởng gì.

Khánh An: Theo ý các bạn thì các bạn có thích chuyển hay không?

Phương: Không ạ, chỉ muốn trường ở đây thôi.

Khánh An: Tại sao vậy?

Mình nghĩ đấy là một chủ trương đúng bởi vì như thế là giảm sức ép trong nội thành, giảm mật độ đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông.

TS. Nguyễn Thị Lan

Phương: Tại vì em thấy ở khu này cũng tiện nhiều cái, mà thực ra học thì cũng không đến nỗi chật chội lắm, thấy cũng ổn ạ.

Khánh An: Nhưng nghe nói nếu các trường chuyển ra bên ngoài thì diện tích sẽ rộng hơn, điều kiện sẽ tốt hơn thì tại sao bạn lại không thích như vậy?

Phương: Nhưng mà tại vì cái địa điểm ở tận bên Láng Hòa Lạc, em sợ là nó xa quá với khu trung tâm, không được đông vui như trước nữa. Không thích chuyển đâu ạ, tại vì bây giờ thực ra là em cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa ở trong trường thôi. Ở trong này em vẫn thấy nó tiện cho việc đi lại, học hành, sinh hoạt và công việc sau này nữa.

Khánh An: Thế còn Triệu, khi nghe thông tin trường phải di dời ra ngoại thành, bạn cảm thấy thế nào?

Triệu: Không có gì đâu chị ạ, bởi vì cái đấy nó nằm trong dự án và quy hoạch của nhà nước rồi thì mình cũng phải chấp nhận và vui vẻ, không có gì đâu. Với lại em thấy thế cũng đúng mà, cũng không ảnh hưởng gì đến việc học của mình lắm và nếu để sau này các em khóa sau học thì nó sẽ tốt hơn. Như thế cũng tốt ạ.

Khánh An: Ừ, cám ơn Triệu. Chào Triệu nha.

Triệu: Vâng, em chào chị.

Điều kiện giảng dạy tốt

Khánh An: Quý vị vừa theo dõi những suy nghĩ, xúc cảm của các sinh viên của những trường đại học nằm trong diện phải di dời. Bây giờ thì Khánh An mời quý vị và các bạn gặp gỡ một số giảng viên để xem họ nghĩ gì trước chủ trương di dời các trường đại học ra ngoại thành nhé.

DH-Khoa-Hoc-01-250.jpg
Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM. RFA PHOTO.

Khánh An xin chào TS. Nguyễn Thị Lan, giảng viên của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và Thạc sĩ Nguyễn Đức Quyền, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trước tiên, Khánh An có câu hỏi đặt ra cho TS. Nguyễn Thị Lan. Thưa cô, được biết trường cô thuộc diện phải dời ra ngoại thành, theo cô thì việc di dời trường sắp tới liệu có ảnh hưởng gì đến các sinh hoạt và việc giảng dạy của giảng viên không?

TS. Nguyễn Thị Lan: Nói chung về cơ bản, theo như mình nghe ngóng thì cũng không ảnh hưởng bởi vì nhà trường có xe tuyến, đưa đón giáo viên xuống đến tận nơi.

Khánh An: Vâng, nghe nói là việc di dời trường sẽ mang lại những điều kiện học tập, giảng dạy tốt hơn phải không?

TS. Nguyễn Thị Lan: Đúng rồi. Khi ra đó thì nhà trường sẽ có ký túc xá cho sinh viên ở. Sinh viên sẽ có điều kiện cải thiện chỗ ở và ở rẻ hơn vì sinh viên ở trong nội thành phải tự đi thuê thì giá thuê rất đắt.

Khánh An: Dạ vâng, theo cô thì việc di dời, đem trường ra ngoại thành có những lợi thế nào?

TS. Nguyễn Thị Lan: Thực ra, mình nghĩ đấy là một chủ trương đúng bởi vì như thế là giảm sức ép trong nội thành, giảm mật độ đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông. Nói chung, khi có một lượng lớn các sinh viên ở trong nội thành thì về ưu điểm, mặt lợi thì mình không nói làm gì, nhưng việc di dời cũng giảm bớt đi nhiều những phức tạp xã hội.

Khánh An: Dạ vâng, cám ơn cô rất nhiều, thưa cô.

Khi ra đó thì nhà trường sẽ có ký túc xá cho sinh viên ở. Sinh viên sẽ có điều kiện cải thiện chỗ ở và ở rẻ hơn vì sinh viên ở trong nội thành phải tự đi thuê.

TS. Nguyễn Thị Lan

TS. Nguyễn Thị Lan: Dạ, không có gì.

Khánh An: Dạ. Thưa thạc sĩ Nguyễn Đức Quyền, mặc dù trường Bách Khoa chỉ nằm trong diện phải cải tạo, thế nhưng với tư cách là một giảng viên, ông đánh giá thế nào về việc di dời trường ra ngoại thành để có một cơ sở đào tạo tốt hơn? Việc di dời này liệu có gây trở ngại nào cho giảng viên hay không?

ThS. Nguyễn Đức Quyền: Đứng về góc độ một sinh viên ra trường cũng như khi mình đi tham gia học hỏi 10 năm trước, phải nói rằng ở những trung tâm lớn thì nó có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện nhân cách đã đành, cái thứ hai nữa là những thông tin mới và còn nhiều công trình giao lưu khác. Đến thời điểm này với tư cách đi giảng dạy, thực chất mà nói, ngoài công việc giảng dạy thì nó cũng giống như các ngành nghề khác thôi. Nó còn liên quan đến các điều kiện xã hội như kinh tế, rồi những cơ hội làm thêm, bởi vì ở Việt Nam mình thì cái điều kiện giáo viên về tài chính, đồng tiền lương thì cũng còn một số hạn chế nhất định. Mà thường các giáo viên, giảng viên thì vẫn phải kết hợp để làm thêm, họ vẫn phải bảo vệ số lượng khá nhiều.

Khánh An: Quý vị và các bạn vừa theo dõi ý kiến của các thầy trò ở những trường đại học thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Hà Nội. Đây cũng là một phần trong dự án Quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, việc di dời hiện vẫn chưa được bắt đầu vì còn đang vấp phải nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đưa ra tiêu chí di dời, vấn đề kinh phí, quỹ đất cũng như những khó khăn khác về mặt xã hội và công tác tuyển sinh, giảng dạy. Bây giờ thì Khánh An xin tạm dừng chương trình Café Wifi hôm nay tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào kỳ tới.

Theo dòng thời sự: