Nhiều cách thể hiện lòng yêu nước

Trong chương trình kỳ này, 3 bạn trẻ là Dung ở Hà Nội, Hà Thanh ở Sài Gòn và Trình ở California, Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục câu chuyện về chủ đề yêu nước.

0:00 / 0:00

Lần này các bạn bàn về việc thể hiện lòng yêu nước ở góc độ đóng góp ý kiến xây dựng đất nước. Mời quý vị nghe các bạn trẻ nhìn nhận ra sao về vấn đề này qua các sự kiện xảy ra gần đây nhé.

Đóng góp ý kiến cho đất nước

nguyen-anh-tuan-250.jpg
SV Nguyễn Anh Tuấn gửi tới Viện KSND HN bức thư yêu cầu bắt anh vì đã tàng trữ những tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ. (SV Nguyễn Anh Tuấn gửi tới Viện KSND HN bức thư yêu cầu bắt anh vì đã tàng trữ những tài liệu của TS Cù Huy Hà Vũ.)

Dung: Vào Đảng, có thể đối với ngày xưa là thể hiện lòng yêu nước, nhưng mình cũng phải nhìn vào thực tại bây giờ, có thể đó chưa chắc là mình thể hiện lòng yêu nước, có thể vào đó mình còn bị thui chột, bị dồn nén. Cho nên em cũng có thay đổi quan điểm sống của mình, không phải là không yêu nước nữa mà là thể hiện bằng cách khác.

Khánh An: Vì các bạn nói đến việc phải cởi mở, dân chủ hơn để cho người dân được đóng góp, thì Khánh An chợt nhớ đến một sự kiện rất gần mà có lẽ các bạn có theo dõi và biết, đó là sự kiện TS. Cù Huy Hà Vũ hay là chuyện của những nhà báo, bloggers, những người như các giáo sư trong vụ bauxite chẳng hạn, những người đó chỉ muốn tốt cho đất nước những sau đó họ lại gặp phải những phản hồi không tích cực tí nào, nếu không muốn nói là quá tiêu cực.

Không biết các bạn nghĩ thế nào về cách mà những người này thể hiện lòng yêu nước? Các bạn có nghĩ rằng tuổi trẻ nên làm những điều như vậy hay không? Có tiếp tục góp ý hay làm giống như vừa rồi bạn Tuấn Anh – bạn sinh viên xin tự thú vì đã giữ những tài liệu về TS. Cù Huy Hà Vũ? Bạn có cho đó là những người yêu nước và đáng trân trọng không?

Dung: Em nghĩ bạn Tuấn Anh là một người yêu nước và em cảm thấy rất khâm phục bạn ấy. Bạn ấy là một sinh viên rất dũng cảm khi đã dám nói ra điều đó. Đây là một sự thể hiện rồi chứ không chỉ là lời nói nữa. Nếu mà nhiều bạn trẻ có thể làm được điều này thì rất tuyệt vời. Em cũng rất quan tâm không biết bây giờ bạn Tuấn Anh hiện tại như thế nào rồi.

Tuấn Anh là người rất dũng cảm nhưng em cũng chỉ lo là vẫn chưa có tác dụng, chỉ lo vẫn là thiệt thòi cho bạn ấy, vẫn là khó khăn cho bạn ấy, cho nên đó cũng là điều cản trở đối với những bạn trẻ khác.

Em mong muốn có một cách đấu tranh nào đó ôn hòa hơn, có tổ chức hơn để những người đấu tranh đơn lẻ không bị chịu quá nhiều thiệt thòi. Bây giờ những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh như vậy đều đã bị vào tù hết.

Bạn Dung

Khánh An: Vâng, cám ơn Dung. Hà Thanh, bạn nghĩ thế nào?

Hà Thanh: Mình thì mình rất khâm phục bạn Tuấn Anh. Có thể bạn ấy đã đặt sự tự do của mình gắn liền với sự tự do của một người, người đó có những hành động mà xét ở một khía cạnh nào đó là yêu nước, nhưng đối với những người không đồng quan điểm với ông ta thì cho rằng những phát biểu của ông ta là nhằm dụng ý xấu. Mình nghĩ bạn Tuấn Anh là một sinh viên năm thứ ba của trường Học Viện Tài Chính, một trường rất nổi tiếng đào tạo cán bộ, công nhân viên chức cho nhà nước, mà bạn ấy lại có một suy nghĩ rất cấp tiến. Mình cảm thấy rất khâm phục.

Khánh An: Và bạn có cho là điều mà bạn Tuấn Anh làm có một tác dụng nào đó không?

Hà Thanh: Mình nghĩ bằng cách này hay cách khác, những phản ứng đều đem lại một tác dụng nào đó. Ví dụ như cái đơn tự thú của bạn Tuấn Anh, có lẽ là bạn ấy sẽ bị bắt, nhưng nó đã gây là một làn sóng ủng hộ rất lớn. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao một sinh viên đang có tất cả những điều tốt đẹp như vậy mà lại đứng ra bênh vực cho một người mà nhà nước này gọi là tội phạm. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi thắc mắc và có lẽ người ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn về vụ Cù Huy Hà Vũ.

Có thể người ta sẽ phát hiện ra ông Vũ còn có những mặt tốt khác mà những cơ quan truyền thông nhà nước không đưa tin thì người ta sẽ tìm hiểu về nhân vật này. Nếu nói về Cù Huy Hà Vũ là nói về một con người yêu nước, một trí thức dấn thân. Mình nghĩ là như vậy.

Cơ chế cản trở lòng yêu nước?

Khánh An: Ừ. Trình, bạn ở nước ngoài, bạn có theo dõi những sự kiện diễn ra trong nước hay không? Bạn có cảm nghĩ thế nào đối với những người mà nói theo từ của Hà Thanh là "dấn thân" như là TS. Cù Huy Hà Vũ, như là bạn sinh viên Tuấn Anh?

baochi-200.jpg
Ở VN không có tờ báo nào nào là của tư nhân. RFA photo (Ở VN không có tờ báo nào nào là của tư nhân. RFA photo)

Trình: Trình theo dõi rất sát sao tình hình trong nước. Vừa rồi chuyện của TS. Cù Huy Hà Vũ làm cho Trình rất bất ngờ trước phản ứng của mọi người. Không ngờ rằng ai cũng mến và thương anh Cù Huy Hà Vũ đến như vậy. Chuyện của anh Cù Huy Hà Vũ đã đánh thức được lòng con người khi mà họ nghĩ đến những vấn đề của đất nước.

Khánh An: Vâng, đó là ý kiến của Trình, tuy không ở trong nước nhưng qua tin tức, thông tin, Trình cũng biết được các sự kiện diễn ra trong nước và theo bạn, TS. Cù Huy Hà Vũ là một nhân vật rất yêu nước. Dĩ nhiên trong xã hội sẽ có những điều xấu, tiêu cực. Xã hội nào cũng vậy, không chỉ ở Việt Nam và chính phủ nào cũng sẽ có những điều không hay.

Nhưng khi người dân như TS. Cù Huy Hà Vũ hay như những giáo sư, những người đã góp ý trong vụ bauxite thì họ là những người dân góp ý cho chính quyền để đất nước tốt hơn, thế nhưng khi họ bị đối xử như thế thì các bạn có nghĩ là cách đóng góp ý kiến phải như thế nào trong tình trạng hiện tại không? Cách của TS. Cù Huy Hà Vũ hay những người dấn thân khác thì bạn có cho đó là cách khôn ngoan để thể hiện lòng yêu nước hay không?

Hà Thanh: Như Thanh thấy, sắp tới là bầu cử quốc hội, những vị đại biểu quốc hội người ta gọi là "đại biểu của dân" nhưng khi được bầu lên, người ta không đặt niềm tin của người ta vào những quyền đại biểu quốc hội đó. Mình thấy đa số cử tri sau khi đi bầu, người ta còn không nhớ nổi tên của người mà họ bỏ phiếu cho.

Vì cơ chế nên những vị đại biểu này rất bị giới hạn về quyền lực, nhất là quyền lên tiếng đại diện cho người dân nên người ta (người dân) sẽ đi tìm những diễn đàn, blog, trang báo gọi là “lề trái” để người ta thổ lộ những gì người ta nghĩ.

Mình thấy nếu ở Việt Nam mà muốn đóng góp ý kiến thì hơi khó, đặc biệt là những ý kiến gọi là “nhạy cảm” đối với chính quyền hiện tại. Họ sẽ có những biện pháp xử phạt hay ra những điều luật 88 hay điều 79 thì những người như TS. Cù Huy Hà Vũ đã kiện thủ tướng về những quyết định, những luật mà ông ta cảm thấy gây hại cho người dân như khai thác bauxite Tây Nguyên. Rồi có lẽ các bạn không biết, ông ta (thủ tướng) còn ký một chỉ định cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.

Nội chuyện ông ta cấm tư nhân hóa báo chí thì nó đã hạn chế rất nhiều những tờ báo ở Việt Nam, không có tờ báo tư nhân nào cả, toàn bộ những tờ báo ở Việt Nam đều dưới sự kiểm soát của chính phủ, cho nên muốn đóng góp ý kiến cũng rất khó ở trong cơ chế hiện tại của Việt Nam.

Khánh An: Dung, bạn cũng đang ở Việt Nam và ở phía Bắc thì tình trạng có khác gì với miền Nam nơi Hà Thanh ở không?

Nội chuyện ông ta cấm tư nhân hóa báo chí thì nó đã hạn chế rất nhiều những tờ báo ở Việt Nam, không có tờ báo tư nhân nào cả, toàn bộ những tờ báo ở Việt Nam đều dưới sự kiểm soát của chính phủ, cho nên muốn đóng góp ý kiến cũng rất khó ở trong cơ chế hiện tại của Việt Nam.

Bạn Hà Thanh<br/>

Dung: Ở miền Bắc cũng vậy thôi, thậm chí còn ghê hơn một chút, gần đô mà. Nhưng em muốn nói tiếp cái mạch về TS. Cù Huy Hà Vũ, ông không chỉ là một người giỏi, tài năng, rất yêu nước mà cách đấu tranh của ông cũng là một cách đấu tranh rất dũng cảm, mạnh mẽ khiến dư luận rất xôn xao, quan tâm. Ngày xưa em cũng không biết ông Cù Huy Hà Vũ là ai, nhưng khi có vụ đấy, em mới bắt đầu tìm hiểu về ông và bắt đầu quan tâm đến. Nhưng em rất thương ông ở chỗ ông đấu tranh mạnh mẽ nhưng ông đơn phương độc mã quá nên chịu phần thiệt thòi nhiều.

Em mong muốn có một cách đấu tranh nào đó ôn hòa hơn, có tổ chức hơn để những người đấu tranh đơn lẻ không bị chịu quá nhiều thiệt thòi. Bây giờ những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh như vậy đều đã bị vào tù hết. Cứ những người tài, những người dám đấu tranh đều bị vào tù hết. Như vậy thì dần dần đâu còn ai dám (đấu tranh) nữa, đúng không?

Những người tài mà bị mất hết thì rất là thiệt nên em muốn có một cách nào đó tốt hơn, hoặc mềm mỏng, dần dần leo lên đến một vị trí nào đó mà mình có quyền lực trong tay rồi thì mình có thể làm được.

"Hãy biết chấp nhận tiêu cực..."

000_Hkg4794220-200.jpg
Một công nhân nhập cư nằm ngủ cạnh một poster công bố một dự án phát triển ở trung tâm TPHCM hôm 12/4/2011. AFP photo (Một công nhân nhập cư nằm ngủ cạnh một poster công bố một dự án phát triển ở trung tâm TPHCM hôm 12/4/2011. AFP photo)

Khánh An: Đó là cách của bạn Dung, bạn muốn có một cách đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt hơn phải không?

Dung: Ngày nhỏ em là người rất thẳng thắn và hay bất bình trước những tiêu cực. Ví dụ như ở trường cấp III của em hồi đó cũng những ông thầy hiệu trưởng chẳng làm gì cả. Họ chỉ đến văn phòng rồi chơi cờ bạc, rồi có một người còn lấy vợ bé và cho vợ bé về bán ở căn tin rồi phơi đồ… Hồi đấy em chỉ học cấp II thôi nhưng trong đầu em nghĩ, em mà có trong tay một chiếc máy quay, em sẽ viết báo rồi tung lên mạng vì hiện nay theo đường chính thống thì sẽ không bao giờ có tác dụng được.

Lúc đấy em chỉ mong sẽ dùng dư luận thôi để phản ánh thì công an sẽ bắt đầu vào cuộc. Hồi đó em nghĩ như thế thì anh sinh viên trọ ở nhà em có nói là em hồn nhiên quá, em thẳng thắn quá thì sau này vào cuộc sống xã hội, nhìn đời bằng một màu hồng như vậy thì vào cuộc sống sẽ có nhiều cái bất lợi cho em. Lúc viết lưu bút cho em, anh ấy có khuyên em rằng: “Hãy từ từ, hãy biết chấp nhận tiêu cực đã rồi sau leo lên được một vị trí nhất định rồi thì mình mới có thể thay đổi được”…

Khánh An: Vừa rồi là bạn Dung ở Hà Nội. Liệu giải pháp tạm thời chấp nhận tiêu cực cho đến khi có được quyền lực để thực hiện thay đổi có là một giải pháp khả thi hay không? Mời quý vị tiếp tục đón nghe cuộc trò chuyện lần tới của các bạn trẻ trong chương trình Café Wifi phát thanh vào tối thứ Hai tuần sau nhé.

Quý vị và các bạn nào muốn đóng góp ý kiến hay tham gia vào chương trình, xin gửi email và số điện thoại về địa chỉ khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com. Khánh An xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự: