Việt Nam ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu

Gia Minh: Việt Nam từng đưa ra những kịch bản về các tác động do biến đổi khí hậu đối với đất nước, xin ông cho biết Việt Nam đã thực hiện được những gì theo các kịch bản đã được nêu ra?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Phải nói rằng biến đổi khí hậu là một nguy cơ hiện hữu đối với phát triển kinh tế của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cũng là một nước được đánh giá chịu tổn hại do các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra. Do nhận thức được điều này, chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia phê chuẩn Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto của Công ước Khí hậu. Để thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh những biện pháp thích ứng, Việt Nam cũng đang tập trung để thực hiện những biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc xây dựng những kịch bản biến đổi khí hậu mà như ông đã đề cập.

Việt Nam: ảnh hưởng của biển đổi khí hậu toàn cầu - Photo of unescovietnam.vn
Việt Nam: ảnh hưởng của biển đổi khí hậu toàn cầu - Photo of unescovietnam.vn (Photo of unescovietnam.vn)

Trong những kịch bản cũng đề ra khi nhiệt độ tăng, rồi lượng mưa, đặc biệt là nước biển dâng sẽ tác động đến những hoạt động kinh tế, tác động đến GDP của Việt Nam thế nào cũng đã được nghiên cứu đưa ra.

Gần đây Việt Nam cũng đã ban hành những chiến lược về biến đổi khí hậu, về tăng trưởng xanh, rồi các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể cho những giai đoạn phân kỳ khác nhau: từ nay đến năm 2015 và sai 2015.

Các việc chủ động về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để cùng cộng đồng thế giới đạt được mục tiêu cao cả của Công ước trong việc ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu; trong thời gian qua Việt Nam tích cực thực hiện những dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thông qua Điều 12 của Nghị Định thư Kyoto là những dự án dạng cơ chế phát triển sạch. Tính đến tháng 9 năm 2013, Việt Nam đã có trên 242 dự án CDM được quốc tế công nhận và trong đó tập trung vào những dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, rồi một dự án về lâm nghiệp là dự án trồng rừng ở Cao Phong.

Đó là những hoạt động tích cực, chủ động của Việt Nam để cùng cộng đồng thế giới trong việc thực thi Công ước về bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Gia Minh: Đã có những tác động về nước biển dâng được nhận thấy và có những đối phó tại các vùng ven biển bị tác động, nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Như vậy ông đề cập đến báo cáo đánh giá của 84 quốc gia đang phát triển mà có đường bờ biển như Việt Nam thì đã có những đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động do nước biển dâng. Đơn cử họ đã đặt ra kịch bản nếu nước biển dâng 1 mét vào cuối thế kỷ này thì 10% dân số chịu tác động trực tiếp, rồi trên 10% GDP cũng sẽ bị thiệt hại. Nhận thức được điều này từ năm 2008, Việt Nam đã nghiên cứu và sau đó ban hành Mục tiêu Quốc Gia về biến đổi khí hậu mà trong đó có những chương trình về thích ứng và giảm nhẹ. Như vậy liên quan đến việc giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu đối với vùng ven bờ; trong quản lý tổng hợp vùng ven bờ, Việt Nam đã có những biện pháp trong thời gian qua như nghiên cứu xây dựng việc củng cố các hệ thống đê biển tại các vùng cửa sông, những dự án xây dựng cống ngăn mặn để bảo vệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vùng không phải sản xuất lúa gạo cho 86 triệu người dân Việt Nam, mà cho hằng trăm triệu người khác trên thế giới vì Việt Nam là một trong 5 quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới.

Để bảo vệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thì có những biện pháp như tôi nói: xây dựng đê bao, đê biển chống sạt lở, cống ngăn mặn. Đó là những biện pháp công trình. Trong tương lai lâu dài, chúng ta phải có những biện pháp thích ứng sử dụng những công nghệ mới trong việc nghiên cứu những giống lúa chịu mặn, chịu được những điều kiện khắc nghiệt. Làm thế để khỏi lúng túng khi biến đổi khí hậu xảy ra.

Gia Minh: Một trong những công việc mà Việt Nam đang làm là trồng rừng ngập mặn ven biển, việc khôi phục, trồng thêm rừng ngập mặn ra sao?

HIện tượng băng sơn tan chảy do biến đổi khí hậu- photo by Paul-Souders/Corbis
HIện tượng băng sơn tan chảy do biến đổi khí hậu- photo by Paul-Souders/Corbis (Photo by Paul-Souders/Corbis)

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Chúng tôi đã có đánh giá trong những báo cáo như Thông báo của Việt Nam 2 cho Ban Thư Ký Công ước Khí hậu, trong đó có đặt ra vấn đề trồng rừng, trong đó có rừng ngập mặn. Việc bảo vệ và trồng rừng ngập mặn đóng vai trò rất tích cực trong việc bảo vệ vùng ven biển, chống sạt lở đất, bảo vệ được vùng đồng bằng trong đất liền. Phải đánh giá rằng rừng ngập mặn không phải chỉ có tác dụng tăng bể hấp thụ trong việc rừng lâm nghiệp, sử dụng đất mà còn có tác dụng giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiên tai. Qua một số trận bão, tại những khu vực có rừng ngập mặn, thì thiệt hại do bão lũ gây ra, giảm hẳn.

Ở Việt Nam có những dự án rừng ngập mặn ở cả phía bắc và phía nam. Theo chúng tôi thấy biện pháp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là những biện pháp cần phải lưu ý và đầu tư trong thời gian tới.

Gia Minh: Vấn đề tác động biến đổi khí hậu không chỉ ở Việt Nam mà toàn khu vực; vậy việc hợp tác và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này ra sao?

Ông Nguyễn Khắc Hiếu: Đánh giá về lâm nghiệp là một trong những hoạt động ưu tiên của các chương trình liên quan biến đổi khí hậu, Việt Nam trong thời gian qua đã tăng cường các biện pháp quản lý rừng bền vững, rồi thực hiện chương trình UN-REDD của một số tổ chức. Tại Hội nghị các bên vào năm trước ở Doha- COP 18, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn của Việt Nam cùng ký với Na Uy nhận được một dự án rất tốt là dự án REDD cho vấn đề giảm phát thải từ suy thoái rừng và mất rừng. Với khoản kinh phí trên 30 triệu đô la Mỹ thực hiện giai đoạn 2. Phải nói bên cạnh nguồn tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam cũng có những đầu tư nhất định trong việc thực hiện các chương trình bảo vệ rừng, đóng cửa rừng, trồng 5 triệu héc ta rừng. Đó là những đóng góp của Việt Nam với quốc tế; không chỉ bảo vệ môi trường trong nước mình mà còn giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ các bể hấp thụ hiện có tại Việt Nam.

Gia Minh với Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị Định Thư Kyoto, Nguyễn Khắc Hiếu
Gia Minh với Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị Định Thư Kyoto, Nguyễn Khắc Hiếu (RFA photo)

Gia Minh: Cám ơn ông.

**********

Xin phép được nhắc lại một vài khái niệm mà ông Nguyễn Khắc Hiếu nhắc đến trong bài phỏng vấn:

CDM viết tắt của ba từ tiếng Anh Clean Development Mechanism, tạm dịch là cơ chế phát triển sạch. Đây là cơ chế hợp tác được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Cơ chế này là công cụ nhằm thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính làm cho khí hậu trái đất ấm lên. Nó cho phép nhóm các nước phát triển buộc phải giảm phát thải khí nhà kính được đầu tư tại các nước đang phát triển với mức chi phí rẻ hơn so với khoản kinh phí phải bỏ ra để thực hiện tại chính các nước phát triển.

Chương trình UN- REDD là sáng kiến hợp tác của Liên hiệp quốc nhằm giảm thiểu phát thải do tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. REDD là viết tắt của bốn từ tiếng Anh Reducing Emissions from Deforestation and forest Degradation. Sáng kiến này được khởi xướng hồi năm 2008 dựa trên khả năng và vai trò của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc ( FAO), Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc UNDP và Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc UNEP.

48 quốc gia đối tác trong chương trình UN-REDD thuộc các châu lục từ Phi Châu, sang Châu Á- Thái Bình Dương và Mỹ La Tinh. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện chương trình thí điểm đầu tiên của UN-REDD. Giai đoạn đầu của chương trình kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành giảm phát thải tại 6 tỉnh thành với sự tham dự của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã đến cộng đồng và sự tham gia của khu vực tư nhân.