Tại sao trì hoãn Luật biểu tình, Luật lập hội
2014.04.25
Việt Nam cần có các bộ luật phải được ưu tiên soạn thảo để triển khai thi hành Hiến Pháp sửa đổi 2013. Tuy vậy Chính phủ đã không đề cập gì tới các dự thảo Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật tiếp cận thông tin trong đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gởi tới Quốc hội. Báo chí Việt Nam do Nhà nước quản lý đã giật tít lớn như “Chưa thấy bóng dáng Luật Biểu tình” hoặc “Bao giờ trình Quốc hội Luật Biểu tình?”
"Vui mừng nếu có trước năm 2020"
Trả lời Nam Nguyên, ông Lê Văn Cuông nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội các khóa 11 và 12 nhận định rằng, ở Việt Nam Đảng lãnh đạo toàn diện cho nên nếu Đảng thấy cần thiết về việc ban hành các luật biểu tình, lập hội thì sẽ ra nghị quyết cho Chính phủ và Quốc hội soạn thảo và thực hiện. Theo quan điểm cá nhân và quá trình tham gia Quốc hội hai khóa liên tiếp, ông Lê Văn Cuông bày tỏ hy vọng sau Đại hội Đảng 2016, Quốc hội khóa 14 sắp tới thì vấn đề luật hóa quyền con người sẽ có tiến triển. Vị cựu Đại biểu Quốc hội nói là sẽ hết sức vui mừng nếu Việt Nam có những bộ luật biểu tình, lập hội trước năm 2020…Một nước Việt Nam phát triển sẽ đáp ứng được những vấn đề kinh tế xã hội, vấn đề quyền con người và những nguyện vọng bức thiết của người dân. Ông nói:
“ 2015 chưa đặt ra vấn đề này, có thể vì sang năm rục rịch chuẩn bị Đại hội đảng các cấp phải tập trung làm, rồi cũng chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, đầu năm 2016 sẽ kiện toàn. Tôi hy vọng Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ cụ thể hóa Hiến pháp với nhiều bộ luật mới trong đó có Luật biểu tình, Luật về hội sẽ được đời. Từ nay đến 2016 hết nhiệm kỳ, tôi nghĩ rằng Quốc hội chỉ tập trung vào sửa đổi bổ sung những dự án luật đã có cho nó phù hợp với những qui định của Hiến pháp mới, thì cũng đã rất nhiều việc rồi.”
Khiếm khuyết dành chỗ cho "luật rừng"
Tại Sài Gòn, Học giả Đinh Kim Phúc người từng nhiều lần tham gia biểu tình phản kháng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói với chúng tôi, cách đây gần 3 năm Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hối thúc soạn Luật biểu tình để cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Trong thực tế có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Saigon, LS Trương Trọng Nghĩa phó Chủ tịch Đoàn Luật sư Viêt Nam, Đại biểu Quốc hội cũng đã ra hiện trường để quan sát, để thu thập thông tin, để nhìn nhận những ý kiến của quần chúng để làm tư liệu chuẩn bị cho việc soạn thảo Luật biểu tình. Nhưng mà đến nay theo chương trình nghị sự của Quốc hội, thấy rõ là đã không được đưa vào để thảo luận bộ luật này, cũng như chưa thực tế giao cho cơ quan nào, bộ chủ quản nào để soạn thảo. Học giả Đinh Kim Phúc nhấn mạnh:
“Đây là một sự khiếm khuyết rất lớn, không phải Luật biểu tình ra đời là khuyến khích người dân biểu tình mà tất cả đều đặt trong luật pháp của quốc gia và tất cả đều vì mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Tôi rất tiếc về những việc đó, có thể trong kỳ họp sắp tới đây sẽ có nhiều đại biểu sẽ lên tiếng về vấn đề này để hối thúc phía Chính phủ phải nhanh chóng, phải có cơ quan soạn thảo bộ luật này để cho nó phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Nhất là trong thời kỳ Việt Nam đã nằm trong Hội đồng nhân quyền thế giới và đã có cam kết rất nhiều điều khoản trong kỳ thảo luận Geneve vừa qua.”
Họ bảo là theo Nghị định 38 tội gây rối trật tự công cộng. Đấy là cái gọi là luật rừng của Việt Nam nó đứng trên các loại luật khác, phương Tây chắc họ cũng chẳng nghĩ ra được.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Tại Hà Nội nhà giáo Đỗ Việt Khoa, một người nhiều năm đòi hỏi sự công khai minh bạch trong các hoạt động thi cử, cho biết ông cũng nhiều lần tham gia biểu tình ôn hòa xung quanh quanh hồ Hoàn Kiếm để bày tỏ lập trường chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuy vậy chính quyền đã cho công an đàn áp thô bạo những người ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước. Theo lời ông Đỗ Việt Khoa, mong muốn của mọi người là ban hành Luật đó sớm đi. Thế nhưng có thể hiểu tình hình ở Việt Nam là người ta an ủi lấy lòng người dân, ông Thủ tướng nói từ 2011 là nên có luật. Nhưng đến giờ chưa thấy công bố. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa tiếp lời:
“Tôi nghĩ may ra 5 năm nữa thì luật này mới có, còn nếu dân tình báo chí dư luận không lên tiếng thì họ kệ. Do đó khi người dân biểu tình thì họ không dùng luật mà dùng Nghị định 38 năm 2008 của Thủ tướng, Nghị định ấy cấm người dân tụ tập đông người, theo họ là từ 5 người trở lên. Và thế là những người biểu tình chúng tôi đi vòng quanh bờ hồ, quá 5 người là họ bắt. Họ bảo là theo Nghị định 38 tội gây rối trật tự công cộng. Đấy là cái gọi là luật rừng của Việt Nam nó đứng trên các loại luật khác, phương Tây chắc họ cũng chẳng nghĩ ra được. Những kiểu trấn áp dân, những cái có lợi cho dân chủ, nhân quyền cho tự do của người dân để biểu đạt là người ta tìm cách triệt hạ. Do đó chúng tôi phải đấu tranh lâu dài bằng những mặt trận nào đó thôi, dùng rất nhiều giải pháp thì may ra mới có luật. Tôi sợ cái luật này khi ban hành ra rồi có khi nó còn triệt hạ thêm cái quyền của dân nữa.”
Để thực thi Hiến pháp 2013, theo nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội chỉ có một dự luật mới đáng chú ý. Đó là Luật Trưng cầu Dân ý, theo tường thuật của Thời báo kinh tế Việt Nam. Còn những Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật tiếp cận thông tin, luật bảo vệ bí mật Nhà nước thì chính phủ không những không đề xuất qua Quốc hội cho nghị trình 2015, mà cũng chẳng cần giải thích.
Luật hóa biểu tình: động tác giả?
Riêng về quyền lập hội, thì đây là một vấn đề từng được Quốc hội khóa 11 thảo luận nhưng rồi lại bị cho vào quên lãng vì tính cách nhạy cảm. Hiện nay Việt Nam có hàng trăm hiệp hội và hội ngành nghề nhưng hoạt động chẳng khác gì một cơ quan chính quyền.
Đề cập về vấn đề quyền lập hội của công dân không được luật hóa dù tất cả các Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều minh thị, Học giả Đinh Kim Phúc nhận định:
phải làm sao có những tiếng nói kể cả người lao động và cả Nhà nước hiểu được là đấu tranh như thế nào để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công nhân là quan trọng nhất, chứ không phải tổ chức đó lập ra để đối lập hay để chống phá, lật đổ.
Học giả Đinh Kim Phúc
“Điều 4 của Hiến pháp vừa mới sửa đổi, đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Đứng về phía Đảng và Nhà nước người ta rất sợ những tổ chức tư nhân mà không chịu sự lãnh đạo của Đảng, có thể sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình bạo loạn lật đổ chính quyền như các nước Đông Âu trước đây. Cụ thể là bài học Công đoàn Đoàn kết Ba Lan mà các đảng Cộng sản rất sợ, không riêng gì Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi nghĩ vấn đề này không thể giải quyết sớm được mà phải làm sao có những tiếng nói kể cả người lao động và cả Nhà nước hiểu được là đấu tranh như thế nào để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công nhân là quan trọng nhất, chứ không phải tổ chức đó lập ra để đối lập hay để chống phá, lật đổ Nhà nước. Tiếng nói này cần có một nhận thức chung nhưng tôi thấy trong thời gian trước mắt là rất khó.”
Tháng 9/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị với Quốc hội là cần thiết phải có Luật Biểu tình. Đáng lưu ý lúc đó không có bộ nào đề nghị vấn đề này mà là cá nhân Thủ tướng. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa vấn đề luật hóa quyền biểu tình mà Hiến pháp đã qui định và được dư luận hoan nghênh. Theo các chuyên gia am hiểu chính trị Việt Nam, ông Thủ tướng đã làm những động tác giả để xoa dịu dư luận nhân dân trước các cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc và bị giải tán. Bởi vì ông Thủ tướng không thể không biết là những vấn đề nhạy cảm như thế phải được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định. Chính phủ hay Quốc hội chỉ là nơi thực hiện những quyết định này. Chính vì vậy Quốc hội đã tranh luận ồn ào trong suốt hai năm 2012 rồi 2013 tưởng như Luật biểu tình sắp ra đời đến nơi và để rồi thực tế là hoàn toàn khác.
Ông Lê Văn Cuông cựu đại biểu Quốc hội hai khóa đã chẳng ngần ngại nói với chúng tôi, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, khi Đảng chưa có nghị quyết về xây dựng Luật biểu tình, Luật lập hội thì chưa thể có. Mốc thời gian trước 2020 để người dân Việt Nam có được một số luật cơ bản về nhân quyền là một hiện thực mỉa mai.