Ai là soạn giả vở hát “Nắng Chiều Trên Sông Dịch”

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.08.31
hqdefault-600.jpg Ảnh minh họa
File photo

Trong nghệ thuật sân khấu cải lương từ lúc mới hình thành vào đầu thập niên 1920 đến nay, riêng về tuồng tích thì trong suốt thời gian dài một thế kỷ ấy thì đã có hàng trăm hoặc cả ngàn tuồng đủ loại, nếu như người ta tính chung luôn cả những tuồng sao chép. Hoặc lấy tuồng này một ít, tuồng kia một mớ rồi ghép lại với cái tên mới, hay là lấy tuồng cũ đánh bóng lại rồi đặt cho cái tên khác để thành tuồng mới. Nói chung là có quá nhiều tuồng xuất hiện trong làng cải lương, từ những đoàn đại ban cho đến gánh hát bầu tèo. Đó là chưa kể đến nhiều tuồng viết xong chưa được dàn dựng để ra mắt khán giả, đã phải chịu nằm yên trong ngăn kéo nhiều năm, coi như chết luôn!

Thế nhưng, nếu nói về “tuồng hay” thì có bao nhiêu đâu, do vậy mà mỗi khi có một tuồng hay, tuồng ăn khách ra đời thì thiên hạ bàn tán khá nhiều. Báo chí kịch trường tập trung vào viết bài khai thác về mặt báo chí, thành thử ra tuồng hay thì được nổi tiếng là vậy.

Khoảng 1962 – 1963 đoàn Kim Chưởng khai trương vở tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” được kể là tuồng hay, người ta chen chân mua vé, tiền của khán giả chạy vô hầu bao bà bầu gánh khá nhiều. Nhưng mãi đến nhiều năm sau người ta cũng không biết soạn giả thực sự của vở hát là ai, do bởi người trong cuộc có liên hệ thì lại không có mặt để xác nhận. Do đó bao nhiêu thắc mắc cũng vẫn còn mãi, chưa có một giải đáp chính thức.

Tuồng thì đề tên soạn giả Thu An, nhưng lúc bấy giờ giới soạn giả, bầu gánh, cũng như giới ký giả kịch trường đã  không tin như vậy, họ xầm xì to nhỏ với nhau rằng đó là tuồng của Phong Anh, và Thu An chỉ là người đứng tên giùm để xin kiểm duyệt và đưa lên sân khấu. Phong Anh là soạn giả mà trước đó đã nổi tiếng với vở hát “Thuyền Ra Cửa Biển”, do vậy mà thiên hạ bàn tán rất nhiều.

Đồng thời lúc ấy trong giới cải lương lại có nguồn tin được rỉ tai truyền miệng với nhau, rằng soạn giả Phong Anh đã vào mật khu, nên người vợ của ông đã trao tuồng cho Thu An và ngầm chia tiền bản quyền, hoặc là đã bán cho Thu An rồi chăng? Vì nghe đâu khi vào mật khu Phong Anh đã để lại một số bản thảo tuồng cải lương. Vấn đề này về sau bà Phong Anh có tiết lộ với nhà báo Dương Thị Liên Chi của tờ sân khấu thành phố như sau: “Anh mất đi gia tài để lại gồm một mớ bản thảo mà lúc sinh thời anh hết sức gìn giữ”.

Anh mất đi gia tài để lại gồm một mớ bản thảo mà lúc sinh thời anh hết sức gìn giữ.
- Bà Phong Anh

Như vậy thì mớ bản thảo ấy đi đâu? Cũng theo sự đồn đãi thì trong số bản thảo kia có cả vở tuồng “Hai Chiều Ly Biệt”, soạn giả Thu An xin kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin, dĩ nhiên đề tên Thu An. Đoàn Kim Chưởng đưa vở hát này lên sân khấu khoảng năm 1963, tuồng quá ăn khách đã làm giàu thêm cho bà bầu Kim Chưởng. Nhưng sự thật thế nào thì rất khó mà rõ biết, bởi thời kỳ trước 1975 đâu có ai dám bàn tán công khai chuyện này.

Soạn giả Phong Anh vào mật khu năm1962, người vợ chưa đầy 30 tuổi phải chịu chia ly, nuôi 2 con thơ ăn học.

Cũng theo lời bà Phong Anh thì đã có những lần bà được bí mật đưa vào chiến khu thăm chồng. Người ta nghĩ rằng biết đâu là bà có mang theo tiền bản quyền các vở tuồng đang ăn khách, khán giả ủng hộ nhiều ở vùng quốc gia.

Những thắc mắc về sự việc ai là soạn giả thật sự của tuồng chưa có câu trả lời, thì khoảng giữa năm 1966 (tức 3 năm sau) Phong Anh qua đời trong mật khu, do một trận dội bom B 52 ở vùng biên giới Tây Ninh – Campuchia. Ông vĩnh viễn ra đi cùng với 3 người bạn văn nghệ, mà trong đó có soạn giả Ngọc Cung, người biên soạn vở hát Kiều Nguyệt Nga, là vở tuồng đầu tiên được hát ở Sài Gòn sau ngày đổi đời.

Tin soạn giả Phong Anh qua đời được bí mật loan truyền về thành, đã tạo ra bầu không khí căng thẳng, ảm đạm ở Ngã Tư Quốc Tế (ngã tư đường Bùi Viện – Đề Thám). Họ chỉ nói nhỏ với nhau, không nói nhiều, và một màu tang vô hình trùm phủ ở khu vực phía sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo lúc đó.

Một soạn giả tài ba đã vĩnh viễn ra đi, coi như sự thật ai là soạn giả tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch”, được Phong Anh mang xuống tuyền đài. Thôi th ì trên giấy trắng mực đen kể như là tuồng của Thu An vậy.

Nhưng rồi sau 1975 tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” được tái dàn dựng, và tờ báo sân khấu thành phố tường thuật đề tên soạn giả Phong Anh, Hoài Linh, có nghĩa Thu An chẳng có gì hết.

Như vậy là thế nào chứ? Tờ báo đã căn cứ vào đâu để đề tên Phong Anh là soạn giả? Có lẽ thời gian quá lâu không có ai nêu lên thắc mắc, nên sự việc có thể sẽ đi vào quên lảng, phai mờ dần theo thời gian vậy.

Có điều mà những người am tường, theo dõi về hoạt động cải lương, hầu như ai cũng muốn biết, rằng trong suốt 4 năm ở trong mật khu (1962 – 1966) soạn giả Phong Anh có cho ra đời thêm tuồng cải lương nào nữa không mà chẳng nghe nói. Hay là sở trường của ông là viết tuồng thuộc loại hương xa với “văn chương cải lương”. Rồi khi vào chiến khu phải viết tuồng tuyên truyền cho cuộc chiến lúc ấy không thích hợp với sở trường chăng?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.