Nông dân chuyển đổi sang trồng Thanh Long cũng gặp khó
2018.07.13
Trong một chương trình trước, chúng tôi gửi đến quí vị phóng sự nhiều nông dân tỉnh Bình Thuận không thể tiếp tục sống với cây lúa phải chuyển đổi sang trồng thanh long. Trái thanh long lâu nay trở thành đặc sản của tỉnh này và được xuất đi Nhật, Úc… Tuy nhiên gần đây, nông dân trồng thanh long cũng gặp khó khăn tương tự như những người canh tác các loại trái cây khác ở Việt Nam. Mời quí vị theo dõi phóng sự sau đây.
Hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc là nơi trồng nhiều thanh long nhất tỉnh Bình Thuận. Vào thời điểm thịnh nhất, diện tích thanh long tại tỉnh này lên đến 22 héc ta.
Năm nay năng suất thanh long có nơi không được như mong muốn bởi ảnh hưởng thời tiết.
Mọi năm chạy điện nó ngon hơn, năm nay chạy điện nó không có trái. Nói chung thanh long năm nay bết lắm. Khổ, mà không có trái, không có được năng suất cao. Giá thì có giá cao mà trái thì không có trái.
Khoảng 3 tháng gần đây, giá thanh long giảm sâu nên nhiều nhà vườn có nguy cơ lỗ vốn. Giá thanh long bấp bênh không chỉ riêng năm nay mà nhiều năm qua, vì phụ thuộc vào các điểm thu mua thanh long đưa ra giá cả.
-Cỡ 15 đổ lên là nó có lãi cho nhà nông rồi, còn nó nằm cỡ 7-8 ngàn, 10 ngàn đổ lại là lỗ rồi đó.
-Thanh long Bình Thuận mình làm đôi khi giá nó cũng bấp bênh lắm. Có lúc thì 19-20 cũng có mà lúc thì 5-6 ngàn cũng có, dân lỗ nhiều lắm. Hàng tốt tốt mà xuất có 7-8 ngàn dân đâu đủ ăn đâu.
- Thanh long giá này rất bấp bênh, có thể nhà vườn buông tay luôn chứ không có tiền đầu tư nổi.
- Giá bữa nay 8 ngàn 9 ngàn, nói chung tùy theo, đẹp thì đẹp xấu thì giá xấu.
Mùa thanh long tự nhiên là từ tháng 4 tới tháng 9; tuy nhiên người trồng áp dụng biện pháp gọi là ‘chạy điện’ để cây cho trái ‘nghịch vụ’.
-Một năm người ta đốt đèn hai lần, có người thì ba, có người thì hai, tùy thuộc. Ví dụ như hai thì năng suất nó cao hơn một chút, còn ba thì nó giảm năng suất lại.
Chúng tôi được dẫn ra một vườn để biết thêm về trái thanh long như thế nào thì bị coi là kém chất lượng và sao là ‘trái đẹp’.
- Phải mình đỏ tai xanh, còn không hoặc là lem hoặc là tai vàng tai úa tai ngắn là nó xấu.
- Nó như vầy là xấu, tai nó không xanh, bị đỏ. Tai nó quéo, tại nó ngược ra sau vầy là nó xấu.
Tất nhiên, giá thu mua đối với loại trái bị cho là xấu sẽ thấp hơn giá chung của thị trường.
- Xấu như thế này bán vẫn được chứ không phải là không nhưng mà ví dụ bây giờ giá thị trường là 10 ngàn đi, cái này bán có 7 ngàn hoặc 8 ngàn thôi.
Khó khăn của những nhà đầu tư cho hàng chạy điện nhưng trái không được chất lượng, phải giá rẻ như hàng mùa, hàng xấu.
- Là hàng điện luôn á mà bán có giá 7 đến 8 ngàn thôi chớ, 10 ngàn thôi chớ lấy đâu mà vô lãi. Lỗ luôn mà buộc người dân làm lỡ ra rồi đâu có để lại được đâu, cũng phải buộc bán.
Đó là nói riêng về loại thanh long trái mùa giăng điện nhưng không đạt chất lượng phải bán rẻ. Khi vào vụ, giá thanh long còn giảm hơn nữa vì lượng cung ồ ạt.
- Mùa mưa mình đỡ không có được, tại vì mùa mưa là thanh long Bình Thuận này ai cũng có hết, ai cũng đều như nhau hết là xuống giá à.
Giá thanh long Bình Thuận phụ thuộc vào các yếu tố như những gì mà các chủ vườn vừa cho biết. Nhưng giá cả còn phụ thuộc vào vựa thu mua và các thương lái nữa. Các chủ vườn cho biết thanh long chủ yếu bán sang TQ, cho nên mức giá cũng như chuyện thu mua hầu như do chủ vựa là người TQ quyết định. Theo số liệu thống kê từ báo chí trong nước, khoảng 80% thanh long ở đây là xuất khẩu sang TQ. Cho nên nếu TQ ngưng thu mua hoặc ép giá thì nhà vườn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
- Ví dụ như thấy những vựa lớn đó vậy nhưng mà hầu như lúc nào cũng có TQ ở trong đó, rồi nó phát giá ra cho chủ vựa, rồi chủ vựa cho những thương lái đi mua tại vườn.
- Ở đây cũng phải lệ thuộc qua TQ rồi, tại vì qua nó tiếp cận ở tại vựa rồi.
- Đợt vừa rồi bị gì đó, biểu tình đó, hàng hóa nay nó rẻ lắm.
- Hàng thì có mà các vựa nghỉ hết trơn rồi, đâu có bán được. Đây thanh long chỉ bán cho vựa đóng cho TQ thôi.
Vấn nạn trái thanh long của Bình Thuận bán chủ yếu cho Trung Quốc cũng tương tự nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Cứ mỗi khi được mùa thì giá cả rớt mạnh khiến người trồng điêu đứng, phải bán đổ, bán tháo với mong mỏi vớt vát lại chút vốn liếng… Nhiều kế hoạch từng được vạch ra; tuy nhiên cho đến nay tất cả dường như vẫn chưa thể giải quyết được những bế tắc cho nông dân.