Khai thác Bán đảo Sơn Trà ra sao?

RFA
2018.12.11
Sontra Bán đảo Sơn Trà, điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho nhiều người cả trong và ngoài nước
RFA

Bán đảo Sơn Trà từ bao đời nay được xem là ‘tấm bình phong’ cho thành phố biển Đà Nẵng. Bên cạnh đó đây còn là cứ điểm quốc phòng quan trọng của Việt Nam. Gần đây, nơi này còn được được biết đến như điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho nhiều người cả trong và ngoài nước.  Tuy nhiên, gần hai năm qua khu vục này trở nên “nóng” với bao tranh cãi xoay quanh việc chính quyền thành phố Đà Nẵng cho chủ đầu tư xây dựng dự án cụm biệt thự bị cho là “băm nát” cảnh quan thiên nhiên.

“Em thấy không khí và nhiệt độ ở đây thấp hơn ở Sài Gòn tại vì em ở Sài Gòn tới, được cái là khi em lên tới đây em thấy cái cảnh rất đặc biệt. Em thích cảnh thiên nhiên và em muốn khám phá những vùng thiên nhiên giống như vậy”

Đó là trình bày của một nữ du khách khi được hỏi về cảnh quan của vùng bán đảo này của thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, gần hai năm qua bán đảo Sơn Trà bỗng “nóng” trên bàn thời sự Việt Nam với vụ việc Công ty cổ phần Biển Tiên Sa có hành vi tiến hành xây dựng 40 móng biệt thự nằm trong Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa khi chưa được chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép.

Dự án bị nhiều người lên án cho rằng “băm nát” bán đảo Sơn Trà với hằng chục móng biệt thự của một tổ hợp mà mục đích chính nhằm kinh doanh các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… của giới được gọi là ‘nhóm lợi ích’.

Một nhóm nữ du khách có mặt tại đỉnh Bàn Cờ-Sơn Trà không muốn quay hình cho biết ý kiến về kế hoạch phá núi xây tổ hợp nhà hàng, khách sạn như thế:

Em nghĩ là khách sạn có ở bên dưới rồi, không cần phải mở trên này nữa …em cũng không nghĩ là sẽ mở trên này vì dù sao đi xe từ phía dưới lên đây cũng tiện đâu cần phải mở thêm”.

Trước khi chạy xe lên đỉnh bán đảo Sơn Trà, nhóm nữ du khách này có thể đã đi qua những con đường từ dưới chân bán đảo Sơn Trà  như Hoàng Sa, Yết Kiêu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng...đây là nhưng con đường tập trung rất nhiều khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và chuỗi resort ven biển vừa đẹp vừa quy mô bậc nhất Đà Nẵng.

Chính vì vậy, việc xây dựng thêm những nhà hàng, khách sạn trên bán đảo Sơn Trà là không cần thiết đối với nhóm nữ du khách này, đồng thời còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Cảnh thiên nhiên đâu phải chỗ nào cũng có, nó nhiều cây, sông và không khí thiên nhiên trong lành. Bây giờ nếu phá đi, ở đâu cũng có nhà cao cửa rộng đúng không? Người ta đến đây vì cảnh thiên nhiên nếu phá đi để xây khách sạn thì người ta đâu đến đây làm gì?”

Số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà
Số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà
rfa

Tuy nhiên, cũng có du khách chia sẻ với chúng tôi rằng với số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà thì chuỗi khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và resort dưới chân bán đảo Sơn Trà như nói trên là không đủ nhu cầu đáp ứng cho du khách. Cho nên việc xây dựng và mở rộng thêm các dịch vụ này là cần thiết:

“Em thấy dịch vụ ăn uống, nhà hàng hoặc là khách sạn thì nên mở rộng thêm bởi vì em thấy nó cũng hơi ít so với lượng khách du lịch.”

Còn việc xây dựng có phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bán đảo Sơn Trà hay là không thì du khách đến từ Sài Gòn này cho biết:

“Nếu mở thì mình sẽ mở ở bên dưới, ở một phần nào đó mình tập trung vào một khu nào đó giống như là em muốn tìm một chỗ để đi có nhiều khách du lịch để hòa nhịp đi chơi cùng với họ nhưng mà em không thấy. Em muốn mình mở một khu tập trung vào đó những dịch vụ như nhà hàng, khách sạn rồi những khu giải trí vui chơi tập trung một chỗ ở Sơn Trà này.”

Trả lời báo chí Việt Nam vào ngày 19/3/2017, Chánh Thanh tra Xây dựng Đà Nẵng ông Trần Văn Dũng nói Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa được cấp phép xây dựng vào  năm 2009 sau khi đã có đánh giá tác động môi trường vào năm 2007, nhưng do quá trình xây dựng Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Biển Tiên Sa đã có những thay đổi về kiến trúc so với ban đầu. Vì vậy, vào ngày 20/3/2017, Ủy ban nhân quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần biển Tiên Sa.

Cũng tại thời điểm chúng tôi quay hình, có một nhóm người xuất hiện được có các hộ kinh doanh trên bán đảo Sơn Trà cho biết họ là những cán bộ sở Du lịch Đà Nẵng đi kiểm tra tình hình hoạt động ở bán đảo Sơn Trà. Theo quan sát của chúng tôi, các vị này tỏ ra rất quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên nơi này.

Xây khách sạn xong cảm giác như khách du lịch không muốn đến đây nữa. Chỗ nào bị du lịch hóa nhiều quá dần sau này mất hết khách du lịch ...”-Đó là ý kiến chia sẻ của nhóm nữ du khách.

Sau khi thông tin và hình ảnh những móng biệt thự trên Bán đảo Sơn Trà được loan tải công khai, một chiến dịch “giải cứu Sơn Trà-lá phổi Đà Nẵng” được nhiều người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động. Chỉ trong thời gian ngắn chiến dịch thu hút khá nhiều chữ ký đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh đó nhiều hoạt động kêu gọi bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, bảo vệ vọoc chà vá chân nâu...cũng được người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động khiến cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải họp nhiều lần với các sở, ban, ngành liên quan để bàn ra các giải pháp sao cho hài hòa giữa lòng dân lẫn Chủ đầu tư.

Theo chia sẻ của du khách đến từ Sài Gòn thì vẫn có lối mở:

“Em thấy là mình sẽ làm theo mô hình thiên nhiên, dạng resorts nhưng mà resorts thiên nhiên nên vẫn giữ được cái vẻ đẹp thiên nhiên và cũng không phải đi xa để kiếm những nơi cần nghỉ ngơi, đẹp, những nhà hàng để ăn uống ngon, chổ vui chơi giải trí...”.

Cho đến hiện tại, vụ việc ở bán đảo Sơn Trà các cấp chính quyền ở Đà Nẵng chưa trả lời dứt khoát cho người dân được biết là “dừng” hay là “không dừng” việc xây dựng những biệt thự trên bán đảo Sơn Trà? Nhưng qua những chia sẻ các du khách đều cho thấy có điểm chung là cần bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, không thể phá vỡ cảnh quan thiên nhiên Sơn Trà bởi những dự án bê-tông. Giá trị của Sơn Trà là thiên nhiên, mà thiên nhiên một khi bị phá hoại thì sẽ khó lòng khôi phục nếu không muốn nói là không thể.

Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng vài Km về phía Đông Bắc, với ba mặt giáp biển. Nơi đây không chỉ được thiên nhiên ưu đãi nguồn không khí trong lành bao trùm cả một vùng diện tích rộng lớn tầm khoảng 60km², khung cảnh núi non hùng vĩ và trữ tình mà còn có hệ sinh thái khép kín, đa dạng về sinh học, hiện có hơn 1.000 loài thực vật và động vật sinh sống, trong đó có không ít loài động vật quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ của thế giới như chồn bạc má, vọoc chà vá chân nâu...

Từ năm 1992, có hơn 4.400ha đất ở bán đảo Sơn Trà được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên. Nhưng đến cuối năm 2016, Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cắt đi 1.056ha đất khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.

Có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Bãi Rạng, Bãi Bụt, khu nghỉ ngơi Đông Dương, chùa Linh Ứng...và các bãi biển đẹp nối dài như: Sơn Trà, Phạm Văn Đồng, T20...góp phần tạo nên một bán đảo Sơn Trà ví như “hòn ngọc” mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng.

Cùng với đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà tạo một mối liên kết địa thế bao bọc thành phố Đà Nẵng, giúp thành phố này tránh được phần lớn gió bão từ biển đổ bộ vào đất liền, hoặc gió Lào, tức là hiện tượng Foehn.

Ngoài ra, bán đảo Sơn Trà còn là một cứ điểm quốc phòng quan trọng, từ đây có thể phóng tầm nhìn bao quát cả Vùng 3 Hải quân, các nơi neo đậu thuyền, tàu Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà có hệ thống radar của quân đội Việt Nam bao quát khu vực biển Đông, được mệnh danh là “đôi mắt thần Đông Dương”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.