Cảng cá xuống cấp - Ngư dân khốn khổ

RFA
2019.07.22
tuhienport111.jpg Cảng cá Tư Hiền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Photo: RFA

Từng được kỳ vọng là cảng cá lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế khi kinh phí đầu tư xây dựng lên đến gần 30 tỷ đồng, thế nhưng sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2010, đến nay Cảng cá Tư Hiền hoạt động không hiệu quả, gần như bị bỏ hoang, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Đầu tư để làm gì?

Cảng cá Tư Hiền được khởi công xây dựng từ tháng 8/2004 và đến tháng 8/2010 thì hoàn thành. Cảng cá có diện tích khoảng 3,7 ha trên bờ; 2,4 ha mặt nước cùng các hạng mục như bến neo tàu dài 80m - rộng 12m; 2 cầu dẫn dài 80m; 2 bờ kè neo đậu dài 310m; sân bãi; nhà đặt máy bơm nước và các hạng mục thiết yếu khác…Được biết kinh phí xây dựng cảng là 29 tỷ đồng do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cảng cá gần như bị bỏ hoang với nhiều công trình, hạng mục đã rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc đầy, hệ thống cống hỏng hóc được bà con chắp vá bằng những tấm ván gỗ, thùng phi sắt…

Anh K, một ngư dân không muốn nêu tên đầy đủ, có tàu neo đậu tại cảng cá Tư Hiền, chia sẻ với chúng tôi.

“Xuống cấp rồi. Giờ dỡ những tấm ván này lên là toàn thủng lỗ, thủng hang hết. Người thu mua đâu dám đi, họ phải đậy những tấm ván.”

Chủ tàu Phan Ý Mộng cho biết:

“Cảng cá của mình hiện tại hắn cũng đang xuống cấp rồi, với lại cửa nẻo ra vào khó khăn cho nên tàu bè nó hay bị cản nhiều. Mỗi lần đi xa bờ nó khó ra vào cửa, tàu bị cạn nên một lần đi nó rất là khó khăn phức tạp.”

7h sáng chúng tôi có mặt tại cảng cá Tư Hiền. Nếu ở cảng cá Thuận Phước (Đà Nẵng) hoặc cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) vào giờ này sẽ thấy cảnh người dân tấp nập mua bán tôm cá, hải sản, tàu thuyền ra vào đông đúc, còn ở cảng cá Tư Hiền thì trái ngược hẳn. Chỉ có vài nhóm người, lèo tèo vài chiếc thuyền.

Cảng cá Tư Hiền
Cảng cá Tư Hiền

Cảng cá Tư Hiền vắng tanh ngay từ giữa buổi trưa. Theo anh Mộng, hoạt động tàu thuyền ở đây không tấp nập là do cửa biển dẫn vào cảng bị cát bồi lấp, nước cạn nên tàu thuyền ra vào cảng gặp rất nhiều khó khăn.

“Tại vì cái lạch để tàu mình vào nó không được sâu, cái cửa lạch nó nhỏ quá, cái cửa bị cát nó bồi, các phương tiện như tàu mình lớn hơn mà nó cạn nên ra vào khó khăn vậy đó. Như mọi chỗ khác nó sâu thì dễ đi, cửa mình cạn cần phải nạo vét độ sâu mới được.

Anh Mộng cho biết, mực nước tại cảng cá chi cao khoảng 1,5 m trong khi tàu cần độ sâu ít nhất là 1,6 m. Anh nói tiếp:

“Từ 1,6m đến 2m tàu mình mới ra vào được. Cho nên tàu bè người ta ít thích vào đây. Thu mua nó ít. Không phải như cửa Thuận An cửa lạch nó suông, còn cửa Tư Hiền này nó cạn quá. Mỗi lần ra vào sơ ý thôi là mắc ngang ở ngoài rồi thành ra họ không thích vào.”

Lúc xây dựng cảng cá Tư Hiền, Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thiết kế bờ cảng cao nhằm phục vụ tàu quân sự, tàu có công suất trên 500CV, quá cao so với tàu cá của ngư dân vốn chỉ có công suất dưới 300CV. Điều này lại khiến hơn 300 tàu, thuyền nhỏ của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Mặc khác, cảng cá Tư Hiền xây dựng gần cửa biển đang bị bồi lắng, thủy triều lên xuồng thất thường, tàu lớn vào cảng không được đã đành, còn tàu nhỏ muốn đưa hải sản vào cảng phải dùng thuyền nhỏ hoặc thúng chạy ra chở hải sản vào.

Trả lời phỏng vấn báo VNExpress vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Tam-Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, tình trạng cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp diễn ra nhiều năm nay. Năm 2019 này bị bồi lấp nặng hơn và nguy cơ bị bít rất dễ xảy ra nếu không nạo vét kịp thời.

Tàu thuyền không vào cảng gây rất nhiều khó khăn cho việc làm ăn của bà con. Bà con ngư dân muốn đưa tàu ra vào cảng phải đợi chính xác lúc thủy triều lên dù trễ chuyến đi cũng phải chờ. Còn việc mua bán thì trễ phiên chợ. Anh Mộng nói :

“Cửa nó cạn chẳng hạn như đúng ra 5h sáng mình vào bán tại đây thì con cá nó được giá vì người bán hàng nó đi buôn đúng chợ đúng đồ, còn mình phải chờ giờ này mới vào vì chờ nước lớn lên mình mới vào thì giờ này ai mà mua, chợ đò đâu còn nữa.”

Anh K nói từ mùa đông cho đến mùa hè bà con, tàu thuyền đều gặp khó khăn khi cập cảng Tư Hiền. Do cửa bị bồi lấp nên nhiều tàu phải đậu ngoài xa cửa biển hoặc phải chạy sang cảng Thuận An hoặc vào cảng Đà Nẵng kiếm chỗ đậu. Anh K nói:

“Lỗ thì ít nhưng có cái tàu mình chở nhiều thì buộc mình phải ghé những cảng khác để mình thu nhập nhiều hơn, giống như mình bán những con cá ở đó được.

Sẽ nạo nét & nâng cấp cảng cá

Được biết, vào tháng 7/2013 tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho Công ty 55 tổ chức nạo vét cửa biển Tư Hiền, gia hạn đến hết tháng 3/2017. Theo đó, Công ty 55 được tận thu xuất khẩu 1,1 triệu m3 cát nhiễm mặn, trong đó cửa biển Tư Hiền được tận thu 550.000m3. Tuy nhiên, qua điều tra, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị được giao giám sát trực tiếp dự án) cho biết số lượng cát mà Công ty 55 xuất khẩu chỉ lấy ngoài cửa biển (loại cát tốt, không phải loại cát nhiễm mặn), còn phía trong luồng từ cửa biển vào cảng cá Tư Hiền hầu như không nạo vét mà chỉ thông luồng tạm. Khi biết được vụ việc, bà con hết sức bức xúc. Một người dân cho biết:

“Có tàu về tưởng đâu họ múc cát, múc cửa ai ngờ giống như múc cát xong họ chạy chứ họ có múc lạch cho mình đi đâu. Người dân tưởng họ múc cho mình chạy thôi chứ ai biết múc cát xong chạy, để lại người dân chịu.”

Chúng tôi liên lạc lãnh đạo UBND xã Vinh Hiền và Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế để hỏi xem thời gian tới cơ quan chức năng có giải pháp nào khơi thông cửa biển, nâng cấp và tu sửa cảng cá Tư Hiền hay không? Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế đã từ chối trả lời phỏng vấn cũng như nói không có thẩm quyền trả lời báo đài.

Một góc xuống cấp ở cảng cá Tư Hiền
Một góc xuống cấp ở cảng cá Tư Hiền

Ông Nguyễn Văn Lợi-Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết điều này xã đã có báo cáo nhiều lần, nhưng thẩm quyền, trách nhiệm và khả năng, năng lực phụ thuộc vào các cấp trên.

Ông Phan Thanh Hùng-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho chúng tôi biết:

“Mình nói bỏ hoang thì không đúng. Cảng cá này đã xây dựng từ lâu rồi tuy nhiên cửa biển của nó trong mấy năm gần đây bị bồi lấp do sự vận chuyển bùn cát và vấn đề trao đổi nước giữa phía trong và phía ngoài cửa biển”

Ông Hùng nói việc nạo vét là một hoạt động thường xuyên ở các cửa biển chứ không riêng gì mỗi cửa Tư Hiền. Việc nạo vét kết hợp với việc xây dựng công trình kè là giải pháp sẽ đem lại hiệu qủa tích cực.

“Biện pháp nạo vét là hoạt động thường xuyên ở tất cả các cửa chứ không riêng gì cửa này đâu. Để hỗ trợ cho việc này thì cần phải có giải pháp về mặt công trình nữa, ngoài nạo vét thì sẽ có làm hệ thống mỏ hàn để ngăn cát di chuyển vào cửa.

Trước đây mình cũng đã nạo vét nhưng mà chỉ làm một thời gian rồi dừng, người ta mới làm một phần ngoài cửa thôi. Hiện nay mình sẽ tiếp tục tiến hành nạo vét, tiếp tục của hai giải pháp ấy tức là vừa nạo vét vừa xây dựng công trình chính trị, công trình kè để đảm bảo ổn định cửa Tư Hiền được tốt hơn”.

Ông Hùng cho biết chính quyền địa phương và Trung ương đã có chủ trương tiến hành nạo vét và xây hệ thống kè để điều chỉnh dòng chảy ở cảng cá. Công tác khảo sát dự án hiện đang được tiến hành. Theo ông Hùng, nếu điều kiện thuận lợi, việc nạo vét và xây kè sẽ có thể tiến hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.