Người dân Bình Sơn: Đi không được, ở cũng không xong!

RFA
2019.11.19
ô nhiễm Nhà máy xi măng Đại Việt ngưng hoạt động đã lâu, giờ cỏ mọc um tum xung quanh nhà máy
Photo: RFA

Quy trình ngược

Đó là câu chuyện xảy ra tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giữa 2.000 hộ dân, nhà máy xi mặng Đại Việt và các cấp chính quyền địa phương.

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đã đến thôn Sơn Trà 1 và Tân Hy 1 thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu thêm về sự việc này.

Trước mắt chúng tôi không phải là Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt- Dung Quất (gọi tắt là nhà máy xi măng Đại Việt) thay vào đó là Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bỉm Sơn. Hỏi sự tình, chúng tôi mới biết VICEM Bỉm Sơn cũng chính là nhà máy xi măng Đại Việt, nhà máy đã ngưng hoạt động từ mấy năm nay và Công ty Bỉm Sơn là đơn vị hiện đang chiếm Cổ phần chi phối-hỗ trợ lương và chi phí để “cầm hơi” cho những nhân sự còn lại của nhà máy Đại Việt trước đây.

Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy giờ như một công trình bỏ hoang, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm che khuất tầm nhìn và xích khóa cửa hoen gỉ sắt.

Nhà máy Đại Việt được xây dựng từ tháng 8/2009 và đến tháng 6/2012 đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do chính quyền tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện di dời dân trước khi nhà máy đi vào xây dựng và hoạt động nên khoảng 2000 hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này gần như bị đảo lộn cuộc sống bởi sự ra đời của nhà máy xi măng khi họ phải sống chung với khói, bụi và tiếng ồn…

Bà Lê Thị Sở, trú tại thôn Sơn Trà 1 chia sẻ:

“Bụi không thể tưởng. Từ mái nhà cho đến trong nhà coi như bụi quét không hết”

Hồi kia không có nước sạch, giờ mới có nước sạch, hồi kia uống nước giếng không. Mình đi làm thì phải đậy lại chứ không đậy lại nó nhiễm xuống, giếng ô nhiễm đủ thứ hết.”-  Chị N.T.M cũng trú tại thôn Sơn Trà 1 nói.

Trả lời báo đài Việt Nam vào tháng 7/2019, ông Nguyễn Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: Năm 2012, nhà máy xi măng Đại Việt đi vào hoạt động thì đồng thời tập đoàn Sembcorp của Singapore cũng triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Semcorp Dung Quất xây dựng trên diện tích 134ha ngay cạnh nhà máy xi măng Đại Việt. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, thì nhà máy Nhiệt điện dừng triển khai. Người dân trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời bỗng nhiên bị hủy bỏ nên bức xúc kéo đến trước cổng Nhà máy xi măng Đại Việt giăng lều bạt, ngăn cản, không cho nhà máy hoạt động. Thậm chí người dân còn thuê xe, kéo lên nằm vạ ở UBND tỉnh Quảng Ngãi.

“Nhiều lắm! Đi vào tỉnh. Mướn bốn, năm chiếc xe đi vào tỉnh ngồi hết ngoài hè. Mấy ông bảo vệ nói bà con về, để tỉnh sắp đặt giải quyết, bà con thông cảm. Về rồi thì làm thinh miết. Họ đưa đơn tới huyện, tới tỉnh chứ đâu phải giỡn.” - Chị N.T.M bức xúc chia sẻ.

Nhà máy bỏ hoang do người dân phản đối vì ô nhiễm
Nhà máy bỏ hoang do người dân phản đối vì ô nhiễm

Trước tình hình quá bức bách cần gấp rút phải di dời dân, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND xã Bình Đông có 20 báo cáo liên quan việc người dân tụ tập, ngăn cản nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động, chính quyền huyện Bình Sơn hàng chục lần họp dân, đối thoại, lắng nghe… Tuy vậy, mọi việc vẫn không thể giải quyết được.

Bà N, cư dân thôn Sơn Trà 1 nói:

“Dân ở đây họ nói chắc nhà máy nó cho ăn. Nhà máy nó cho ăn rồi sao ấy cho nên không giải quyết được.” –Lời của chị N.T.M.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp 364 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời các hộ dân càng sớm càng tốt, đáp ứng mong muốn thiết thực của các hộ dân.

Đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 45/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động trở lại.

Thế nhưng, thực tế từ năm 2018 đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chậm trễ, thậm chí là dậm chân trong xử lý bức bách của người dân lẫn doanh nghiệp.

“Dân ở chòm này còn có bao nhiêu hộ nữa chứ mấy. Đi là phải đi hết. Nếu đền bù đi một nữa, còn lại một nữa thì dân chịu không nổi bụi.”- Lời của bà Lê Thị Sở.

Không phải hút khói, bụi và nghe tiếng ồn từ nhà máy xi măng Đại Việt, nên cuộc sống hiện tại của gần 2000 hộ dân sinh sống ở hai thôn Sơn Trà 1 và Tân Hy 1 tạm ổn hơn so với lúc trước.

«Ổn định chứ sao không ổn định. Làm ăn bình thường chứ đâu có suy nghĩ gì nữa đâu? »- Lời của ông P.

Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ dân hiện còn rất nhiều khó khăn. Bà Sở chia sẻ :

«Khó khăn. Hồi nào giờ bà con ở đây bị ô nhiễm mà bây giờ trúng dự án nhà máy xi măng bà con cố làm nới ra để kiếm thêm, kiểu là làm cho đủ cái nhà thôi. Nhưng giờ nhà máy đình lại nên dân gặp rất nhiều khó khăn. ».

Mọi chuyện vẫn ngổn ngang

Tại sao đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ nhưng các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn không giải quyết câu chuyện của 2.000 hộ dân ở Bình Sơn? Chúng tôi liên lạc một số lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi bằng điện thoại không ai bắt máy.

Chúng tôi tiếp tục iên lạc ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi để hỏi giải pháp nào cho Nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động trở lại và thực hiện việc di dời dân đến nơi ở mới? Ông Lộc nói bản thân không đủ thẩm quyền trả lời.

Gần 2000 hộ dân sống tạm bợ chờ ngày di dời
Gần 2000 hộ dân sống tạm bợ chờ ngày di dời

“Cái nhà máy xi măng Đại Việt do nó nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất cho nên vấn đề này phải hỏi Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất họ mới nắm rõ. Dự án này nó nằm trong khu, trong khu là do Ban quản lý khu họ cấp quyết định chủ trương. Còn ngoài khu thì mới do Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định của Luật Đầu tư cho nên phải hỏi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi. »

Cũng câu hỏi này, chúng tôi liên lạc ông Lê Hàn Phong- Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi. Ông  Phong nói đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có đề xuất giải pháp.

«Đúng rồi. Đã có rồi, kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo luôn rồi và tỉnh cũng đề xuất giải pháp rồi. Còn bây giờ tiến độ thực hiện như thế nào ? »

Ông Lê Hàn Phong tiếp tục giới thiệu chúng tôi liên lạc ông Đàm Minh Lễ- Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, người được cho là giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc này, tuy nhiên, chúng tôi liên lạc ông Lễ bằng điện thoại di động thì chuông điện thoại có reo nhưng ông Lễ không bắt máy.

Rời Bình Sơn, chúng tôi chỉ có thể hy vọng sẽ có một ngày trở lại nơi đây và mong rằng sẽ thấy được cuộc sống của những hộ dân Bình Sơn tươi mới hơn…!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.