Vui buồn nghề nuôi bệnh thuê ở Sài Gòn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.06.24
benh-vien-305.jpg Một phòng bệnh ở Bệnh Viện Ung Bứu TPHCM (ảnh minh họa).
RFA

 

Ở các bệnh viện lớn trong thành phố, dường như bất kỳ ngày nào, bệnh nhân cũng có thể gặp những người chuyên nuôi bệnh thuê đến hỏi thăm, thậm chí gạ gẫm để được chăm sóc thuê và đưa ra mức chi phí vừa phải để người nhà bệnh nhân chấp nhận cho họ chăm sóc người thân. Nghề nuôi bệnh thuê là một nhóm nghề có thu nhập tương đối khá so với các nhóm lao động khác nhưng bù vào đó, những người chuyên nuôi bệnh thuê có cuộc sống và số phận hết sức trắc ẩn và tủi buồn.

Nghề nhiều nước mắt

Một người tên Loan, trôi dạt từ xứ Quảng vào Sài Gòn suốt mười bảy năm với nghề bán mì quảng để rồi trong một cơn bạo bệnh, bà phải bán sạch vốn liếng để điều trị, sau khi lành bệnh, không còn gì để sống, bà chuyển sang nghề nuôi bệnh thuê và sống với nó suốt tám năm nay, chia sẻ: “Mình thấy rứa mình cũng xót, vì mình thay gia đình họ chăm sóc mà, mỗi khi họ lên cơn đau mình thấy mình xót lắm, điên cái ruột ấy chứ! Mình không có tâm thì sao mình chăm họ được, mình phải thương họ như cha mẹ mình ấy chứ! Ở bệnh viện có nhiều cảnh đau thương lắm, mình đã nghèo mà họ còn nghèo hơn mình nữa, họ nằm viện mà bệnh không hết, họ không có tiền trả tiền thuốc bệnh viện nên nửa đêm họ lén họ về, cơm họ còn không có để ăn lấy gì họ trả tiền bệnh viện.”

Mình không có tâm thì sao mình chăm họ được, mình phải thương họ như cha mẹ mình ấy chứ! Ở bệnh viện có nhiều cảnh đau thương lắm, mình đã nghèo mà họ còn nghèo hơn mình nữa.
-Bà Loan

Theo Bà Loan, nghề nuôi bệnh thuê là cái nghề hết sức ngẫu nhiên và buồn nhiều hơn vui. Cũng có thể nói thêm rằng đây là cái nghề mà người ta có thể chiêm nghiệm sâu sắc về thân phận con người cũng như sự sống nhỏ nhoi, heo hút của kiếp người nơi bệnh viện. Chính vì thế, bất kỳ một người nào có đời sống nội tâm phong phú, họ sẽ làm công việc nuôi bệnh thuê với tấm lòng chan chứa yêu thương và luôn xem mình là con cháu của Hải Thượng Lãn Ông mặc dù họ không có chuyên môn về y học.

Bà Loan nói rằng sở dĩ những người nuôi bệnh thuê xem mình là con cháu của Hải Thượng Lãn Ông bởi vì đức độ của Hải Thượng Lãn Ông cao vời, Người đã cống hiến cuộc đời của mình để nghiên cứu, chữa chạy cho người bệnh. Nếu như các bác sĩ giỏi thừa kế được phần tài năng của ngài Hải Thượng để chữa bệnh, điều trị cho người bệnh thì những người nuôi bệnh thuê phải thừa kế được phần đức của ngài trong vấn đề chăm sóc, biết đau cùng cái đau của người bệnh và nâng niu, ân cần với người bệnh.

Bà Loan nói thêm rằng đương nhiên, trong xã hội hiện tại, không thiếu những kẻ tuy làm nghề nuôi bệnh thuê nhưng tâm ý chỉ nghĩ đến đồng tiền và không cần biết người bệnh đau đớn, cô đơn đến mức độ nào. Chuyện đau đớn đối với người bệnh thì dễ hiểu, nhưng chuyện một người bệnh thiếu vắng người thân chăm sóc, phải nhờ đến người nuôi bệnh thuê, đó là nỗi đau ẩn khuất mà nếu người nuôi thuê không khéo léo sẽ khiến cho người bệnh thêm nặng và nguy cơ tử vong là trong tầm tay.

Khu khám bệnh ở Bệnh Viện Ung Bứu TPHCM (ảnh minh họa). RFA PHOTO.
Khu khám bệnh ở Bệnh Viện Ung Bứu TPHCM (ảnh minh họa). RFA PHOTO.

Vốn là người trôi dạt, không còn đồng xu dính túi và sống dựa vào những bữa cơm tình thương ở bệnh viện để lây lất qua ngày, tồn tại cho đến lúc khỏe mạnh và ra trước tượng Hải Thượng Lãn Ông, vái lạy xin ngài ban cho sức mạnh để làm một người nuôi bệnh thuê, nghề nuôi bệnh thuê của bà Loan bắt đầu từ đó. Có nhiều trường hợp, bà nuôi với mức phí từ 200 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng cho 24 giờ, cũng có trường hợp bà chỉ nhận 100 ngàn đồng mỗi 24 giờ, và cũng không thiếu những trường hợp bà chỉ nuôi miễn phí bởi cuộc đời và số phận của họ làm bà rơi nước mắt, cám cảnh đến những ngày lây lất nơi bệnh viện của mình.

Trong quãng đời nuôi bệnh thuê gần mười năm của bà Loan, có hai lần bà rơi nước mắt và không thể nén tiếng khóc, đó là lần một bệnh nhân nghèo vốn là gái đứng đường lúc mạt vận, không xu dính túi, không người thân đã liều lĩnh nhờ bà chăm sóc vì không còn lựa chọn nào khác khi mổ ruột thừa. Đến ngày chị này tỉnh dậy, bệnh viện đòi viện phí, chị này đã quì lạy và tình nguyện ở đợ cho bà hai tháng để trừ tiền công. Nghe cảnh ngộ của chị ta, bà không thể kiềm nén xúc động, tuyên bố miễn phí và tặng thêm một ít tiền để chị ra về. Và một lần người mẹ đã nhờ bà chăm sóc đứa con để ra đứng đường kiếm tiền chạy chữa cho con. Lần đó bà cũng chăm sóc miễn phí và cũng là lần mà bà cảm nhận ra cái nghèo và sự sống nó thổn thức, đau thương đến mức độ nào.

Tràn lan dịch vụ nuôi bệnh thuê

Trường hợp của bà Loan là một trong những trường hợp hiếm hoi, có lương tâm và có tôn chỉ, mục đích trong công việc nuôi bệnh thuê. Cũng không thiếu những trường hợp bịp bợm và xã hội luôn tràn lan những kẻ vô cảm làm nghề này. Một bệnh nhân tên Trung, ở Gò Vấp, Sài Gòn, chia sẻ: “Nuôi bệnh thuê mỗi ngày đôi khi một trăm có, hai trăm có, ba trăm có, tùy theo mỗi dịch vụ, thí dụ như họ lo đầy đủ, chăm sóc, giặt đồ… thì ba trăm, chỉ tới chăm sóc mà không giặt giũ thì hai trăm, đôi khi một trăm họ cũng tới, ngồi đó, chỉ gì làm đó thì một trăm. Cái giá tiền khác nhau, như chuyển người qua giường thì họ cũng rành lắm, làm như y tá. Nhưng cái nghề này cũng như osin thôi chứ có gì đâu, cũng vì tiền đi giúp việc.”

Nuôi bệnh thuê mỗi ngày đôi khi một trăm có, hai trăm có, ba trăm có, tùy theo mỗi dịch vụ, thí dụ như họ lo đầy đủ, chăm sóc, giặt đồ… thì ba trăm, chỉ tới chăm sóc mà không giặt giũ thì hai trăm.
-AnhTrung

Theo ông Trung, chuyện nuôi bệnh thuê và nghề nuôi bệnh thuê hiện nay đã tràn lan khắp các bệnh viện thành phố. Người nuôi bệnh có đạo đức thì hiếm hoi nhưng kẻ lợi dụng thì nhiều vô kể. Sở dĩ có chuyện như thế bởi vì ngành y tế Việt Nam đang ở giai đoạn khủng hoảng đạo đức trầm trọng, ngay cả các bác sĩ, y tá được đào tạo bài bản, có tri thức mà vẫn còn mè nheo, vòi vĩnh tiền của bệnh nhân thì huống gì những người nuôi bệnh thuê được chăng hay chớ.

Như trường hợp ông gặp là một ví dụ đau lòng, ông bị viêm túi mật, phải đi phẫu thuật ở bệnh viện nhân dân Gia Định, trong lúc các con và vợ ông đang đi du lịch ở Mỹ. Không có người nhà, ông phải thuê một cô nuôi thuê. Cô này lúc đầu thì hiền hòa, dễ mến. Nhưng khi chính thức bắt tay vào công việc, cô đòi hỏi đủ thứ, ngoài khoản tiền 300 ngàn đồng mỗi ngày, cô yêu cầu ông đóng thuế cho các hộ lý thông qua cô và chính cô cũng là người gợi ý ông bỏ phong bì cho các bác sĩ, y tá có liên quan đến ca mổ của ông.

Vì không có người thân, tâm trạng lại buồn bã sau khi mất đi một phần trong cơ thể, sức lực yếu hẳn ra, cộng thêm sự vô cảm của người chăm sóc khiến ông nhiều lần chẳng còn tha thiết sống. Nhưng nghĩ đến vợ và các con ở xa, ông quyết cắn răng chịu đựng để sống cho đến ngày ra viện.

Ông Trung nói rằng người nuôi bệnh thuê rất đông nhưng ông chấp nhận cắn răng chịu đựng bởi vì nếu ngưng hợp đồng với cô này để thuê một cô khác, sẽ rất khó khăn cho ông bởi họ cùng hội cùng thuyền với nhau cả, có thể người nuôi sau sẽ gây khó khăn cho ông nhiều hơn cả người nuôi trước để bỏ ghét. Như vậy chẳng khác nào tiền mất mà tật mang. Cuối cùng, ông quyết định cắn răng chịu đựng.

Xã hội đang ngày càng đông đúc, mọi thứ trở nên phì đại và con người trở nên lẻ loi, cô đơn trước thế giới mình hiện hữu, nhất là khi đối diện vợi bệnh tật, đối diện với các thiết bị y tế cùng với âm thanh của nó cũng như đối diện với bức tường trắng và khoản sân côi cút của bệnh viện… Hơn bao giờ hết, con người cảm nhận ra mình nhỏ nhoi và bất an, và cũng hơn bao giờ hết, người bệnh cần sự chia sẻ, chăm sóc tận tình, ân cần của đồng loại. Thế nhưng, câu chuyện của người nuôi bệnh thuê luôn là một đề tài trắc ẩn!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.