Phố chuyển “màu”…
Phố Tây Bùi Viện, một địa điểm quen thuộc với không chỉ du khách nước ngoài mà còn cả những người trẻ Việt Nam. Con phố nằm ngay giữa trung tâm thành phố, được mệnh danh "phố không ngủ" tràn ngập biển hiệu của các công ty lữ hành, quán bar, nhà hàng, quán nhậu, đồ ăn vỉa hè… trước dịch luôn chật kín người khi đêm đến.
Tuy nhiên, sau bốn tháng giãn cách xã hội, giờ nhiều người không còn nhận ra khu Phố Tây Bùi Viện sầm uất ngày nào, vì giờ đây khu phố đã thay đổi diện mạo hoàn toàn. Những bảng hiệu đèn màu nay được thay bằng những biển hiệu tạm rao bán các loại rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống…
Trao đổi với phóng viên RFA, một ông chủ quán ăn chia sẻ về sự thay đổi này:
“Thời điểm trước thì kinh doanh cho thuê xe máy, sau này dịch bệnh ở nước ngoài, nước ngoài không qua nữa mới chuyển qua mua bán quán ăn, quán nhậu, vừa bán xong thì bị dịch ngưng suốt mới vừa giãn cách bày ra bán trang trải qua ngày chứ chưa biết lời lỗ bao nhiêu. Giờ trước mắt kiếm vừa có ăn cho con, vừa có ăn cho gia đình, vừa có đồ sinh hoạt.
Nói chung khó khăn cái gì thì mình chuyển theo cái đấy, cuộc sống mà, đi theo thời điểm, đi theo môi trường, cứ nhắm làm được gì cứ làm trang trải cuộc sống, còn đối với làm (trong) tình trạng dịch COVID-19 thế này không thể nào đủ tiền đóng tiền mặt bằng, không đủ tiền ăn lấy gì đóng tiền mặt bằng.”
Theo quan sát của chúng tôi, tại đây khá nhiều nhà hàng, quán ăn từ lớn đến nhỏ đều đang thay đổi "hình thức kinh doanh" mà theo như họ chia sẻ là thay đổi để kiếm ăn, trả tiền hỗ trợ nhân viên. Nói với chúng tôi về công việc "trái tay" để thích nghi với thời dịch COVID-19, một quản lý tại nhà hàng trên phố Bùi Viện cho biết:
“Tình hình dịch bệnh thế này thì quán bar, nhà hàng phải đóng cửa hết. Ông chủ bây giờ mới thay sang nghề này được hai tháng nhưng tôi nghĩ khi nào dịch bệnh hết thì ông chủ sẽ quay về ngành quán bar, nhà hàng. Còn bây giờ cứ tạm thời được đến đâu hay đến đấy.”
Cũng theo người quản lý này thì việc chị phải duy trì công việc theo sự thay đổi của ông chủ cũng là vì mong muốn sau dịch sẽ lại được tiếp tục công việc nhà hàng của mình, còn bây giờ chỉ là để kiếm thêm thu nhập. Chị nói tiếp:
“Cũng duy trì được cho nhân viên, để ông chủ trả được phần nào đấy cho nhân viên làm chứ người ta đi làm người ta phải có lương mà giờ ông chủ mà đóng cửa hoài thế này lấy tiền đâu mà trả cho nhân viên? Bắt buộc ông chủ xoay sang cái này gọi là chắc trả tiền lương cho nhân viên chứ để gánh được nơi này tiền nhà hơi khó, bán rau làm gì có tiền trả tiền nhà?”
Vì không muốn cho nhân viên nghỉ việc do nhà hàng, quán bar không thể hoạt động được trong mùa dịch nên nhiều chủ quán bar vẫn nuôi đội ngũ nhân viên trụ cột của mình. Tuy vậy, trải qua hơn bốn tháng không kinh doanh, giờ TP nới lỏng giãn cách, nhiều chủ nhà hàng, quán bar cho nhân viên tự đứng bán rau, củ kiếm sống.
“Quán nhậu mà bà chủ thấy nuôi không nổi nữa giờ cho nhân viên bán kiếm tiền ăn, bán rồi xúm nhau chia nhau ăn.
Sau mấy tháng nằm chèo queo, đói, mấy này làm có tiền ăn, người được mấy chục cũng đỡ chứ ai cho.”
“Nhà hàng, quán bar mà giờ ông chủ bà chủ chuyển qua bán rau tạm thời, khi nào quán bar hoạt động trở lại thì thôi. Giờ cầm chừng lo cho gia đình.
Giờ do khó khăn quá thì bắt buộc phải chuyển ngành, chuyển nghề chứ biết sao giờ. Giờ bán rau, củ, quả, hàng tươi sống của Đà Lạt gửi xuống.
Nói chung là cũng có tiền trang trải cuộc sống, lo cơm nước hàng ngày cho gia đình.”

Đây không chỉ là tình trạng riêng của người tự đứng ra kinh doanh, mà ngay cả những người lao động tại khu phố Tây trước đây cũng phải tự đứng lên tìm một hướng đi khác để kiếm kế mưu sinh:
“Giờ tôi bán ở Bùi Viện này từ hồi đầu dịch tới giờ, nhà hàng đóng cửa hết nên tôi phải đi mưu sinh.
Trước đây tôi làm bên phục vụ nhà hàng, có dịch tôi không trở về làm nữa mới được mớ tiền đem ra bán dưa hấu, bán trái cây lây lất tới giờ.
Tôi không được hỗ trợ, không nhận tiền trợ cấp, không ai cho gì hết, mình xoay sở, tự sống thôi.
Nói chung giờ mình bươn chải cuộc sống mình, tới đâu hay tới đó, đủ ăn thôi, chờ tới khi nào mở cửa lại thì mình đi làm chuyện khác lại.”
Đợt dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam kể từ cuối tháng 4/2021 đã khiến nền kinh tế cả nước nói chung và tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước hình chữ S nói riêng phải chịu những tổn thất nặng nề.
Trong đó, ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế trọng điểm đem lại nguồn thu lớn đã bị ảnh hưởng mạnh do chính phủ Hà Nội phải đóng cửa biên giới để hạn chế sự lây lan SARS-CoV-2.
Cuộc sống “bình thường mới”
Không còn khách nước ngoài lưu trú hay tụ họp mỗi khi đêm đến, phố Tây Bùi Viện nay đã chuyển mình hoàn toàn trong điều kiện ‘bình thường mới’. Lẽ dĩ nhiên, những người kinh doanh tại đây cũng phải thay đổi mỗi ngày cho phù hợp với môi trường mới này, nhưng dường như tương lai phía trước vẫn quá mông lung với họ:
“Cuộc sống bây giờ, sau này không biết thế nào, không biết có bán cái này hay bán quán này, cứ đảo lộn lung tung, thật sự không biết đi hướng nào.”
Tuy vậy, dù Phố Bùi Viện có thay đổi từ khu phố đi bộ sầm uất thành khu buôn bán thực phẩm, đâu đó vẫn luôn có người ủng hộ những người kinh doanh tại đây:
“Tôi ở gần đây nên đến mua ủng hộ mọi người, với lại bây giờ đâu đi siêu thị các thứ được nên đến đây cho nhanh, tiện.”
“Thấy gần ở đây nên tôi đến mua ủng hộ. Tình hình bây giờ ai cũng khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua.”
Được biết, Cục hàng không VN vừa đề nghị chính quyền các địa phương lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa kể từ 10/10/2021. Khoảng 16 địa phương trong số 21 tỉnh/thành có sân bay đã đồng ý với đề nghị trên.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Bộ VH-TT&DL cũng đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trước thông tin này, nhiều người dân TPHCM hy vọng Khu phố Ba Lô-Phố Tây Bùi Viện sẽ lại sớm sáng đèn, sầm uất như xưa…