Miền Trung quay quắt với nắng hạn, thiếu nước ngọt, nước nhiễm mặn

TTVN
2019.07.17
nhiem man Người dân thôn Sơn Trà chờ chính quyền địa phương giải quyết nước sinh hoạt bị nhiễm mặn
RFA

 

PV chúng tôi chọn ghi hình tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vì ở đây, ngoài thiếu nước ngọt do nắng hạn, nguồn nước lại bị nhiễm mặn, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân lao đao…

Có thể do ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất?

Nhiều người dân “đoán” rằng, nguyên nhân nước sinh hoạt nhiễm mặn là do các nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất gây ra khi họ thi công đào đất, làm ảnh hưởng mạch nước ngầm. Trong khi đó, chính quyền địa phương trả lời rằng họ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hiện lãnh đạo huyện chỉ có thể chờ kết luận của các cơ quan liên quan và sẽ có thông báo chính thức đến người dân sớm nhất.

Chờ thông báo nguyên nhân nước nhiễm mặn và chờ cách giải quyết từ địa phương để mang nguồn nước ngọt về lại cho người dân đang là vấn đề đau đáu…

Chị Lộc, một cư dân sinh sống ở thôn Sơn Trà cho biết chị phát hiện nguồn nước sinh hoạt nhà chị bị nhiễm mặn từ hai tháng nay. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng chị phải làm giếng bơm hoặc xin nước ngọt từ các hộ dân khác về nấu ăn. Nhà chị cũng phải bỏ tiền ra mua thêm nước lọc mới đủ dùng cho cả gia đình.

“Đó. Thì nó cực. Đi xin nước về chứ nước đâu. Lấy máy lọc nước mặn xong rồi ví dụ mình rửa xong rồi thì mình rửa lại nước đó cho sạch chứ đâu có nước. Rửa nước mặn xong rồi rửa lại nước máy lọc. Nó cực lắm!”

“Nấu bằng nước bình đó chứ giờ nước này đâu có nấu được.”

Tương tự như hoàn cảnh gia đình chị Lộc, chị Nguyễn Thị Hồng Mếm, cho biết nhà chị ở sát biển nhưng nước sinh hoạt trước đây vẫn bình thường, không có mặn. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, gia đình chị phải khoan giếng mới, nhưng sau đó nước vẫn bị mặn nên giờ để mặc vậy.

“Lúc mình bơm lên nước nó mặn lắm. Bình thường nó đã mặn rồi, chị mới vừa khoan lại cái giếng mới cách tuần sau là nó mặn vậy đó. Phải dùng thôi chứ giờ nước đâu nữa mà dùng”

Những hộ sinh sống gần các nhà máy đóng tàu, nhà máy thép nằm ở Khu Kinh tế Dung Quất nước sinh hoạt bị nhiễm mặn sớm hơn những hộ nằm ở cách xa khu kinh tế Dung Quất.

Không có nước ngọt để dùng, các hộ dân ở thôn Sơn Trà phải mua nước lọc đóng bình về dự trữ và dùng cho việc nấu nướng, ăn uống. Rất tốn kém! Một phụ nữ tên Ngọc chia sẻ:

“Mặn lắm ! Mặn mà uống không nỗi phải đi mua nước bình uống chứ đâu có uống được. Tắm thì nó nổi sần da hết luôn”

Nước uống bị nhiễm mặn nên giờ nhà nào cũng phải mua nước lọc về dùng
Nước uống bị nhiễm mặn nên giờ nhà nào cũng phải mua nước lọc về dùng

Trước đây người dân thôn Sơn Trà chỉ cần sắm máy lọc nước là đủ dùng sinh hoạt gia đình nhưng từ khi nguồn nước bị nhiễm mặn thì máy lọc chỉ sử dụng lọc nước để tắm hoặc giặt giũ chứ không thể uống được.

Anh Huỳnh Ngọc Long, một ngư dân ở thôn Sơn Trà chia sẻ:

“Nói chung nước mặn mình dùng máy lọc, lọc nước để rửa rau với lại nấu ăn, nấu cơm còn nước uống thì mình phải đi mua nước về uống chứ còn nước này máy lọc ra rồi vẫn uống không được. Mặn lắm!”

Chị Hồng Mếm nói, không có nước ngọt nên sinh hoạt gia đình quá khổ sở khi phải gánh thêm chi phí mua nước lọc về uống – đã vất vả giờ vất vả thêm.

“Giờ nấu nướng, ăn cơm phải mua nước lọc bình 10 ngàn vậy đó. Rồi một ngày sử dụng biết bao nhiêu bình nước. 10 ngàn bình mà một ngày phải mấy bình vậy đó. Mình sử dụng trong gia đình mà. Giặt nước mặn một nước rồi mình mới mua bình nước đó, mình đổ vào rồi xả ra. Sống dài như thế này làm sao sống được?”

Trong khi chờ kết luận nguyên nhân nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, nhiều hộ dân ở đây “đinh ninh” rằng nước nhiễm mặn là do nhà máy đóng tàu, nhà máy thép tại Khu Kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động, quá trình thi công đã đào sâu xuống lòng đất, chạm phải mạch nước ngọt và đồng thời hút nước biển vào khiến nồng độ mặn thấm sâu vào nguồn nước. Bà Ngọc phân bua:

“Công ty nó bơm nước vào trong này nữa. Nó chứa nước mặn trong này, trong nhà máy đóng tàu. Nó chứa trong đó rồi bắt đầu nó thấm xuống lòng đất của mình. Còn ngoài biển thì nó cạn, nó thả đất ra làm cạn cửa biển. Còn ở trong đây nó đọng nước lại, sâu lắm như cái biển trong đó rồi bắt đầu nó thấm xuống là mình bị mặn”

Đang chờ thẩm định từ các cấp cao hơn

Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm- công tác tại Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển Việt Nam cho rằng muốn xác định nguyên nhân nguồn nước nhiễm mặn phải đến thực tế mới biết được. Tuy nhiên, ông Diệm cũng nói nguyên nhân nguồn nước thôn Sơn Trà bị nhiễm mặn mà người dân chia sẻ bên trên cũng có cơ sở vì theo ông:

“Nhiễm mặn tức là nó đưa nước mặn vào để dùng vì nó không có đủ nước ngọt, đáng lẽ làm bằng nước ngọt nhưng giờ nó dùng nước mặn. Nước mặn thì nó lại bơm lên trên cao thì nó lại thấm xuống. Khi thấm xuống thì nó đẩy cái nước ấy vào giếng của mình, giếng mình thấp hơn nên bị đẩy xuống”

Do sử dụng nguồn nước nhiễm mặn lâu ngày nên khiến nhiều trẻ nhỏ ở nơi này bị các bệnh về da.

“Ví dụ tắm xong nước mặn, bắt đầu mình xối qua nước đó mà nhiều khi mấy đứa nhỏ nó tắm xong nó làm biếng không xối qua nước lọc là nó nổi ghẻ”- Chị Lộc nói.

“Có. Nó bị viêm da. Nó nổi hột. Mình tắm nước mặn có khi lột da mình, nó rát da luôn. Nó nổi hột hột viêm da hết trơn. Thằng cu nhỏ của chị nó đi học rồi, nó cũng bị viêm da vậy đó, đi khám bảo nó bị viêm da. Chị nghĩ do nguồn nước nên đi mua nước lọc về tắm”- Lời của chị Hồng Mếm.

Trước tình hình khan cạn nguồn nước ngọt, nhiều hộ dân thôn Sơn Trà đã làm đơn gửi lên xã Bình Đông yêu cầu các cấp chính quyền làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm mặn nhưng nhiều tháng trôi qua họ vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.

“Có. Có đưa giấy lên trên địa phương. Chòm xóm chổ này có khoảng mấy chục cái nhà đó, có đưa lên xã tờ giấy để bố trí nước ngọt cho dân có dùng mà nay chưa thấy trả lời.”-Lời của chị Hồng Mếm (4)

Đi tìm câu trả lời cho các hộ dân ở thôn Sơn Trà, chúng tôi liên lạc Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường –Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và phòng Tài nguyên& Môi trường huyện Bình Sơn nhưng cả hai nơi này đều từ chối trả lời phỏng vấn hoặc nói không đủ thẩm quyền phát ngôn.

Chúng tôi liên lạc ông Lý Thọ-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thì được ông Thọ xác nhận: “Hiện tượng ấy là có, có bị nhiễm mặn. Huyện cũng đang đề nghị các cơ quan có chức năng để mà thẩm tra lại vấn đề này khi nào có kết quả chính thức rồi mới công bố.”

“Cái đó toàn bộ dân mình ở vùng ven biển, tức là toàn bộ nước mặn. Họ ở ven biển đương nhiên là nước mặn rồi. Còn nguyên nhân do đổ cát lên mặt bằng nhà máy đóng tàu đó có ảnh hưởng gì đến việc nước nhiễm mặn hay không cũng đang lập báo cáo đề nghị các cơ quan thẩm định về chuyên môn vấn đề đó.”

Ông Thọ cho rằng nếu đúng là các công ty nạo vét gây nhiễm mặn nguồn nước thì đơn vị nào gây ra phải chịu trách nhiệm. Còn chuyện giải quyết nước ngọt cho bà con thì ông ấp úng: “Chỗ nước ngọt mới họp hôm qua, hôm kia gì đó đang giải quyết cho người dân rồi. Còn người dân phản ánh chuyện đó thì chưa rõ, chính thức cơ quan nhà nước thì hiện nay đang đề nghị mà”-ông Thọ nói.

Dự báo tình hình nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 8 và có khả năng năm nay nhiệt độ trong mùa khô sẽ cao kỷ lục, do đó không chỉ miền Trung mà miền Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng sẽ gặp tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt. Để giải quyết vấn đề căn cơ này không chỉ cần các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, giải quyết khó khăn cho người dân tại địa phương mà đòi hỏi phải có sự chuyển động/chỉ đạo mạnh từ Chính phủ để không chỉ giúp các huyện ở miền Trung có nước ngọt sinh hoạt mà cả các quận, huyện miền núi, đồng bằng đều có nước sạch để uống, nước sinh hoạt hàng ngày và cả nước tưới cho vụ mùa Hè-Thu trong mùa khô năm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.