Hà Tĩnh sau cơn bạo động
2014.05.20

Kể từ sau cơn bạo động vào gần nửa đêm ngày 14 tháng 5 năm 2014 tại cụm cảng công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, đến nay, đời sống của người dân nơi đây vẫn chưa hết đảo lộn và tình hình rối rắm, khủng hoảng, bạo động rất có thể tái phát bất kì giờ nào. Nếu như bạo động ngày 14 là sự bốc đồng của đám đông bởi nghe theo lời xúi giục và kích động của một số kẻ cầm đầu thì bạo động tiềm ẩn sắp tới lại mang tính chất trả thù, phòng vệ cực đoan.
Không khí ảm đạm, bất an
Khi chúng tôi đến Vũng Áng, dường như mọi sự đã trả về trạng thái bính thường theo nghĩa bề ngoài. Các chốt dân phòng, công an và cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc ở quanh cụm Vũng Áng. Tuy nhiên, đời sống của người dân thì hoàn toàn khác so với trước đó, mới 8 giờ tối, người ta đã đóng chặt cửa, tắt đèn, nhà nào có cổng thì khóa sớm hơn, chừng 6 giờ chiều đã kín cổng cao tường, không có ai giao du với nhau nữa.
Một công nhân trong khu công nghiệp Vũng Áng, tên Huỳnh, chia sẻ: “Cái vụ lộn xộn vừa rồi là do một số người quá khích, một số người không hiểu, nghĩ là yêu nước là đánh lộn với người Trung Quốc do người Trung Quốc đang tranh chấp ngoài đảo, nghĩ là nhà nước mình cho phép nên họ làm lộn xộn thế. Còn giờ công an tỉnh, bộ họ về họ đóng ở đây nên tình hình an ninh đã ổn định rồi. Tuần sau là bình thường trở lại rồi, như mấy vụ trước đây bạo loạn tháng 11 (?) họ còn dẹp được huống gì vụ này, nhỏ lẻ ấy mà. Nhà nước mình đang tập trung vào khu an toàn và bảo vệ người Trung Quốc rồi, người Việt Nam cũng chăm sóc cho họ về y tế, mọi vấn đề rất tốt rồi. Họ chưa xuất hiện ngoài này, họ xuất hiện ngoài…”
Theo anh Huỳnh, hiện tại, vấn đề an ninh ở Vũng Áng khá an toàn vì có rất nhiều công an, dân phòng, cảnh sát cơ động và công an đặc vụ của Bộ công an từ Hà Nội vào đây theo dõi tình hình, tổ chức giữ trật tự. Nhưng điều đó cũng không nói lên được bất kì điều gì. Vì Vũng Áng từng có bạo động trước đây, mức độ cũng không kém lần này nhưng được giấu kín nên không có cơ quan truyền thông nào đưa tin. Và cho dù lần này có công an, cảnh sát túc trực 24/24 chăng nữa cũng chỉ canh giữ được những hành động bên ngoài của con người.
Một số người không hiểu, nghĩ là yêu nước là đánh lộn với người Trung Quốc do người Trung Quốc đang tranh chấp ngoài đảo, nghĩ là nhà nước mình cho phép nên họ làm lộn xộn thế.
-Anh Huỳnh
Trong khi đó, hàng ngàn công nhân Trung Quốc từng là tù nhân bên nước của họ được đưa sang Vũng Áng làm việc luôn là mối đe dọa đối với người dân Hà Tĩnh. Đương nhiên là số đông công nhân người Trung Quốc cũng hiền hòa, cần cù làm ăn và sống lương thiện. Nhưng có hơn 30% thành phần bất hảo lẫn lộn trong đó, số này quậy phá ngay cả với công nhân Trung Quốc và trộm cắp, không thể quản lý được.
Con số 30% bất hảo này cũng là thành phần đã nhiều lần kéo ra nhà dân ở quanh Vũng Áng, Kỳ Anh để quậy phá, đập vỡ cửa kính và đánh người trọng thương. Mối hiềm khích giữa người dân địa phương và những kẻ bất hảo này đang ngày càng tăng cao. Anh Huỳnh hy vọng trong số 3000 công nhân vừa được Trung Quốc cho về quê mấy ngày gần đây có cả thành phần bất hảo này nhưng rất tiếc là sáng hôm qua, anh vẫn thấy họ xuất hiện với vẻ mặt hung dữ, bí ẩn.
Và một khi họ còn hiện diện ở Vũng Áng, rất có thể sẽ có những trận sống mái giữa người dân địa phương và số người này. Bởi họ chưa bao giờ chịu để người dân địa phương yên ổn. Mà cũng rất có thể họ chính là đầu mới gây ra bạo động trong đêm 14 vừa qua.
Cũng theo anh Huỳnh, tình hình người lao động Trun g Quốc ở Vũng Áng đang hết sức phức tạp. Những công nhân bị thương trong đêm 14 tháng 5 vừa rồi đang nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh là những người hiền lành, họ chưa từng gây gổ với ai. Còn những kẻ chuyên gây gổ với dân địa phương, chuyên đánh nhau thì vẫn không hề hấn gì và vẫn còn đang làm việc tại Vũng Áng.
Nỗi lo bạo động và tệ nạn xã hội
Một người khác tên Tín, là kỹ sư xây dựng trong khu Vũng Áng, chia sẻ: “Nói chung là tình hình ở đây nó không ổn định lắm đâu! Mấy năm ni tụi Trung Quốc nó khích mấy đứa xì ke, ma túy nó đi đầy đường. Mình đi ra đường buổi tối thì phải cẩn thận chứ giẫm kim rồi nó xin đểu tiền mình. Tụi này nó ghê lắm, nó chích choác, xì ke đầy đường.”
Theo anh Tín, tình hình Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vốn dĩ đã không bình thường từ nhiều năm nay rồi, cụ thể là hơn hai năm trở lại đây, nhiều người Trung quốc đã rủ rê thanh niên Hà Tĩnh vào con đường nghiện ngập, nợ nần và cuối cùng phải mang sổ đỏ nhà đất đi cầm cố, thế chấp cho họ rồi sau đó làm con thiêu thân vận chuyển ma túy cho họ.
Nếu nói về mức độ tệ nạn xã hội ở Hà Tĩnh, có lẽ phải đưa nó lên thang báo động đỏ, thang cao nhất. Vì đa phần thanh niên con nhà giàu, nhà khá giả và nhà có chức quyền ở Hà Tĩnh đều chơi bời, giao du với người Trung Quốc. Trong đó không ít thanh niên cố gắng thể hiện đẳng cấp của mình bằng việc chích choác, vung tiền qua cửa sổ ở các sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ.
Và hậu quả của việc này là tháng 10 năm 2013, có một thanh niên đã lao đầu vào xe, để lại bức huyết thư cho cha mẹ với nội dung là anh đã hối cải và nhận ra rằng mình đã lún quá sâu vào tội lỗi vì bị người nước ngoài sập bẫy.
Nói chung là tình hình ở đây nó không ổn định lắm đâu! Mấy năm ni tụi Trung Quốc nó khích mấy đứa xì ke, ma túy nó đi đầy đường.
-Anh Tín
Những người bạn Trung Quốc đã kéo anh vào con đường xì ke, ma túy, anh đã ăn cắp tiền của gia đình, bán đứng danh dự gia đình và đặc biệt là đã thế chấp sổ nhà đất của cha mẹ để ăn tiêu nhưng vẫn phải lâm nợ với chủ sóng bạc Trung Quốc. Cuối cùng, không thể thoát ra khỏi bế tắc, anh quyết định chọn cái chết để kết thúc mọi hệ lụy. Rất tiếc là anh tưởng thế nhưng trên thực tế, cha mẹ anh cũng phải còng lưng chuộc lại sổ đỏ với số tiền hàng tỉ đồng và mất một đứa con thân yêu.
Theo anh Tín, người Trung Quốc cũng có nhiều hạng, những lao động nghèo làm ăn chân chất, hiền lành, suốt ngày chỉ lo làm việc để có tiền gởi về giúp gia đình. Đây là con số đông nhưng lại ít giao du với bên ngoài, họ như những con kiến thợ ngày đêm tha mồi và làm việc quần quật. Số còn lại là những kẻ có tiền, gian manh và léo hánh, chúng thông đồng với giới quyền thế địa phương, tạo riêng cho mình một thế lực để rồi nhân rộng nó ra, các thành phần bất hảo bên Trung Quốc được chúng đưa sang Việt Nam để làm lâu la, tay chân.
Và khi có đủ thế lực, chúng quay sang thao túng cả giới chức địa phương, biến một số quan chức người Việt trở thành tay sai của mình. Và những con bạch tuộc nguy hiểm ra đời, thò vòi mỗi lúc càng sâu vào những vùng quê hiền hòa của Việt Nam. Người Việt trở nên bất an, khốn đốn vì những kẻ này.
Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của người địa phương Vũng Áng là sự trả thù ngấm ngầm của người Trung Quốc. Đặc biệt, nếu như trên biển, kẻ xâm lăng Trung Quốc lấn lướt, chiếm đoạt trái phép phần biển Việt Nam bao nhiêu thì trong đất liền, hành động xâm lăng ấy càng nổi trội gấp nhiều lần!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.