Trung thu nào cho trẻ vô gia cư?

TTVN
2018.09.21
Trung thu nào cho trẻ vô gia cư? Trung thu nào cho trẻ vô gia cư?
RFA

Nếu trung thu của trẻ em thành phố tưng bừng tiếng trống, tiếng lân, các chương trình thiếu nhi hoặc hát hò đoàn đội, với bánh hiệu, đồ chơi, quà của ông bà, cha mẹ… thì trung thu với trẻ em nông thôn sẽ rộn ràng với những con lân tự dán, những cái bánh rẻ tiền mẹ mua. Trung thu của trẻ em miền núi lại đến trong vài gói kẹo chanh trộn lẫn một ít kẹo, bánh Trung Quốc được các cô các thầy phát ở sân trường hoặc các thôn, xã phát về nhà theo chỉ tiêu nhà nước. Thế nhưng còn có một góc khuất khác chẳng bao giờ biết trung thu là gì, mặc dù trung thu đang diễn ra khắp nơi, ngoài phố, trong ngõ nơi các em cùng cha mẹ, ông bà hoặc đôi khi một mình tá túc qua ngày trên những vỉa hè đầy gió, những gầm cầu đầy sương, trung thu của những trẻ vô gia cư chẳng bao giờ đến!

Ước mơ của một đứa trẻ

Ngày mới bắt đầu, những người vô gia cư lại tất bật kiếm cơm khắp mọi ngã Sài Gòn. Họ đến đây từ nhiều nơi và làm nhiều nghề để kiếm sống, từ đạp xích lô, xe thồ, bán vé số đến lượm ve chai, tìm việc vặt… nhưng họ có chung một điểm đó là: Không nhà.

Thế nhưng còn có một góc khuất khác chẳng bao giờ biết trung thu là gì, mặc dù trung thu đang diễn ra khắp nơi, ngoài phố, trong ngõ nơi các em cùng cha mẹ, ông bà hoặc đôi khi một mình tá túc qua ngày trên những vỉa hè đầy gió, những gầm cầu đầy sương, trung thu của những trẻ vô gia cư chẳng bao giờ đến!
-TTVN

Chia sẻ về những người vô gia cư ở quanh khu vực quận 1, chị Nguyễn Thùy Trang, một người bán rau củ quả cho hay: “Vòng vòng ở đây nè, như người ta có đi chợ người ta cho vài ngàn hoặc từ thiện thỉnh thoảng họ cho hộp cơm, cháo, bánh mì… lâu lâu cũng thấy đoàn phường họ mang về phường mà không biết sao….”

Bà Lý Thu Thủy, cư dân thành phố Sài Gòn chia sẻ: “Giờ ngủ ngoài đường vậy đâu có nhà có cửa, rồi không có nhà có cửa vậy họ biết thế nào, thì tấp vào mái hiên hoặc sao đó ngủ thôi chứ cuộc sống không có nhà biết đi đâu. Giờ cướp giật đầy người ta cũng sợ, không xin vào nhà ai ngủ được đâu, giờ tự mình phải lo cho mình thôi.”

Chị Trang và bà Thủy chia sẻ thêm rằng mặc dù cũng phải vất vả kiếm cơm hằng ngày nhưng họ rất cảm thông với những người vô gia cư ở thành phố này, nhất là những người lượm ve chai. Bởi nếu như với một xe rau củ, đứng từ sáng tới chiều, những người buôn bán như họ có khi kiếm được vài trăm nghìn đồng thì những người lượm ve chai nhiều khi cả ngày kiếm được chưa tới năm chục ngàn, đó là chưa nói tới việc con cái, cháu chắt của họ không được đến trường, đa phần họ tá túc qua đêm ở nhờ những mái hiên nhà, hoặc có người ngủ ngay trên xe xích lô, hoặc trải những tấm carton nhặt được ra để ngủ.

Chị Trang chia sẻ rằng mùa trung thu trước, chị từng nói chuyện với một bé gái theo bà đi bán vé số, khi nghe chị hỏi nó có ước mơ gì, nó tròn xoe mắt bảo muốn có một cái bánh trung thu để nếu được về quê nó sẽ khoe với bạn đã thấy trung thu ở thành phố, rằng ở đây có những con lân chớp nháy mắt sáng, những tiệm bánh với tấp nập người ra vào, những chương trình mừng trung thu hoành tráng với băng rôn giới thiệu treo đầy đường. Chị hỏi sao phải vậy, nó bảo vì nó không muốn các bạn ở quê biết nó phải ngủ ngoài đường cùng với bà, bởi nếu vậy các bạn sẽ trêu nó và không còn chơi với nó nữa và bởi lẽ nó chắc chắn những bạn đó cũng như nó, chưa biết vị bánh trung thu là gì nên các bạn sẽ nể nó hơn khi nó mang bánh về cho các bạn. Nó bảo nó còn có một ước mơ to hơn nữa mà nó biết rất khó để thực hiện, đó là có một ngôi nhà để bà cháu nó che mưa che nắng, để bà cháu nó khỏi giật mình chạy nữa đêm vì bị mưa tạt lúc ngủ dưới mái hiên nhà người ta.

Lồng đèn-món đồ chơi trong mơ của  trẻ vô gia cư
Lồng đèn-món đồ chơi trong mơ của trẻ vô gia cư
RFA

Nghe những lời lí nhí của con bé xong, chị không cầm được nước mắt và ngay hôm sau, chị đã mua một chiếc bánh trung thu nhỏ với giá 30 ngàn đồng mang tặng cho con bé. Nhưng mặt nó không vui mừng như chị nghĩ, nó cảm ơn chị rồi cầm chiếc bánh rồi chạy nhanh về phía công viên. Sau này hỏi ra chị mới biết, dạo đó bà con bé bị bệnh nặng, và từ mùa trung thu đó, mãi đến nay, chị không còn thấy hai bà cháu dạo bán vé số quanh khu vực chị bán nữa.

Và trung thu…

Chia sẻ về cảnh ngộ của mình, bà Nguyễn Việt Hường, một người vô gia cư ở Sài Gòn chia sẻ: “Đi lượm ve chai này rất vô chừng, cơm nhiều khi từ thiện người ta cho, cũng đỡ phần nào…”

Theo bà Hường, với việc hằng ngày theo bà đi lượm ve chai khắp các con phố, đứa cháu nhỏ của bà không biết cái chữ là gì. Thi thoảng, đi qua các ngã tư vào sáng sớm, nhìn các bạn khác được ba mẹ chở đi học, nó cũng muốn lắm, nhưng bà bảo giờ tiền ăn còn chạy từng bữa lấy đâu ra tiền học, mà nếu bà có để dành được tiền học thì cũng không thể xin cho cháu vào trường nào vì bà không có hộ khẩu ở thành phố mà nếu xin vào trường tư thì lấy đâu ra tiền?

Câu chuyện của bà Hường cứ quẩn quanh những mảnh đời như bà, nào là hôm rồi có được một nhóm từ thiện tìm đến cho bà mấy hộp cơm, có nhóm còn cho bà mấy chục ngàn. Rồi thì chuyện ông xe ôm ngủ gần vỉa hè đường Bùi Thị Xuân mà bà vẫn thường ngủ vừa đăng ký xin được một xuất kẹo trung thu cho cháu bà, chuyện một người ăn xin trốn thoát được khỏi trung tâm xã hội vì bảo nhớ nghề… nhưng bà không giấu nổi vui mừng vì trung thu này, cháu bà có kẹo trung thu!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.