Sống chung với bãi rác ô nhiễm, dân Núi Thành kêu cứu

RFA
2019.08.19
bai rac Bãi rác bốc mùi hôi thối khiến người dân ở xã Tam Xuân chịu không nổi
Photo: RFA

Tổn hại sức khỏe vì bãi rác ô nhiễm

Thời điểm chúng tôi có mặt tại Khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (gọi chung là bãi rác Tam Xuân 2) thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để ghi nhận tình hình thực tế thì xuất hiện những thanh niên mặc thường phục đeo bám, kiểm tra máy quay khiến việc tác nghiệp của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được một số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bãi rác.

Bãi rác nằm giáp ranh giữa hai thôn Bích Nam và Bích Sơn, do đó hàng ngàn hộ dân 2 thôn này đều bị ảnh hưởng do nước thải từ bãi rác chạy ra khiến nguồn nước đen đục và bốc mùi hôi thối. Theo chia sẻ của đại đa số bà con, từ nhiều năm qua, cao điểm là vào khoảng 5h chiều cho đến tận sáng hôm sau, mùi hôi thối càng kinh khủng hơn, nhất là khi lượng xe chở rác tập kết rác tại bãi.

Do địa phương không có hướng xử lý, nên mấy tháng gần đây, người dân ở hai thôn Bích Nam và Bích Sơn không thể chịu đựng thêm với ô nhiễm từ mùi hôi bốc lên tại khu vực bãi rác nên họ đã dựng lều, thay phiên nhau canh 24/24, ngăn chặn không cho xe chở rác thải vào bãi đổ.

Chị Trần Thị Ánh, cư dân sinh sống ở thôn Bích Nam cho biết, từ 5h chiều là các hộ dân phải đóng chặt cửa cho đến một, hai giờ sáng hôm sau. Ban đêm nhiều lúc không ai thở nổi, nhất là con nít.

“Nói đúng ra là bà con mình ở đây bị ảnh hưởng mùi thối kinh lắm. Tối lại thối quá chịu không nổi, cỡ 5h chiều là bắt đầu coi như ở trên kia xuống là không chịu nổi luôn. Nhà tôi tối lại đóng cửa kỹ chứ chịu không nổi.”

Tương tự, bà Luôn cũng cho biết mùi hôi thối từ bãi rác đã “tấn công” khu dân cư.

“Cái hố rác này nó ảnh hưởng cả cái thôn này. Coi như đến 5h chiều là bắt đầu gió nó thối, ở trong nhà nó khuất mà ra ngoài đồng thì thối chịu không nổi y như gà chết, heo chết…”

Ông Nguyễn Quang (thôn Bích Nam) nói với chúng tôi từ khoảng 2 năm nay, mùi hôi càng lúc càng nặng, khiến cuộc sống của bà con quanh khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều lúc không thể ăn cơm được…

“Ăn cơm, ăn đồ với đám giỗ, đám cổ là họ chịu không nổi. Họ đang ăn là nó hôi quá là chạy trốn thôi. Nó hôi mà răng ăn được, chỉ bịt cái mũi lại chứ là răng mà ăn. Nó bay thối quá !”

Còn lúc ngủ thì bà con phải trùm khẩu trang, chị Ánh bức xúc nói.

“Bà con mình tối lại ngủ không được, nhiều người họ phải trùm cái khẩu trang lại. Thối chịu không nổi với ảnh hưởng nên dân mình mới làm như rứa (tập trung chặn xe rác) chứ không ảnh hưởng thì nói thật cũng không làm như vậy đâu.”

Cũng theo bà con ở đây, trong quá trình ngăn chặn xe rác vào bãi, họ đã phát hiện nhiều xe chở không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn có cả rác thải y tế. Điểm đáng lưu ý, cạnh bãi rác là kênh thủy lợi từ hồ Phú Ninh dẫn nước về, nước kênh trong vắt nhưng khi nước rác từ bãi đổ chảy vào kênh khiến nguồn nước đen ngòm, cá chết. Nước ô nhiễm cũng khiến những đồng lúa của bà con khi thu hoạch bị thiệt hại như hạt lúa bị đen, hư hỏng.

“Khi mà trời mưa là nước đọng không được là nó chảy thẳng theo đường mương ruộng đồng là bò trâu ngứa chân, với lại nó ra cái chất ấy là ruộng hư hết một số”- Lời của ông Quang.

Nước bãi rác chảy xuống kênh khiến dòng kênh ô nhiễm
Nước bãi rác chảy xuống kênh khiến dòng kênh ô nhiễm

Chị Ánh, một người dân trong thôn cho biết thêm, có hôm đứa con trai của chị lội xuống mương chích cá, khi về da bị dị ứng nổi ngứa. Lúc đầu chị Ánh tưởng con mình ở bẩn nhưng sau đó chị phát hiện là do nguồn nước ở mương bị ô nhiễm.

“Ở đây nói thiệt ra thì bệnh tật, ở đây tôi thấy nhiều người cũng mắc bệnh ung thư nhiều rồi đó nghe. Chứ không phải giỡn đâu, thối quá chịu răng cho nổi”–Lời của chị Ánh.

Nước thải của bãi rác còn xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt của bà con, nhiều giếng nước của bà con cũng bị đen đục, họ phải đi mua nước bình về dùng.

“Nước mương về là nước giếng có, mà nước mương không về là nước giếng không có coi như vào hết nước giếng uống. Chừ nước ở đâu, không lẽ đi mua ở đâu? Mua thì mua nước bình uống thôi chứ còn giặt giũ hay là nấu cơm nấu đồ không lẽ dùng nước bình hết thì tiền ở đâu chịu cho nổi”- Bà Luôn nói.

Chính quyền lại hứa –dân tiếp tục chờ…

Bà con lo lắng đời mình chẳng còn sống bao lâu nhưng đời con cháu thì còn dài mà với tình hình nguồn nước bị ô nhiễm như vậy thì sẽ sống ra sao? Mặc khác, không rõ từ nguồn thông tin nào mà bà con cho biết là nghe đâu sắp tới bãi rác Tam Xuân 2 này sẽ mở rộng thêm. Điều này càng khiến bà con thêm lo lắng, mức độ ô nhiễm hẳn không dừng ở một, hai thôn mà sẽ lan ra toàn xã. Vì vậy, bà con càng quyết tâm bám trụ canh chừng, ngăn chặn không cho xe chở rác vào bãi. Ông Quang chia sẻ:

“Họ sợ là sẽ mở rộng, ô nhiễm môi trường cả hai thôn này và sắp tới sẽ đẩy luôn xuống dưới kia là cả xã Tam Xuân 2 là nguy hiểm. Cho nên dân họ không cho thôi.”

Trước bức xúc và lo lắng của bà con ở các thôn thuộc xã Tam Xuân 2, chúng tôi liên lạc ông Trần Thanh Hà-Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam để hỏi về tình hình ô nhiễm bãi rác và hướng giải quyết của các cơ quan chức năng, ông nói: “Có rồi. Có rồi, có ghi nhận ý kiến sáng nay (15/8/2019) cho đi lấy mẫu và đang tập trung giải quyết.”

Về phía người dân, bà con cho biết đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm của bãi rác Tam Xuân 2 lên cơ quan chức năng địa phương. Thế nhưng…nhiều năm trôi qua, bãi rác ô nhiễm vẫn trơ ra đó – ngày càng ô nhiễm.

“Thì nói miết mà địa phương cứ kêu để ở trên xử lý, xử lý gì mà càng ngày nó càng thối hung. Thối chịu không nổi”-Lời của bà Luôn.

Chúng tôi được biết thêm, trước đây chính quyền địa phương chỉ thông báo cho bà con biết là xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ nhưng nhà máy không thấy đâu chỉ thấy bãi rác ra đời và tồn tại nhiều năm qua.

Với thực trạng như trên, ông Trần Thanh Hà cho biết: Cái này anh đùng đùng hỏi tôi làm sao tôi nói được. Chiều hôm qua (14/8/2019) anh Thanh (Lê Trí Thanh)–Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã có trả lời với báo rồi và chiều mai (16/8/2019) thì Tỉnh tổ chức họp báo. Cho nên thôi, nội dung này tỉnh đã phân công anh em tiếp cận, khắc phục”

Hiện tại, bà con ở xã Tam Xuân 2 vẫn tiếp tục bám trụ, ngăn không cho xe chở rác thải vào bãi rác. Đồng thời bà con mong muốn cơ quan chức năng cho dừng việc đổ rác ở bãi rác, di dời bãi rác hoặc có công nghệ tốt nhất xử lý rác thải, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, để bà con có thể có một môi trường sống trong sạch, lành mạnh hơn.

Trong một trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 12/8/2019, lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam (đơn vị quản lý khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2) cho biết đã cùng chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với người dân. Phía đại diện công ty cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ như điều động thêm công nhân, cán bộ xử lý rác thải để xử lý mùi hôi từ bãi rác, phân công lãnh đạo tổ chức giám sát triệt để trong thời gian xử lý, trang bị thêm máy bơm hóa chất xử lý mùi hôi, lấp đất đầy đủ…Hiện công ty đã yêu cầu nhân viên dùng tấm bạt HDPE phủ kín hết diện tích của bãi rác, phun chế phẩm sinh học để khử mùi.

Xin được nói thêm, cùng vào thời gian chúng tôi ghi hình tại bãi rác Tam Xuân 2, tỉnh Quảng Nam thì bà con thôn Đại An (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) do lo sợ lò đốt rác địa phương được cơ quan chức năng cho xây dựng trên thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt cuộc sống của người dân nên bà con cũng đã dựng lều trại, giăng biểu ngữ phản đối.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.