Sen chết hàng loạt - Người trồng sen ở Huế hoang mang…

TTVN
2019.07.16
dam sen Nhiều đầm sen ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế chết do ô nhiễm lay lan trong lúc truyền nước tưới
Courtesy of Thua Thien Hue News

Nếu như cây thanh trà được coi là một đặc sản của Thừa Thiên Huế được công nhận là 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam thì những năm gần đây, thêm một loại sản phẩm “đậm chất” Huế cũng được lãnh đạo tỉnh đầu tư, xây dựng trở thành sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế, đó là sen. Trong một chuyến kiểm tra mô hình trồng sen tại Phong Điền vào giữa tháng 3/2019, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng mong muốn sớm tìm lại giống sen gốc của Huế và từng bước hình thành thương hiệu sen Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên khoảng hơn một tháng qua, không rõ vì nguyên do gì mà sen nơi đây chết hàng loạt khiến người trồng sen lao đao, lo lắng ...

Sen chết - thu nhập lỗ

Được sự giới thiệu của bà con, trước khi đến đầm sen của gia đình ông Qúy ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, chúng tôi có dịp ghé qua những đầm sen ở thôn Phò Ninh, xã Phong An cũng ở huyện Phong Điền. Tại đây bà con chia sẻ, không hiểu sao sen chết hàng loạt bởi các triệu chứng như lá vàng, thối thân, thối cuống, sen lớn không nổi và lá cháy úa do thời tiết khô hạn kéo dài. Hiện tại bà con đã dọn dẹp, nhổ bỏ phần lớn sen chết để chuẩn bị gieo trồng vụ mới.

Mặc dù có kinh nghiệm trồng sen từ nhiều năm, đây là năm đầu tiên gia đình ông Qúy chứng kiến cảnh sen trong đầm chết hơn một nữa không rõ nguyên nhân. Vợ ông Qúy chia sẻ năm nay thu hoạch sen của gia đình thiệt hại một nữa so với năm ngoái.

“Chỉ năm nay mất mùa. Khi trồng cũng khó nữa. Khi trồng chết lên chết xuống rồi trồng đi trồng lại tốn rất nhiều tiền.”

“Ví dụ năm ngoái mình thu được một tấn thì năm nay mình thu khoảng năm tạ thôi. Thua cả một nữa lận.”

"Ví dụ năm ngoài thu được một tấn thì năm nay thu khoảng năm tạ thôi"- Người dân địa phương chia sẻ

Không chỉ ở các xã Phong An, Phong Sơn mà ở các xã lân cận như Phong Xuân, Phong Hiền cũng có hiện tượng sen chết hàng loạt. Một phụ nữ sinh sống tại thôn Cao Ban thuộc xã Phong Hiền, chia sẻ với chúng tôi rằng gia đình chị không bỏ vốn trồng sen nhưng thấy tình hình sen chết hàng loạt chị cũng cảm thấy đau lòng. Chỉ tay về phía đầm nước trước mặt, chị cho chúng tôi biết đây vốn là một đầm sen lớn của xã Phong Hiền nhưng hai năm nay sen trồng tại đầm không sống nổi rồi chị nói:

“Chết hết rồi. Khi tê cả đồng này với đó nữa. Chết hết đó. Hồi đầu họ múc hồ lên, họ sợ nên múc hồ lên hết, lấy máy đánh lui đánh tới cuối cùng họ trồng lại cũng đâu có lên.”

Theo nguồn tin của TTXVN, hiện toàn huyện Phong Điền có 317 ha sen được trồng tại 15 xã, thị trấn. Tính đến thời điểm nữa cuối tháng 6/2019, toàn huyện đã có hơn 100 ha sen bị chết ước chừng thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó diện tích sen chết tập trung nhiều nhất ở xã Phong Sơn (51 ha), Phong Hiền gần 40 ha…

Trong một trả lời trên TTXVN, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết nguyên nhân ban đầu tình trạng sen chết hàng loạt tại địa phương được xác định là do thời tiết nắng nóng gay gắt, ô nhiễm môi trường sống và sen chết còn có thể do bệnh thán thư.

Tuy nhiên khi tiếp xúc với những hộ trồng sen tại đây, chúng tôi còn được họ cho biết sen chết do:

“Bị sâu, bị chuột phá, chuột phá nhiều lắm, phần mất mùa do sâu ăn, phần chuột, phần bị người bẻ trộm. Nói chung năm nay thất thoát nhiều, thua hồi năm ngoái.”-Bà Qúy nói.

Bà Qúy cũng xác định nguồn nước bị ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến sen chết hàng loạt.

“Có chứ. Nhiều chỗ bị ô nhiễm nó cũng chết. Nó chết trồng đi trồng lại mấy lần cũng không được.”

Mong ngày mai tươi sáng

Nhiều bà con trồng sen ở Phong Điền chia sẻ, thông thường vào tháng Giêng, tháng Hai bà con bắt đầu nhổ cỏ, gieo giống, đến tháng Ba, tháng Tư là sen lên, một khi sen sống thì lớn lên rất nhanh nên vào dịp rằm tháng Tư là bà con đã có sen cung ứng cho thị trường. Cũng theo chia sẻ của bà con huyện Phong Điền, giống sen mà bà con trồng chủ yếu là giống sen hồng. Loại sen này có thể thu hoạch cả hạt và bông. Gía hạt sen thường xuyên, nếu cuối mùa giá sen sẽ cao hơn đầu mùa. Bà Qúy cho biết:

“Chừ là 40.000VND, 50.000VND/kg, hết mùa rồi là 50.000VND/kg còn bình thường thì hăm mấy hoặc 30.000VND/Kg. Khi tê mình hái cả tạ giờ mình hái còn hai, ba chục kg nên chi giá thành phải cao hơn.”.

Với giá hạt sen chưa bóc vỏ từ 30.000-50.000VND/Kg, trung bình một ha sen, người trồng sen có thể thu được hàng chục triệu đồng cho đến trăm triệu đồng, trừ hết các chi phí thì vẫn còn cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa.

Một phụ nữ ở thôn Cao Ban nói thêm về kinh tế khi các hộ dân ở đây thay đổi từ trồng lúa sang trồng sen

“Nhiều chứ. Nhiều hơn nhiều chứ nên họ bắt buộc mới làm chứ nếu không có thì lấy gì họ làm. Một kilogam sen, sen trúng mùa thì 28.000VND/kg vẫn có ăn, giàu. Họ làm tiền trăm (trăm triệu VND) còn nếu như sen bữa ni, dù có mất mùa thì sen cũng từ 40.000-45.000VND/Kg.”

Nếu tiết trời bình thường, không hạn hán hay lũ lụt, sen phát triển ổn định thì người trồng sen tại Thừa Thiên Huế có thể thu hoạch quanh năm suốt tháng. Còn trồng lúa thì phải làm theo mùa vụ. Do đó nhiều năm nay, các hộ nông dân ở huyện Phong Điền chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen.

Đây là đất trồng lúa không được. Đất bàu nên lúa bị ngập úng, trồng sen thì được hơn lúa nhưng do năm nay mất mùa -Bà Quý cho biết

“Đây là đất trồng lúa không được. Đất bàu nên lúa bị ngập, úng. Trồng sen thì được hơn lúa nhưng do năm nay mất mùa.”-Lời của bà Qúy.

Tuy viêc thu hoạch sen năm nay của gia đình bị thiệt hại nhiều nhưng vẫn còn sen để bán nên gia đình bà Qúy không lo lắng nhiều như các hộ khác.

Chúng tôi liên lạc với bà Trần Thị Diệu Minh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền để tìm hiểu thêm thông tin hiện tượng sen chết hàng loạt tại địa phương. Tuy nhiên, bà Minh cho biết hiện tại bà đang còn thời gian nằm viện nhưng bà cũng thanh minh thêm, hiện tượng sen chết hàng loạt tại địa phương là lâu lắm rồi, từ đầu vụ chứ không phải mới đây. Bà cũng nhắn nhủ, bên quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp để cứu sen.

Được biết, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 500 ha sen nhưng đến thời điểm này đã có hơn 100ha sen chết héo đầm, thiệt hại hàng tỷ đồng khiến không chỉ người trồng sen lo lắng mất ăn mất ngủ mà còn khiến dự tính phát triển nghề trồng sen, đưa sen trở thành sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của lãnh đạo tỉnh khó thành hiện thực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.