Thất nghiệp, sinh viên trường y xin nuôi bệnh thuê

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014.07.14
Ngồi vật vạ cùng người nhà bệnh nhân để chờ các khoa mở cửa vào chăm sóc bệnh nhân.... Ngồi vật vạ cùng người nhà bệnh nhân để chờ các khoa mở cửa vào chăm sóc bệnh nhân....
RFA

Mùa hè đến, đa phần sinh viên về quê nghỉ ngơi để chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện vip, nơi có các quan chức và giới nhà giàu nằm dưỡng bệnh, một số sinh viên trường y đã chọn việc ở lại chăm sóc bệnh nhân để kiếm tiền phụ giúp gia đình, tích lũy cho năm học mới và dành dụm cho đến lúc ra trường có cái để bôi trơn những bộ hồ sơ xin việc. Ở bệnh viện C Đà Nẵng, nhóm các sinh viên trường Trung cấp Y Đà Nẵng đi chăm bệnh thuê có lúc lên đến vài chục người. Những ngày cao điểm, có thể con số này ngót nghét trăm người.

Nhờ vào những quan chức thiên tài

Một sinh viên tên Nguyên, đã tốt nghiệp hệ trung cấp y, nghĩa là trở thành một y tá điều dưỡng khi vào nghề nhưng cô đã thất nghiệp ba năm nay, chia sẻ:“Phòng em ở có 5 đứa cũng học ngành y giống em  nhưng chưa có đứa nào có việc cả. Ngày xưa em đi học thì đi làm thêm, em trông bà mẹ của một cô làm bên sở nhà đất, hai năm sau thì mẹ của cô này mất, cô có mấy người bạn nhờ trông nên nhờ trông vậy đó, xong rồi cứ thế biết biết rồi trông miết luôn. Tụi em cũng mong có một chỗ làm ổn định lắm chứ nhưng nộp hồ sơ miết mà họ không gọi.”

Theo Nguyên, vấn đề sinh viên tốt nghiệp, ra trường bị thất nghiệp là một vấn đề hết sức thời sự tại Việt Nam và đây cũng là căn bệnh vô phương cứu chữa. Muốn có việc làm, việc đầu tiên là tự hỏi tiền đâu. Khi trả lời được câu hỏi tiền đâu xong, lúc ấy hẳn vác đơn đi xin việc. Bởi vì các tấm bằng đại học còn thất nghiệp đầy rẫy ra đấy thì nghĩa lý gì tấm bằng trung cấp như Nguyên.

Nguyên lắc đầu chua chát nói thêm rằng tấm bằng đại học, cao đẳng và trung cấp ở Việt Nam chỉ có giá trị ngang với cái vé vào cổng bất kì cơ quan nào. Mà đã là vé thì ai có tiền nhiều, có quyền nhiều sẽ tự biết sẽ trang bị cho họ loại vé nào, vé gì. Và chỉ có ở Việt Nam mới có những cán bộ thiên tài, không có xứ nào có được những cán bộ thiên tài giống như Việt Nam.

Phòng em ở có 5 đứa cũng học ngành y giống em nhưng chưa có đứa nào có việc cả. Ngày xưa em đi học thì đi làm thêm, em trông bà mẹ của một cô làm bên sở nhà đất, hai năm sau thì mẹ của cô này mất, cô có mấy người bạn nhờ trông nên nhờ trông vậy đó, xong rồi cứ thế biết biết rồi trông miết luôn

Một sinh viên tên Nguyên

Để chứng mình thêm cho luận điểm về cán bộ thiên tài của mình, Nguyên đưa ra hàng loạt cái tên cán bộ cao cấp trong bộ máy cầm quyền từ cấp huyện đến cấp trung ương mà khi còn làm những chức vụ lẻ tẻ, có người chỉ mới học xong lớp sáu, lớp bảy, nhưng đùng một cái, khi lên làm quan cấp cao, họ học băng từ lớp bảy sang đại học và tốt nghiệp đại học chỉ trong vòng bốn hoặc năm năm. Trong khi đó, một người bình thường, không phải là thiên tài thì có thông minh cỡ nào cũng tốn trên mười năm để hoàn thành quá trình học tập này.

Bởi chính yếu tố thiên tài của các cán bộ, các quan chức quá nhiều, hay nói cách khác là cán bộ thiên tài quá đông trong bộ máy nhà nước, chiếm hầu hết các cơ quan sự nghiệp hành chính Việt Nam mà đáng sợ hơn là các quan chức thiên tài này lại sống lâu sống khỏe, có người tuy mặt mày già khụ nhưng lý lịch chỉ chưa đầy 50 tuổi nên còn lâu họ mới nghỉ hưu. Mà khi họ trụ quá lâu như thế thì cơ hội làm việc cho các trí thức trẻ, các sinh viên có bằng cấp e rằng nhỏ lắm, chẳng khác nào lạc đà chui qua lổ kim.

Đó là chưa muốn nhắc đến chuyện thế vị ở các cơ quan nhà nước, cứ theo đà cha truyền con nối, cha làm giám đốc, con có học dốt chăng nữa vẫn có vé vào ngồi ghế hội đồng quản trị hoặc đoàn chủ tịch, bàn giám hiệu gì đó trong các cơ quan. Mà một khi các quan chức thiên tài giữ vững truyền thống cha truyền con nối thì cơ hội cho Nguyên đi chăm sóc bệnh nhân kiếm tiền đắp đổi qua ngày là dài dài, mút mùa lệ thủy!

Kiếm cơm chật vật và những cuộc cạnh tranh đầy nước mắt

Một sinh viên tên Cẩm Tú, đang học năm thứ hai trường trung cấp y tế Đà Nẵng, thường tranh thủ những ngày cuối tuần đi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện C Đà Nẵng, tâm sự: “Thì lúc đầu cũng hơi mặc cảm vì bạn mình có ai đi chăm đâu nhưng sau này cũng bình thường thôi! Ra trường thì khả năng xin việc khó.”

Cẩm Tú tiết lộ với chúng tôi rằng hiện tại, có một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm và nhiều nước mắt giữa các thế hệ chăm sóc bệnh nhân thuê trong các bệnh viện Đà Nẵng. Đó là cuộc cạnh tranh giữa các sinh viên trường y với đầy đủ chuyên môn của một y tá trong tay, cộng thêm sức trẻ với những người nuôi bệnh thuê vốn không có nghề nghiệp, xuất thân nghèo khổ.

Một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm và nhiều nước mắt...Đó là cuộc cạnh tranh giữa các sinh viên trường y với đầy đủ chuyên môn của một y tá trong tay, cộng thêm sức trẻ với những người nuôi bệnh thuê vốn không có nghề nghiệp, xuất thân nghèo khổ

Nếu như các sinh viên chăm sóc với giá 300 ngàn đồng mỗi ngày và liên tục được người nhà bệnh nhân yêu cầu chăm sóc thì những người chăm sóc bệnh nhân cao tuổi, không có nghề lại rất vất vả, chật vật đi tìm người để chăm sóc với giá từ 200 đến 250 ngàn đồng, đời sống trở nên bấp bênh, không ổn định trong lúc bản thân họ còn gánh nặng gia đình, con cái ăn học.

Theo nhận xét của Cẩm Tú thì tình trạng này đang ngày càng khốc liệt hơn, chính Cẩm Tú đôi khi cũng phải rơi nước mắt khi chịu khó suy nghĩ về cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa các sinh viên với những người nghèo khổ mà câu chuyện cũng chỉ xoay quanh chén cơm manh áo. Nếu như Cẩm Tú và các bạn của cô phải chật vật kiếm tiền để lo lót công việc lâu dài thì những người mẹ, người chị làm công việc chăm sóc bệnh nhân thuê kia cũng chật vật kiếm tiền để lo cho con em của họ đến trường. Suy cho cùng, đều kiếm tiền để chung chi, nộp và tồn tại, chẳng có gì khác!

Trong lúc Cẩm Tú và những sinh viên trẻ trung, nhanh nhẹn khác được người nhà chú ý và chấp nhận bỏ ra ba trăm ngàn đồng trên mỗi ngày đêm để chăm sóc người thân bị bệnh, và nhóm của Tú phải đạp lên những ray rứt khi cạnh tranh để làm việc, đương nhiên là không phải hoàn toàn không trả giá cho cơ hội này.

Có những mức chung chi ngầm bằng cách này hoặc cách khác với một số y tá trong bệnh viện để họ chấp nhận cho nhóm vào chăm sóc bệnh nhân mà không làm khó. Và cũng không hiếm những bệnh nhân quờ quạng, có dấu hiệu dê sòm với các cô sinh viên trẻ. Hầu như công việc nào của các sinh viên sau khi ra trường đều phải trả giá không nhỏ về cả tiền bạc, lòng tự trọng và danh dự.

Hiện tượng thất nghiệp tràn lan của các sinh viên sau khi ra trường đang là căn bệnh của xã hội Việt Nam. Và không riêng gì bất kì ngành nghề nào, hầu như tất cả mọi ngành nghề đều vướng phải nạn thất nghiệp. Đặc biệt, trong lúc giàn khoan HD 981 trở thành đề tài nóng của thời sự, nạn thất nghiệp càng tăng dữ dội. Với đà này, chỉ một thời gian ngắn, người lao động Việt Nam sẽ gặp nhiều khốn đốn!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.