Tết Mường thời hội nhập

TTTVN
2018.02.13
nguoimuong.jpg Tết về trên bản Mường Ba Vì
TTVN

Người Mường sống trên dãy Trường Sơn, số lượng bản làng Mường tăng dần từ Nghệ An đến Thanh Hóa và các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong bản đồ các dân tộc thiểu số phía Bắc, người Mường và người H’Mong chiếm số đông và chính các Tù trưởng người Mường đã gọi người Việt là dân tộc Kinh nhằm ám chỉ người sống gần kinh kỳ. Bản Mường ở Ba Vì, Hà Nội được xem là bản Mường thịnh vượng nhất Việt Nam. Người Mường cũng là dân tộc thiểu số có cung cách đón Tết gần với người Việt nhất. Theo thời gian, hầu như mọi tập quán, phong tục của người Mường dần biến mất và thay vào đó là các phong tục, tập quán của người Kinh.

Mất dấu Tết truyền thống

Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ: “Phong tục của người Mường phong phú lắm. Nhưng giờ do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, dường như nó cũng thay đổi, gần như nó giống như người Kinh. Chỉ khác một chút là người Mường ăn Tết vào khoảng 27, 28 Tết (27, 28 tháng Chạp), ngày chính thường thường là 30, người ta tổ chức ở nhà tổ, con cái anh em họ hàng tập trung tất, ở nhà đấy, rồi chúc sức khỏe nhau.

Ông Bùi Hữu Dụng, lão niên dân tộc Mường, chia sẻ: “Năm mới thì có lễ hội, đền chùa, tế bái ngày xưa ấy, mừng tuổi cho các cháu.

Phong tục của người Mường phong phú lắm. Nhưng giờ do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, dường như nó cũng thay đổi.. - Ông Đinh Tiến Hải

Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ thêm: “Thì ở đây ngày xưa người ta hay tổ chức ném còn, hội cồng chiêng, chơi con quay ấy, còn bây giờ thì chỉ còn ném còn, thể thao, bóng đá, bóng chuyền, cồng chiêng thôi, giờ chỉ giữ lại được chừng ấy thôi.”

Tục uống rượt cần, ca hát, chơi các nhạc cụ truyền thống, ném còn, kéo co, hát trảy hội bằng tiếng Mường trong ba ngày Tết dường như đã mất dấu. Thay vào đó là thú vui uống rượu gạo tự nấu, thi đá bóng, đánh bóng chuyền, chương trình ca hát văn nghệ những bài hát mang tính chất tuyên truyền, ca ngợi đảng, ca ngợi mùa xuân của hội phụ nữ… Những người già tiếc nuối Tết Mường xưa thì tìm cách ủ rượu cần để cùng nhau uống rồi hát dân ca Mường, chơi các nhạc cụ truyền thống. Nhưng chuyện này rất hãn hữu trong Tết Mường hiện nay.

Những người già ngồi luyến tiếc

Ông Đinh Tiến Hải, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ thêm: “Rượu cần thì ở các nơi như Hòa Bình thì người ta vẫn uống rượu cần ngày Tết, riêng người Mường ở Ba Vì, Hà Nội này thì do thay đổi xã hội nên chỉ uống rượu thường, rượu nhà nấu lấy vào những ngày Tết.”

Bà Nguyễn Thị Ngọc, người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ: “Dân tộc Mường thì mặc váy Mường, có lễ hội gì như lễ hội cồng chiêng thì mặc váy Mường, cũng thấy đẹp.”

Ông Bùi Hữu Dụng, lão niên dân tộc Mường, chia sẻ: “Ai có thịt lợn thì làm lấy, 4 nhà, 5 nhà làm một con, nấu rồi làm bánh các thứ, cho con cháu ăn thôi.”

Dịp Tết Nguyên Đán cũng trùng với vụ giáp hạt của người dân tộc thiểu số vùng cao. Thường thì vào mùa này, một số gia đình phải đi vay gạo hoặc mua nợ gạo để ăn Tết. Nhưng hai năm trở lại đây, tình trạng vay gạo ăn Tết không còn diễn ra nữa bởi người dân đã biết để dành lương thực và nhờ vào gạo cứu tế của chính phủ. Vấn đề người đồng bào thiểu số sợ nhất hiện nay là thiếu áo ấm để mặc, bởi dịp Tết cũng là dịp lạnh nhất ở các tỉnh vùng cao phía Bắc do thời tiết thay đổi trong những năm gần đây.

Vấn đề người đồng bào thiểu số sợ nhất hiện nay là thiếu áo ấm để mặc, bởi dịp Tết cũng là dịp lạnh nhất ở các tỉnh vùng cao phía Bắc

Nếu như người Mường ở Ba Vì, Hà Nội hay các tộc người Mường sống rải rác ở dãy núi phía Bắc Việt Nam đã chính thức thay đổi điệu sống, họ cố gắng thay đổi để không bị bỏ rơi trong thế giới đầy phức tạp và họ phải trả giá cho điều này bằng sự đánh mất gốc gác, văn hóa bản địa, văn hóa tộc người… Thì người Mường ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An lại xoay chiều, bỏ hẳn các tập tục cũ, ăn Tết theo người Kinh, tổ chức các buổi văn nghệ ‘mừng đảng mừng xuân’, chơi bóng chuyền, bóng đá. Dường như không thấy dấu vết Mường ở người Mường Thanh Hóa, Mường Nghệ An.

Nếu để nhận biết về người Mường, chỉ thông qua các sinh hoạt đời sống hằng ngày của họ, như cày cấy, làm ruộng bậc thang, chờ nước trời để cấy lúa, mỗi năm một vụ lúa, mùa hè thì trồng mía, đi củi rừng và cái ăn mùa giáp hạt luôn là nỗi lo. Nhà sàn của người Mường bây giờ cũng hiếm hoi bởi hầu hết đều xây nhà xi măng. Làm nhà bằng xi măng như là một sự thể hiện về đằng cấp cũng như sự tiến bộ.

Có thể nói rằng hầu như các tập tục đón Tết cổ truyền mang tính thiện lương, mang màu sắc nhân ái, tương cảm giữa con người với trời đất, vạn vật đã dần mất dấu và thay vào đó là cái Tết đậm tính thị trường, đậm dáng dấp Tết Kinh. Nhưng đáng sợ hơn cả là những lễ hội đậm chất man rợ lại được phát triển đến đỉnh cao, từ lễ hội đâm trâu đến lễ hội cướp dâu và cả lễ hội chặt lợn của người đồng bằng đều được bảo hộ văn hóa, được tổ chức thành một lễ hội có tính kinh điển.

Tết Mậu Tuất về, dường như người Mường không còn lo lắng cho cái ăn nhiều như xưa, nhưng bù vào đó là nỗi sợ cái lạnh thấu xương mà không phải ai cũng có được áo ấm để mặc.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.