Người thiểu số Tây Bắc thay đổi điệu sống
2018.07.13
Thời gian gần đây, sự thay đổi của người dân tộc thiểu số Tây Bắc theo chiều hướng xấu đi, sống thực dụng, đánh mất bản sắc và cuốn cuồng trong trận gió du lịch đã khiến cho cái nhìn dành cho nhiều tộc người bị thiên lệch. Trong chừng mực cho phép, chúng tôi tìm đến những bản làng du lịch vẫn còn giữ nét nguyên sơ, câu chuyện đời sống người H’Mong bị thay đổi trở nên cảm động và cần được cảm thông, bởi họ cần được ứng xử đúng mực, cần sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng để tránh tình trạng lún quá sâu vào bi kịch. Đời sống nghèo khổ, lạc hậu của các tộc người thiểu số Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam trở nên dữ dội không phải là lỗi của họ.
Nói về sự thay đổi của người H’mong nói riêng và các tộc người thiểu số như Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao… nói chung ở Tây Bắc, có lẽ điểm dễ nhận thấy nhất là hầu hết những người đồng bào thiểu số đều cố gắng bắt nhịp với đời sống mới, làm quen với cách mua đi bán lại trên thị trường và làm quen với các loại dịch vụ, các kiểu làm ăn chụp giật mà lâu nay vốn rất xa lạ với họ.
Chật vật dựa vào nông nghiệp
Ông Ngô Văn Y, cư dân thị trấn Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “Nếp sống ở đây thì con người vẫn còn hoang sơ lắm, chưa thấy đổi lắm so với các vùng khác. Thì con người vẫn sống thật thà nhiều, họ còn chất phác, hoang sơ lắm!”
Chị Thầu Thị Dúa, người H’Mong ở bản Hoàng Thu Phố, Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “Nhà mình có năm đứa con, một đứa ông, một đứa bà và hai bố mẹ thôi.”
Ông Vàng Seo Sành, người H’Mong ở bản Hoàng Thu Phố, Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “Nói chung làm đủ ăn thôi, một tháng làm không ra bao nhiêu tiền cả. Tiền mình đi làm nhiều thì không có, làm đủ ăn thôi. Nuôi lợn, gà, trâu bò, thế thôi.”
Thực ra là nền văn hóa giữa người Kinh với người dân tộc còn cách xa. Nền văn hóa phát triển cũng từ từ chứ làm sao mà một lúc mà lên cùng với người Kinh được. Nhưng nó cũng có thay đổi vì cuộc sống ăn uống, sinh hoạt, nhu cầu mọi thứ thiết yếu nó cặp kè bên cạnh thì phải thay đổi chứ không thay đổi thì làm sao con người phát triển được.
Với nhịp sống hết sức chậm, kinh tế khó khăn, mỗi năm chỉ canh tác được một mùa, mùa còn lại thiếu nước, không thể trồng tỉa bất kì thứ gì. Người dân tộc thiểu số miền núi chỉ biết dựa vào nông nghiệp, họ không được quyền đụng đến gỗ rừng, ngay cả việc tìm gỗ để làm nhà cũng hết sức khó khăn, đời sống co cụm và thiếu thốn mọi bề. Nhưng họ vẫn cố gắng để đuổi kịp đời sống người Kinh.
Ông Ngô Văn Y chia sẻ thêm: “Thực ra là nó cách nền văn hóa giữa người Kinh với người dân tộc còn cách xa. Nền văn hóa phát triển cũng từ từ chứ làm sao mà một lúc mà lên cùng với người Kinh được. Nhưng nó cũng có thay đổi vì cuộc sống ăn uống, sinh hoạt, nhu cầu mọi thứ thiết yếu nó cặp kè bên cạnh thì phải thay đổi chứ không thay đổi thì làm sao con người phát triển được.”
Đâu đó trong ký ức tập thể của người thiểu số, đại ngàn của họ đã mất và họ phải tìm cách nào đó bù vào những gì mất đi bằng cách lao vào cuộc kiếm cơm của người đồng bằng. Tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số thiếu ăn, thiếu mặc và bỏ học đi làm thuê, phụ giúp gia đình vẫn chưa thuyên giảm. Bên cạnh đó là những trẻ em đồng bào thiểu số lang thang khắp các điểm du lịch để nài nỉ khách mua giùm các món hàng lưu niệm. Một số trẻ em theo cha mẹ xuống chợ ngồi bán hàng, và cũng không ngoại trừ một số trẻ em vừa đi bán hàng vửa ngửa tay xin tiền khách.
Có hàng trăm kiểu kiếm sống của người đồng bào thiểu số và hình như kiểu kiếm sống nào có dính dáng đến khu chợ, điểm du lịch hay các dịch vụ, người đồng bào thiểu số đều tỏ ra vừa lúng túng vừa lạc lõng, khó nói.
Tình trạng bỏ học và tảo hôn chưa thuyên giảm
Chị Thầu Thị Dúa, người H’Mong ở bản Hoàng Thu Phố, Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “Em học hết lớp 9, em lấy chồng, giờ em 20 tuổi thôi ạ.”
Mặc dù cách thị trấn vài trăm bước chân, thậm chí có nhiều gia đình sống sau lưng các dãy phố thị trấn. Nhưng rõ ràng đời sống nơi đây có hai thế giới riêng biệt, thế giới của người Kinh giàu có, năng động và thế giới của người thiểu số nghèo khổ, lạc hậu, cố ngoi lên khỏi định mệnh chật chội và lặng lẽ của họ.
Anh Vàng Seo Quán, người H’Mong ở bản Hoàng Thu Phố, Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ: “Chỉ có cấp hai, lớp 9 thôi, học hết lớp 9. Thường thì buổi sáng nó ăn cơm ở nhà rồi đi bộ đi học.”
Mặc dù cách thị trấn vài trăm bước chân, thậm chí có nhiều gia đình sống sau lưng các dãy phố thị trấn. Nhưng rõ ràng đời sống nơi đây có hai thế giới riêng biệt, thế giới của người Kinh giàu có, năng động và thế giới của người thiểu số nghèo khổ, lạc hậu, cố ngoi lên khỏi định mệnh chật chội và lặng lẽ của họ.
Tình trạng trời mưa, đường trơn trợt, chưa có đường bê tông, sình lầy ngập gối và ăn khộng đủ no, mặc không đủ ấm để tới lớp, gia đình quá nghèo khổ… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học sớm để làm việc phụ giúp gia đình.
Ông Vàng Seo Quán cho biết thêm là trong bản Hoàng Thu Phố, bản cao nhất Bắc Hà và cao nhì Lào Cai, chỉ đứng sau một bản cao ở huyện Si Ma Cai, bản làng tưởng chừng như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thế nhưng từ ngày du lịch ghé chân qua đây và đời sống người H’mong tiếp xúc với thương mại, buôn bán đã nhanh chóng làm thay đổi vùng đất này. Trẻ em bỏ học nhiều, tảo hôn, lấy vợ ở tuổi vị thành niên vẫn rất cao và những trẻ em bỏ làng đi biệt tích mà theo đồn đoán là đã bị dụ dỗ sang Trung Quốc và mất tích bên đó ngày càng nhiều.
Có thể nói đời sống của người đồng bào thiều số đã thay đổi quá nhiều và thay đổi theo chiều hướng đánh mất bản sắc, đánh mất hồn vía và lẩn quẩn trong nhịp sống mới. Bên cạnh đó, dường như khả năng gần gũi với thiên nhiên, núi rừng của người đồng bào thiểu số đang bị mất dần và thay vào đó là những kĩ năng nửa vời mà họ học được từ các phiên chợ, từ các buổi học tập, nghe tuyên truyền từ loa huyện, loa xã… và cũng không ngoại trừ họ rút kinh nghiệm được sau những bài học xương máu về chuyện mất rừng, mất đất, mất tình cảm anh em bản làng… Nhìn chung, đây là một sự thay đổi và thích nghi đáng lo ngại và đáng buồn của người đồng bào thiểu số Tây Bắc.