Phản ứng của người dân quanh việc tăng giá xăng dầu

TTVN
2018.10.10
Phản ứng của người dân quanh việc tăng giá xăng dầu Người lao động có thu nhập thấp ngày càng bấp bênh khi giá xăng tăng liên tục
RFA

Liên bộ Tài chính - Công Thương Việt Nam cuối tuần qua vừa ra thông báo đồng loạt tăng giá tất cả mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng sinh học E5 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít; xăng A95 tăng 577 đồng/lít, lên mức 22.347 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng 403-752 đồng/lít, kg tùy loại. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay và cũng là lần thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng qua giá xăng dầu tăng mạnh.

Nếu như đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức tăng này giúp họ kiếm thêm hàng trăm tỷ đồng thì với những công ty vận tải, doanh nghiệp sản xuất hay người tiêu dùng, xăng dầu tăng giá khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn lớn, nhiều người không khỏi đau đầu khi mức thu nhập bị ảnh hưởng và nỗi lo sợ xăng dầu tiếp tục tăng giá vẫn chưa dừng lại.

Giá có ngừng tăng?

Một nhà báo, hiện sống ở miền Nam Việt Nam không muốn nêu tên chia sẻ:“Có một thực trạng ở Việt Nam là lượng người làm nông quá cao, hiện tại cũng vậy và lượng công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp cũng vậy. Cả hai nhóm này đều dùng đến xe máy, tương tác với sản phẩm xăng rất nhiều, thiệt thòi đầu tiên khi xăng tăng là những nhóm lao động chịu thiệt thòi đầu tiên.”

Lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành.

Theo nhà báo này, lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành.

Vị này đặt ra câu hỏi vì sao là một quốc gia có sản lượng dầu thô lớn hơn nhiều nước và có hai nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã đi vào vận hành nhưng mức giá xăng dầu ở Việt Nam lại cao hơn nhiều nước khác không có trữ lượng dầu thô và không có nhà máy lọc dầu? Phải chăng do sự quản lý trong việc khai thác trữ lượng dầu thô không khoa học và chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam có vấn đề?

Nhà báo này chia sẻ thêm:“Giá xăng tăng, không riêng gì xăng tăng, hiện tại theo tôi biết thì rất nhiều thứ vật giá leo thang là do đồng Việt Nam trượt giá so với đồng đô la. Mà điều đó tôi nghĩ là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động không nhỏ lên khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, mà trong đó thì Việt Nam chắc chắn lãnh đòn nặng hơn những nước khác như Lào, Campuchia vì Việt Nam phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc. Trung Quốc bị ảnh hưởng thì mình bị ảnh hưởng thôi. Điều đó là một hệ lụy chắc chắc phải xảy ra thôi, mà tôi nghĩ là giá xăng còn tăng nữa, vật giá sẽ còn leo thang nữa, nếu cán cân thương mại lệch về phía Mỹ, thì chắc chắn Việt Nam còn bị tăng giá nữa.”

Hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Từ chỗ là một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã nhập khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2018 với trị giá gần 600 triệu đô la, tăng hơn 411% so với nửa đầu năm ngoái, như vậy, tự thân xăng dầu được sản xuất trong nước đã bị đội giá lên cao do phải nhập khẩu ngày càng nhiều hơn lượng dầu thô.

Nếu như có đủ thời gian, cơ hội cũng như tri kiến để tìm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… thì người ta không còn đủ thời gian để kiếm sống. Và cứ thế, giá xăng cứ tăng nhảy nhót trên túi tiền người lao động Việt Nam!

Riêng xăng dầu sử dụng, chỉ trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam đã chi 5,71 tỷ USD để nhập khẩu hơn 8,6 triệu tấn xăng dầu các loại. Với tỷ giá tăng liên tục từ tháng 7 đến nay, giá xăng tại Việt Nam đang trên đà tăng chưa dừng lại. Cộng thêm tác động của giá thế giới và thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít sắp tới đây, việc xăng dầu tăng giá phi mã khó có thể tránh được.

Ai chịu thiệt

Chia sẻ về nỗi bức xúc của mình, anh Văn Công Thắng, một lao động trong ngành nghề xây dựng cho hay:“Một ngày thì hai vợ chồng đi làm 50 ngàn tiền xăng, thì vợ tranh thủ đi chợ luôn. Nói chung là giờ biết sao, phải nhịn lại thôi, mình phải khắc phục chứ biết sao chừ…!”

Anh Thắng chia sẻ thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên anh đưa ra ý kiến của mình khi giá xăng tăng, tuy nhiên cũng như nhiều lần trước, anh tự hỏi không biết những bức xúc của mình sẽ đến được tai ai?

Từ nhà anh Thắng đến chỗ làm việc gần 45km, với chiếc xe ngốn xăng của mình, một ngày đi và về anh đã phải chi hơn 40 ngàn tiền xăng, cũng đồng nghĩa với 15% tiền công mỗi ngày phải chi trả cho xăng, chưa kể tiền xăng vợ anh đi chợ, đưa đón con đi học… và với đà xăng tăng giá liên tục như hiện tại, có lẽ thời gian tới, toàn bộ tiền công mà anh làm được hàng ngày không đủ để chi trả cho các khoản xăng xe, điện, nước, tiền lo con ăn học và các khoản khác trong đời sống bởi các mặt hàng khác cũng tăng giá theo, duy chỉ có tiền công của anh khó mà tăng theo kịp. Như vậy, không chỉ anh mà những người lao động tay chân khác cũng sẽ khốn đốn hơn cuộc sống hằng ngày.

Càng về sau, chỉ số tăng giá xăng dầu càng đáng sợ. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là chuyện người tiêu dùng không thể biết hay không thể để ý được giá xăng đang tăng và mức độ gánh chịu của họ. Bởi vì nếu như có đủ thời gian, cơ hội cũng như tri kiến để tìm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… thì người ta không còn đủ thời gian để kiếm sống. Và cứ thế, giá xăng cứ tăng nhảy nhót trên túi tiền người lao động Việt Nam!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.