Sông nước miền Tây bị ô nhiễm công nghiệp

TTVN
2019.08.01
Sông nước miền Tây bị ô nhiễm công nghiệp Một nhà máy ở miền Tây
RFA

Nhiều nhà máy công nghiệp tại vùng sông nước Cửu Long đang xả thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá nuôi của dân chết và gây tổn hại sức khoẻ dân chúng địa phương.

Cách đây không lâu, một nhà máy mía đường cồn tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, gây ô nhiễm môi trường, bị người dân phản đối và cơ quan chức năng phải buộc ngưng hoạt động.

Theo người dân vì nhà máy hoạt động với công suất cao, xử lý chất thải không kịp, nên chất thải đổ thẳng ra sông cái lớn của thị trấn. Một người dân cho biết:

Cái này rõ ràng quá, hỏi hết thì ai cũng nói là nhà máy thôi, từ trước tới giờ khi nhà máy về đây làm ô nhiễm nguồn sông cũng mấy lần rồi, 2 năm trước thì không có vì chảy ít, năm nay quá trời nhiều, thải quá trời thải.

Mới đầu khói bụi, sau tới nước nó thúi. Nhưng mà vòng cái khu vực này thì chăn nuôi không có nhiêu. Người ta sinh sống ở đây lâu tình trạng thúi sông cũng không xảy ra. Mình đi xác thực… thấy cái cống nó thải ra đen hôi mình nói là nước mía đường. Cái mùi hôi thúi mà nó bốc lên cái mùi mía đường người ta cũng biết, cái mùi hôi chua.

Một đoạn sông bị ô nhiễm.
Một đoạn sông bị ô nhiễm.
RFA

Khi chúng tôi ghi nhận phản ánh của người dân, nhà máy mía đường Long Mỹ Phát đã bị ngưng hoạt động. Cho nên nước sông cũng đã trở lại màu bình thường, không còn xuất hiện một màu đen nào trên sông, nhưng thiệt hại thì vẫn còn.

Thiệt hại vì ô nhiễm

Một người dân vừa nuôi cá vừa buôn bán ở chợ Long Mỹ cho biết trong đợt ô nhiễm vừa rồi đàn cá của bà chết gần hết.

Chính quyền người ta lại đây cũng coi nè, người ta coi mình vớt lên, thác lác là chết sạch sẽ luôn không còn con nào hết. Rồi cá trê bắt đầu chết lai rai… rồi chừng hai bữa sau nước ngưng lại nó mới bớt chết.

Chỉ sau một đêm thức dậy, gia đình bà chịu thiệt hại khoảng 21 triệu đồng do nước sông bị ô nhiễm.

Nhiều hộ dân nuôi thủy sản dọc bờ sông cũng chịu chung cảnh ngộ. Một nông dân cho biết ông nuôi cá với số lượng lớn. Tổng thiệt hại ước tính của ông là hơn 200 triệu đồng:

Chết cũng nhiều lắm. Cá thì chắc khoảng 3 tấn cá lóc, cá trê khoảng 5-600 ký, lươn thì khoảng 500kg.

Mấy anh công an huyện xã đánh giá khoảng 227 triệu.

Toàn bộ thủy sản của ông đã chết gần hết, không thể tiêu thụ được nên buộc lòng ông phải tiêu hủy.

Chở về nó cũng đâu sống đâu nên người ta không mua, bán không được rồi bỏ chứ đâu có làm được gì đâu. Vì mình mẩy nó xuất huyết đỏ, tuột nhớt mà nhìn nó bong bong ghê lắm.

Kênh thời sự tỉnh Hậu Giang cho biết phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Long Mỹ công bố các số liệu nghiên cứu, cho rằng nguyên nhân ô nhiễm còn do các nơi khác như chợ Long Mỹ, trạm y tế thị xã Long Mỹ, nước thải sinh hoạt của người dân… làm cho nước sông ô nhiễm. Nhưng người dân không đồng tình, một người phụ nữ sinh sống nơi đây từ thuở nhỏ, cho biết chưa khi nào có tình trạng thủy sản chết hàng loạt như vậy.

Cá chết vì nước sông ô nhiễm.
Cá chết vì nước sông ô nhiễm.
RFA

Cái khu vực này không có công ty, chỉ có công ty mía đường thôi. Mà trường hợp xảy ra thì xảy ra tại nơi đây. Rồi mùi hôi thúi hôi chua bốc lên hàng ngày thì chuyện đó quá rõ rồi. Người ta sống ở đây từ xưa tới giờ, nhỏ tới giờ tui bốn mươi mấy tuổi tui biết con sông này chưa lần nào bị như vậy hết.

Thời điểm nhà máy xả chất thải, bà chứng kiến dòng nước và tả lại:

Nó đen cái dạng đen thúi, chứ không phải đen đục. Như mực vậy đó.

Đó là những gì đã xảy ra tại thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Đến khu công nghiệp Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang, người dân sống bên cạnh các nhà máy cho chúng tôi biết, mùi hôi thối từ các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc làm ô nhiễm không khí lâu nay mà nhà máy thì không khắc phục được bao nhiêu.

Ở đây có ba công ty lận, một là công ty thằng Thailand nè, hai là thằng này, ba là thằng cá mòi Thailand.

Nhất là cái thằng bột cá ở đẳng đó, cái thằng Thailand đó.

Đừng tàn phá môi trường vì lợi tức

Mỗi lần mùi hôi từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi này bốc ra, thực sự cảm thấy khó thở. Vì là người dân sống bên cạnh lâu năm nên buộc lòng phải chịu đựng.

Các nhà máy này thuộc KCN Mỹ Tho, lại nằm trong nơi đông đúc dân cư, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nhưng vẫn chưa khắc phục được.

Người dân cho rằng, không nên vì những lợi ích trước mắt mà tàn phá môi trường.

Một nhà máy nằm ven sông ở miền Tây.
Một nhà máy nằm ven sông ở miền Tây.
RFA

Nếu như các công ty về đây giúp cho công ăn việc làm giúp cho bà con thì cũng tốt nhưng mà anh băn khoăn nhất cái vấn đề xả thải như vầy hoài thì người dân sau này không thể nào mà sống  trên khu vực được vì nước ô nhiễm hoài không chăn nuôi được, rồi nước sinh hoạt cũng khó nữa. Về lâu dài ảnh hưởng mạch nước ngầm chết con cháu sau này chứ không phải chuyện đơn giản. Thì anh cũng mong muốn các công ty về đây muốn làm ăn lâu dài thì mong là xử lý nước thải cho tốt…chứ không phải thấy lợi trước mắt mà mình làm thiệt hại.

Khắc phục sao cho dân sống với nhà máy được lâu dài, chứ ví dụ như tiền lời bạc trăm bạc chục triệu mà dân chịu ảnh hưởng hoài không ai nói gì, một tiếng an ủi cũng không có nữa.

Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện có khoảng 52 khu công nghiệp. Tốc độ công nghiệp hóa trong những năm gần đây tại khu vực này tăng nhanh kèm với vấn nạn ô nhiễm môi trường nặng nề.

Thực tế tại hai phương vừa nêu đang ngược với tuyên bố hùng hồn của Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra vào tháng 6 năm 2018: “Không đánh đổi  môi trường lấy tăng trưởng kinh tế!”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.