Ngư dân Việt đánh bắt xa bờ: Thế lưỡng nan!
2017.06.13
Thực trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ bị nước ngoài bắt giữ, hủy tàu ngày càng tăng. Phóng viên RFA ghi nhận thực thế tại một làng chài ven biển thuộc tỉnh Bà Rịa, nơi có năm tàu cá bị bắt giữ trong tháng 5.
Chính phủ Hà Nội vào sáng ngày 30 tháng 5 họp đánh giá tình hình thực hiện những chỉ thị về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Theo nhận định được đưa ra tại cuộc họp do phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và một số địa phương ven biển trong nước, thì tình trạng ngư dân Việt Nam đưa tàu đi khai thác trái phép ở những vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài gia tăng.
Nguyên nhân được Hà Nội nêu ra là vì lợi ích kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu chưa nghiêm, công tác quản lý Nhà nước chưa đồng bộ, các cấp chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thật sự kiên quyết, chế tài xử phạt chưa nghiêm.
Truyền thông trong nước cũng loan tin về tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia và bị bắt giữ thời gian qua có xu hướng tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ, trong đó riêng trong tháng 3, số tàu vi phạm và bị bắt đã tăng đột biến lên con số 35 tàu với 330 ngư dân.
Mỗi chiếc tàu, trung bình có giá tầm 6 đến 7 tỷ đồng, nếu bị bắt thì có nguy cơ bị phá hủy. Vậy tại sao ngư dân cứ liều mình đánh bắt ở vùng biển nước bạn?
So mấy năm trước năm nay ít hơn nhiều. Mình đi đánh bắt ở cảng biển Việt Nam này nó không có, nó kiệt quệ hết. Chỉ có qua Indo thôi mà qua Indo người ta bắt. Hợp đồng người ta không cho, mà cứ qua đánh ở biên á. Ghe cộ người ta cứ bắt dần dần Mình đánh ở biển VN toàn cá ‘heo’ không à, cá xấu lắm Cá mắm càng ngày càng ít. Đi mấy tháng ngoài biển mà cứ gửi vô được ít, mà cá heo không à. Hồi trước tụi cô làm là nhiều lắm, làm ngày làm đêm. Cá giờ không còn.
Đánh ở VN không còn cá phong phú nữa. Cho nên lượng cá, ví dụ như cá hồi xưa là cá mười mấy hai chục ngàn, nó nhiều, hôm nay con cá còn chừng mình bán 5 ngàn.
Người dân ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa bao đời nay làm nghề biển là chính. Nhưng thực trạng hải sản kiệt quệ, người dân biết làm gì? Trong khi đó mỗi chuyến đi biển dài ngày cần chuẩn bị rất nhiều thứ, vì vậy số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Nếu như tay trắng trở về thì lỗ. Chị Hồng cho biết tình hình:
Nói chung thì con cá phong phú, cá có giá nó không còn nữa. Nó rất là ít. Còn lượng cá rẻ tiền thì nhiều, nó vẫn còn… thì làm sao mà ra tiền, trong khi đó tổn phí rất là cao. Tổn phí nó đi tới mấy trăm triệu lận. Tổn phí bây giờ cũng tầm giá 700 triệu, mà chuyện biển có thể vô với giá có 500. Vậy làm sao mà ra tiền?
Lỗ thì ghe cứ phải đi, cứ phải hoạt động chứ bây giờ nếu mình neo ghe ở nhà thì cũng tiêu. Ghe hư hao, rồi bạn bè không có tiền nó xài.
Nói chung nếu cá mà hạ nữa chắc buộc ghe đậu bờ. Mỗi ngày nó mỗi lỗ chuyến như vậy làm sao mình làm nổi. Đầu năm tới giờ mỗi ghe lỗ cũng phải 100-200 triệu.
Cả gia đình dựa vào nghề đánh bắt cá, biết làm gì khác? Trong khi đó, cơ quan chức năng Việt Nam không đi sâu sát tìm hiểu tình hình, các quan chức chỉ biết đăng đàn kêu gọi ngăn chặn người dân vi phạm.
Họ qua giáp ranh đó họ đánh kiếm ít cá về kiếm tiền dầu…mà cứ hé qua Indo người ta bắt. Trước người ta cho chuộc chứ giờ người ta bắt là mất luôn.
Dân ngư phủ đi làm thì đâu có biết được, cứ ra ngoài biển rộng mênh mông cứ làm tới chừng đụng chuyện tới nước ngoài nó bắt mới biết thôi.
Nó vô tới biển mình 3 chục lý nó bắt luôn, có mấy đôi bây giờ lên báo rồi đó. Tình trạng đó có cuối cùng có làm gì đâu. Hổm nay hải quân nước mình không ra,nhưng mà nước ngoài tàu hải quân nó ra giữa hai bên ẩu đả cuối cùng có làm được gì đâu.
Ông Trần Minh Cừ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng gia tăng này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan ở trong nước để phổ biến, tuyên truyền các thông tin cảnh báo, kiến nghị đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng.