Ai sẽ gỡ khó cho ngư dân miền Trung?

TTVN
2019.08.01
muc1a.jpg Hình minh họa. Thuyền của ngư dân ở cảng cá miền Trung
Photo: RFA

Mặt hàng mực xà khô của bà con ngư dân miền Trung lâu nay vẫn xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, Trung Quốc thay đổi “phương thức mua bán” khiến cả ngàn tấn mực của ngư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng ứ đọng…

Ngư dân chỉ biết đi biển

Khi được chúng tôi hỏi “phương thức mua bán” thay đổi như thế nào khiến mực không xuất đi được phải tồn đọng, ứ vốn, nhiều ngư dân tỏ ra lưỡng lự và cuối cùng không trả lời vì nhiều lý do khác nhau. Họ cũng ngại chúng tôi quay hình, tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, tình hình mực tồn kho không còn căng thẳng như hồi đầu tháng 6/2019. Khó khăn bây giờ đối với bà con vùng duyên hải miền Trung lại là mực… rớt giá và thị trường tiêu thụ mực xà khô của họ bị thu hẹp, chỉ còn Thái Lan và một số nước ở vùng Đông Nam Á, trong khi đó Trung Quốc –thị trường tiêu thụ mạnh nhất vẫn còn đang “khép” cửa.

Anh Thọ, một ngư dân theo tàu khai thác mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cho biết tàu của anh đã cập cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gần một tháng rưỡi nay nhưng 30 tấn mực khô trên tàu vẫn chưa thấy thương lái đến hỏi mua. Thường tàu cập cảng, thương lái thu gom ngay vì vậy ngư dân có vốn để ra khơi tiếp. Còn giờ, thương lái không có, giá mua thì lại tụt giảm nên mặc dù quá ngày ra khơi đợt tiếp theo nhưng anh Thọ quyết định giữ mực, chưa bán vội. Anh chia sẻ:

“Nguồn thu thấp, giá thành thấp thì làm không được nên chi tháng rưỡi đây, đậu từ tháng rưỡi rồi mà mực chưa bán được. Hiện nay định chiều nay bán đây mà chưa biết bán được hay không? Vì giá mực còn thấp quá !”

Anh Thọ và bà con ngư dân cho biết chỉ cần giá mực đạt 140-150 ngàn đồng/kg thì họ sẽ bán ngay, vì giá đó mới đủ vốn để họ đi chuyến biển tiếp theo.

Mực chất đầy trong kho không có ai mua
Mực chất đầy trong kho không có ai mua

Anh Tùng - một chủ tàu có tàu đang neo đậu tại cảng cá An Hòa gần hai tháng nay cho biết:

“Năm ngoái chuyến đầu (tháng Giêng) tôi vào bán 190-195 ngàn/kg lận, còn mấy chuyến sau vào thì giảm xuống 160 ngàn/kg. Còn năm ni chuyến đầu tiên vào bán được 126 ngàn/kg, còn chuyến này vào có chiếc bán được 126 ngàn/kg có chiếc thì không hỏi luôn. Bữa nay vào hơn một tháng trời mới được 110 ngàn/kg, mấy chiếc kế tiếp bán 105 ngàn/kg. Các đầu nậu không thấy ra hỏi luôn, đoàn câu mực về cột hết đây. Hồi nào giờ chuyến ni là nghỉ lâu nhất. Chuyến ni thời gian mình nghỉ gần một chuyến biển rồi đây, chưa chạy lại đây”

Lâu nay, thị trường chính tiêu thụ mực xà khô của Việt Nam là Trung Quốc, sau đó mới đến Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác. Bà con ngư dân chỉ biết đi biển đem mực về và thương lái gom hàng ngay tại cảng. Họ gần như không biết mực sẽ được chuyển tiếp đến đâu và các công đoạn xuất hàng đi như thế nào, nên khi thương lái báo không xuất hàng được, phải chờ phía Trung Quốc trả lời, bà con chỉ biết “chết đứng”.

Được biết chỉ năm nay, Trung Quốc mới thông báo “qui trình” mới về xuất khẩu mực nên gần như bà con miền Trung bị động trong cách đối phó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây thương lái (thực ra cũng là những người của các doanh nghiệp) sau khi gom xong mực thì đẩy hàng sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, tức là con đường trốn thuế, không rõ ràng. Còn nay, phía Trung Quốc siết chặt việc nhập nhiều mặt hàng thủy-hải sản của Việt Nam chứ không riêng gì mỗi mặt hàng mực xà khô, do họ đổi phương thức nhập hàng chính ngạch, tức là phải đóng thuế, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ, tem phiếu rõ ràng và đòi hỏi chất lượng hơn. Vì vậy bước đầu việc đưa mực của bà con ngư dân Việt Nam nhập vào thị trường Trung Quốc gặp phải khó khăn, do đó thương lái hạn chế đi gom mực, dẫn đến hiện tượng mực tồn đọng với số lượng lớn trong mấy tháng qua.

“Mọi năm nậu (đầu nậu-pv) nó mua về, nó đi đường tiểu ngạch được. Nó xuất khẩu đi tiểu ngạch nhưng bây giờ nó đi đường chính ngạch nên thuế cao, làm vậy để mình có nguồn gốc xuất xứ”- Lới của anh Tùng

“Con mực của mình chủ yếu xuất đi Trung Quốc. Họ nói là bên Trung Quốc họ chưa mua thì mình cũng bó tay, mình chờ, mình cứ nằm chờ.”-Lời của anh Thọ.

Cần sự can thiệp của Chính phủ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Ngọc Trung- Giám đốc Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết.

“Mực của mình lâu nay vẫn đi y như vậy thôi, hầu như hồi trước coi như cơ bản Chính ngạch, Tiểu ngạch thì mình đi đường tiểu ngạch là chính vì cái hàng của mình ngư dân họ sản xuất cũng chưa phải đảm bảo cho nó đạt chuẩn cao, nói chung là đạt chuẩn chưa cao cho nên việc xuất khẩu theo đường chính ngạch còn nhiều hạn chế nên chi năm nay họ làm kỹ hơn nên mình cũng hơi bị khó khăn”.

Ông Trung chia sẻ thêm, trước tình hình khó khăn của bà con ngư dân miền Trung trong việc đưa mực vào thị trường Trung Quốc, giải quyết số lượng mực tồn đọng, ông Trung cho biết thêm vừa qua Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã báo cáo tình hình lên Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã vào tỉnh Quảng Nam nắm bắt tình hình cũng đã phản ảnh với Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sau đó đã có động thái đàm phán, can thiệp với phía Trung Quốc để việc thông thương xuất khẩu mực giữa Việt Nam với phía Trung Quốc được thuận lợi. Ông nói:

“Nói chung là hiện nay Trung ương đang làm việc với phía bên bạn (Trung Quốc) và tình hình đến nay thì giá mực cũng đã lên rồi, mấy hôm thì giá rất thấp có 80.000VND/kg nay đã lên tới 120.000VND/kg. Cơ bản là bà con cũng muốn chờ giá nó lên cao hơn nữa chứ còn giá đó thì cũng đã được rồi đó. Nhưng mà người ta muốn chờ giá nó cao hơn để người ta mới bán, chứ còn bán thì nó không bằng mấy hồi nhưng cũng không phải là bán không được.”

Mực trong kho
Mực trong kho

Cũng cần phải nói thêm, mọi năm thương lái gom hàng của bà con ngư dân đi đường tiểu ngạch nên họ ngã giá mua cao, còn năm nay do đi đường chính ngạch thuế cao, nhiều ràng buộc nên họ ngã giá mua thấp. Như cách nói của anh Tùng, việc mua bán này thương lái là người nắm đằng cán.

“Nói chung giá cả Nhà nước không can thiệp mấy. Tự phía đầu nậu (thương lái) cảm thấy thiếu hàng đi thì nó mua giá cao lên, còn tồn đọng hàng, hàng chưa đi được thì tự nó hạ thấp xuống”

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Trung lại cho rằng, mực của bà con ngư dân miền Trung tồn đọng thời gian qua không phải chỉ do thương lái không mua.

“Do vừa rồi, sau khi cái chuyện thuế má giữa các nước trong khu vực cũng như thế giới cho nên chi ông Trung Quốc là ổng rào cản hơi bị khó. Ổng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ, mọi cái việc nó cản trở cho nên việc xuất xứ giữa hai nước nó trầm lại cho nên thương lái họ giảm mua.”

Hiện theo dự tính của Sở NN&PTNT, tại cảng An Hòa ước chừng có mấy chục chiếc tàu neo đậu. Mỗi chiếc có khoảng từ 20 tấn mực trở lên. Nhưng nếu tính luôn cả tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, số lượng mực mà bà con ngư dân khai thác đang tồn ghe lên đến hàng ngàn tấn.

Ổn định tinh thần để ngư dân miền Trung an tâm ra khơi đánh bắt hải sản, ổn định cuộc sống không còn là trách nhiệm của một sở, ngành nữa mà đòi hỏi phải có sự can thiệp, giải quyết căn cơ từ Chính phủ. Đặc biệt khi vừa rồi (29/7/2019), Thủ tướng Chính phủ đã chính tay về tận Kiên Giang tặng cờ cho ngư dân Kiên Giang. Đây được coi là một hoạt động trong chương trình “Một triệu lá cờ tổ quốc cùng ngư dân bám biển” với ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần ngư dân ở 28 tỉnh, thành có biển; ủng hộ bà con yên tâm ra khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước….

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.