Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội bàn về dự thảo luật Tạm hoãn xuất cảnh

RFA
2019.07.15
quoc hoi Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Courtesy of Tin Tuc

Trong phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/7, thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh (UBQPAN) của Quốc hội đã đề xuất bổ sung nhiều ý kiến xung quanh dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin này vào cùng ngày.

Theo Báo Tin tức, thường trực UBQPAN đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thầy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.

Thường trực UBQPAN cũng đề nghị lược bỏ qui định tại khoản 2 vì mâu thuẫn với luật Tương trợ tư pháp (không dẫn độ công dân Việt Nam ra nước ngoài); lược bỏ qui định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 5 vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khác, không cần thiết. Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo qui định.

Sau các ý kiến đề nghị, bổ sung, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga đã đề nghị rà kỹ lại các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh qui định trong dự luật vì liên quan đến quyền công dân, liên quan tới nhóm luật đặc biệt là các luật tư pháp. Bà Nga cũng khẳng định có những trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn tuy nhiên người đã có bản án tù kể cả chưa chấp hành thì dứt khoát không được xuất cảnh. Ba Nga cũng đề nghị rà soát lại nhóm bị tạm hoãn xuất cảnh là “người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật, trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo qui định pháp luật thi hành án dân sự”.

Dự luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019). Nhiều đại biểu đã đề nghị cần quy định ngăn chặn trường hợp bỏ trốn khi đang trong quá trình điều tra, xác minh hành vi phạm tội như Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Trịnh Xuân Thanh...hay ông chủ Nhật Cường Mobile - Bùi Quang Huy. Dự luật sẽ tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019.

Trong khi đó nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam cho biết họ bị cấm xuất cảnh một cách phi lý vì họ không có vi phạm luật pháp; tuy nhiên cơ quan chức năng lấy lý do mà những người bị cấm xuất cảnh cho là mơ hồ ‘gây nguy hại cho an ninh quốc gia’ một cách chung chung. Theo những nhà hoạt động thì cơ quan chức năng không thể đưa ra bằng chứng cụ thể về hành vi bị cho có thể làm phương hại an ninh quốc gia

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.