Hàng chục ngàn hộ dân ở ĐBSCL, Bình Thuận cần di dời do sạt lở

RFA
2022.07.20
Hàng chục ngàn hộ dân ở ĐBSCL, Bình Thuận cần di dời do sạt lở Sạt lở ở ĐBSCL
Cục PCTT

Khoảng 20 ngàn hộ dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau và thành phố Cần Thơ đang cần di dời gấp do sạt lở. 

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho truyền thông nhà nước hay tin trên trong ngày 19/7 đồng thời cho biết các vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu và đê biển ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục xảy ra, nhất là vào cao điểm mùa mưa. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho truyền thông hay huyện Châu Thành đang khắc phục sự cố sạt lở mới nhất ở sông Cái Côn dài 35m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 15m, làm bốn căn nhà sụp xuống sông. Huyện Châu Thành nằm cặp sông Hậu đang là điểm nóng của các vụ sạt lở với chiều dài 425m, làm mất khoảng 2.654m2 đất. 

Cùng lúc đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trong nhiều ngày qua, khu vực ven biển của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của trường gió Tây Nam có cường độ mạnh đã khiến sóng biển dâng cao, gây sạt lở nghiêm trọng nhiều khu vực bờ biển. Sạt lở cũng đã ảnh hưởng đến khoảng 30 hộ dân sống tại các khu vực ven biển ở thành phố Phan Thiết. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) hôm 15/7 tại Hội thảo báo cáo tiến độ đợt 1 hoạt động xây dựng Ngân hàng cát và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ở ĐBSCL cho biết VN đang bước vào mùa mưa lũ 2022, đã có những diễn biến bất thường về thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong…Qua đó, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL diễn biến hết sức phức tạp, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. 

Ông Tiến cũng đồng thời cho hay ngoài ảnh hưởng của thời tiết, vấn đề khai thác cát sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.