Hải quan sân bay Hà Nội thu giữ 125kg sừng tê giác nhập lậu

RFA
2019.07.29
te giac Hình minh họa. Sừng tê giác bị thu giữ ở Hà Nội hôm 14/3/2017
AFP

Truyền thông trong và ngoài nước đồng loạt loan tin này vào ngày 29 tháng 7.

Theo tin, lô hàng lậu này về từ các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), trên chuyến bay của hãng hàng không Etihad Airways và bị hải quan sân bay Nội Bài phát hiện.

14 kiện hàng chứa 55 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng 125,15kg và ước trị giá khoảng 7,5 triệu đô la, đã bị hải quan tạm giữ để tiếp tục điều tra, xử lý. Đây được coi là một trong những vụ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Theo Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất tiêu thụ sừng tê giác lậu, bởi nhiều người tin rằng bột sừng tê giác có thể trị nhiều bệnh kể cả ung thư. Một sừng tê giác có thể bán được 100.000 đô la ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Quỹ bảo vệ tê giác quốc tế, hiện thế giới ước chỉ còn 29,000 con tê giác, riêng tại Nam Phi mỗi ngày có 3 con tê giác bị săn bắn.

Giữa tháng 10/2018, Việt Nam cũng đã phát hiện một kiện hàng chứa gần 34 kg sừng tê giác vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam.

Lô hàng được chuyển bởi một công ty ở Nam Phi và tên người nhận ở đầu Việt Nam là Trương Văn Nam, địa chỉ Sóc Sơn, Hà Nội. Tuy nhiên người đứng tên nhận hàng đã từ chối nhận hàng.

Trước đó, vào ngày 29/9/2018, Hải quan Việt Nam cũng đã phát hiện, thu giữ gần 1 tấn ngà voi và các sản phẩm ngà voi, vẩy tê tê chuyển từ Nigeria về Hà Nội.

Việc buôn bán động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã đã bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên việc buôn bán trái phép vẫn diễn ra do nhu cầu tiêu thụ vẫn còn cao.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.