Indonesia sẽ trả tự do cho 155 ngư dân Việt Nam


2018.09.13
Joko Widodo Tổng thống Indonesia Joko Widodo
AFP

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào chiều 12 tháng 9 cho biết 155 ngư dân Việt Nam đang bị bắt giữ tại Indonesia sẽ được trả tự do và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt cá trái phép.

Mạng báo Dân Trí trích lời phát biểu của ông Joko Widodo như trên tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến viếng thăm của ông Widodo đến Việt Nam và dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN 2018.

Tại cuộc gặp lần này, hai bên nhất trí thúc đẩy sớm thoả thuận đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế giữa 2 nước phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1992, nhất quán trong lập trường về Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả nhất.

Hai bên đặc biệt chú trọng hạn chế tình trạng đánh bắt cá trái phép, giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo.

Indonesia và Việt Nam vẫn còn một khu vực chồng lấn chưa phân định gần quần đảo Natuna và đảo Hòn Cau của Việt Nam. Một số ngư dân Việt Nam đã bị Indonesia bắt giữ và phạt tù gần đây nói rằng họ bị bắt khi đang ở vùng nước của Việt Nam.

Những năm gần đây, chính phủ Indonesia đã thi hành các biện pháp mạnh đối với tàu nước ngoài đánh bắt cá tại vùng biển mà nước này cho là thuộc chủ quyền của mình. Theo Thông tấn xã Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Indonesia đã đánh đắm khoảng 300 tàu cá bị cho là đánh cá trái phép trong vùng nước của Indonesia.

Vào tháng 6 năm ngoái, Jakarta trao trả cho Hà Nội 690 ngư dân Việt Nam. Trong năm 2017, bốn ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Indonesia bắn bị thương vì bị cho là đánh cá trái phép ở Natuna.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.