Chính quyền kêu gọi ông Nguyễn Văn Tráng ra đầu thú khi đang tị nạn chính trị ở Thái Lan

RFA
2022.01.25
Chính quyền kêu gọi ông Nguyễn Văn Tráng ra đầu thú khi đang tị nạn chính trị ở Thái Lan Ông Nguyễn Văn Tráng và thư kêu gọi ra đầu thú
FBNV/ RFA edited

Một nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam bị chính quyền truy lùng và kêu gọi ra đầu thú mặc dù ông này đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan. 

Ông Nguyễn Văn Tráng là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh bảo vệ quyền con người cho người dân Việt Nam nhưng không được chính phủ công nhận. 

Hôm 25 tháng 1 ông này thông báo trên Facebook cá nhân, cho hay ông bị chính quyền tỉnh Thanh Hóa kêu gọi ra đầu thú để được hưởng khoan hồng sau ba năm bị phát lệnh truy nã.  

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Tráng cho biết thêm thông tin về sự việc:

Ngày hôm qua, tức là ngày 24 tháng 1 năm 2022, thì lực lượng an ninh huyện cùng với chính quyền địa phương, họ có đến nhà và đưa giấy kêu gọi đầu thú. 

Trước đó khoảng một tuần thì trên Fanpage Facebook của công an huyện Hậu Lộc, thì họ có đưa cái quyết định truy nã và yêu cầu người dân khi nào bắt gặp thì có thể bắt tôi, và giao cho cái cơ quan cảnh sát nơi gần nhất hoặc là chính quyền địa phương nơi gần nhất.

nguyenvantrang-02.jpg
Thư kêu gọi đầu thú của liên ngành công an, MTTQ, viện kiểm sát và tòa án Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Tráng bị phát lệnh truy nã hồi tháng 12 năm 2018 với cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Trong Thư kêu gọi người có quyết định truy nã ra đầu thú của liên ngành Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thì "đây là cơ hội tốt nhất cho những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, tránh được những ngày tháng lẩn trốn xa vợ, xa con, xa người thân để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình". 

Thư kêu gọi đề ngày 3 tháng 1 năm 2022 được đánh máy sẵn nội dung cảnh báo cho rằng, "nếu tiếp tục lẩn trốn, phạm tội mới, khi bị bắt sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật". 

Nói về lý do chính quyền địa phương vẫn truy lùng mình mặc dù bản thân đã đi tị nạn, nhà hoạt động dân chủ này cho biết: 

Tôi cũng thắc mắc là tại sao tôi đã đi tị nạn rồi và bản thân lực lượng cảnh sát và an ninh cũng biết là tôi đi tị nạn, nhưng cái mức độ bố ráp và khủng bố gia đình tôi, và cái mức độ kêu gọi đầu thú nó lại diễn ra dưới quy mô lớn và quyết liệt như vậy. 

Tôi không thể nói thay suy nghĩ của họ được, tuy nhiên tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính. 

Nguyên nhân thứ nhất là cái truyền thống bố ráp tôi khi còn ở Việt Nam, nó có thể là đặc trưng của địa phương mà cụ thể ở đây là chính quyền tỉnh Thanh Hoá. 

Nguyên nhân thứ hai là theo tôi biết vào năm 2019, lực lương an ninh phát hiện và bắt giữ một người trong đó có những cái thông tin, bằng chứng cho thấy rằng tôi đang nỗ lực quay trở lại Việt Nam. 

Và cái nguyên nhân thứ ba tôi cho rằng mặc dù tôi đã ở bên Thái Lan và cách xa Việt Nam, nhưng mà những nỗ lực đấu tranh cho Việt Nam vẫn còn trong khả năng của chính bản thân tôi. Thành ra đối với lực lượng an ninh, cái mối đe dọa do những hoạt động của tôi gây ra vẫn còn tồn tại.” 

Screen Shot 2022-01-25 at 06.37.32.png
Ông Nguyễn Văn Tráng (bên phải) trong cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016

Ngoài truy nã, ông Tráng cho biết chính quyền địa phương còn tổ chức đấu tố ông thông qua các cuộc họp và các buổi phát thanh, với mục đích mà ông này cho là khiến người dân địa phương sợ hãi và xa lánh gia đình ông. 

Theo nhà hoạt động này thì mục tiêu của chính quyền là ngăn cản không cho ông quay trở lại quê hương, ông Tráng cũng đồng thời bày tỏ lo lắng về sự an nguy của bản thân khi ở Thái Lan. 

Rời Việt Nam vào tháng 5 năm 2018, đúng thời điểm nhà cầm quyền đang tổ chức chiến dịch bắt giam và kết án nhiều người thuộc Hội Anh em Dân chủ, ông Nguyễn Văn Tráng xin tị nạn chính trị và sinh sống ở xứ Chùa Vàng kể từ đó. 

Khoảng chín thành viên của hội này đã bị bắt và kết án từ 7 tới 15 năm tù, tất cả đều bị cáo buộc dưới tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Làn sóng bắt bắt bớ ở quốc gia độc đảng này vào năm 2018 dẫn đến việc hàng chục nhà hoạt động phải chạy qua Thái Lan xin tị nạn chính trị để tránh bị đàn áp, trong đó có ông Nguyễn Văn Tráng. 

Tháng 1 năm 2019, một blogger của RFA là ông Trương Duy Nhất bị mất tích chỉ một ngày sau khi nộp hồ sơ xin tị nạn ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền tố cáo chính quyền Hà Nội đã bắt cóc ông này. 

Blogger nổi tiếng này sau đó xuất hiện trong nhà tù ở Việt Nam, và bị đưa ra toà vào ngày 9 tháng 3 năm 2020, và bị xử 10 năm tù với cáo buộc “lợi dụng chức vụ và quyền hạn”. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
25/01/2022 16:41

Ông Tráng nên gửi ngay lên Cao ủy Tỵ nạn của LHQ các bằng chứng tố cáo vi phạm nhân quyền qua việc đe doạ, truy nã của nhà câm quyền VN.

Nguyen thanh Phong
27/01/2022 01:44

Việt cộng nói đánh kẻ chay đi không bao giờ đánh người trở lại ?
Ông Nguyễn văn Tráng biết không ít bài học của người đi trước,
chắc chắn không để lủ hèn với giặc ,ác với dân khoan hồng
tối thiểu cũng 10 cuốn lịch ?