Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh; Thanh Long còn tồn 30 ngàn tấn

RFA
2022.03.01
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh; Thanh Long còn tồn 30 ngàn tấn Một nhà vườn trồng thanh long tại Bình Thuận
Người Lao động

Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2022 chỉ đạt gần 1,3 tỷ đô la, giảm gần 31% so với năm ngoái. Lý do được nói vì Trung Quốc siết chặt kiểm dịch và các cửa khẩu đóng, mở thất thường. Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố với truyền thông nhà nước trong ngày 1/3/2022.

Theo Bộ, do Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID” nên xuất khẩu rau quả sang thị trường này không còn là mặt hàng có giá trị lớn nhất, thay vào đó là nhóm hàng cao su, chiếm 33,3% kim ngạch.

Tuy vậy, Bộ Nông nghiệp cũng cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong hai tháng đầu năm ước đạt gần 14,2 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD (tăng 20,9%); nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD (tăng 10%). Và thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đạt trên 2,3 tỷ đô la (chiếm 28,2% thị phần), tăng gần 13% so với năm 2021.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp trong thời gian đến Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện qui định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.

Cũng trong ngày 1/3, Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận cho truyền thông hay giá bán thanh long đang giảm sâu chỉ còn từ 500 đến 1.500 đồng/kg, do việc xuất khẩu trái cây này bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang bị tắc nghẽn. Trong khi đó, việc xuất khẩu bằng đường biển không thể thực hiện được do chi phí vận chuyển quá cao.

Theo Hiệp hội, hiện còn khoảng 30 ngàn tấn thanh long đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong tháng 3, còn khoảng 100 ngàn tấn thanh long cần thu hoạch.

Do đó, Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay; đồng thời kêu gọi các địa phương vào cuộc giải cứu tiêu thụ thanh long.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.