Chuyên gia: Trung Quốc hợp tác quân sự với Lào là "mối đe doạ an ninh nghiêm trọng" đối với Việt Nam

RFA
2023.05.10
Chuyên gia: Trung Quốc hợp tác quân sự với Lào là "mối đe doạ an ninh nghiêm trọng" đối với Việt Nam Thiếu tướng Chanthong Soneta-ath, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Lào nói chuyện với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tháng 6/2022
REUTERS/Caroline Chia

Việt Nam cần cảnh giác với quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Lào, bao gồm cả hợp tác quân sự, tránh việc Viêng Chăn bị sử dụng như bàn đạp để cắt đôi đất nước từ phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc, theo một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Boston, Hoa Kỳ.

200 binh sĩ thuộc Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc bắt đầu một cuộc tập trận quân sự chung với 700 quân nhân Lào từ ngày 9/5 đến 28/5 mang tên “Lá chắn hữu nghị 2023” (Friendship Shield 2023), để đối trọng với các cuộc tập trận khác của Mỹ với các nước khác trong khu vực.

Cuộc diễn tập mô phỏng các cuộc tấn công vào các nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Đây là cuộc diễn tập quân sự thứ hai trong vài năm trở lại đây giữa hai quốc gia đều có chung đường biên giới với Việt Nam. Trước đó, trong năm 2019, Bắc Kinh và Viêng Chăn đã tổ chức tập huấn cứu hộ y tế nhân đạo chung mang tên "Đoàn tàu Hòa bình."

"Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình"

Từ Đại học Boston (Boston College), nơi ông đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành An ninh quốc tế, ông Vũ Xuân Khang khẳng định với RFA qua email:

“Việt Nam cần phải nhìn nhận sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Lào là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn nhiều so với các hành động gây hấn trên biển Đông do các hòn đảo không có ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của Việt Nam như Lào.”

Quan hệ Việt-Lào được cho là nồng ấm như anh em trong một nhà cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản. Việt Nam trợ giúp Lào trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, với việc đa số cán bộ và sỹ quan cao trung cấp được đào tạo trong các trường dân sự và quân sự ở Hà Nội.

Việc ông Võ Văn Thưởng chọn Lào là nước đầu tiên ông này công du (10-11/4/2023) trên cương vị Chủ tịch nước được xem là Thể hiện chính sách nhất quán của Hà Nội là "luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào," theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Lào cũng tăng cường hợp tác đa phương với Trung Quốc.

Theo học giả này, trước năm 1991, Việt Nam là đối tác quân sự cũng như kinh tế quan trọng nhất của Lào. Nhưng sau thời điểm đó, Trung Quốc bình thường hoá quan hệ với hai quốc gia phía nam, Hoa Lục dần vượt qua Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lớn thứ hai của Lào chỉ sau Thái Lan.

Trung Quốc dễ dàng có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Việt Nam tại Lào qua các dự án đầu tư kinh tế như đường ray nối thủ đô Viêng Chăn tới biên giới Lào-Trung Quốc, hay phân nửa các khoản nợ nước ngoài của Lào là do Trung Quốc nắm giữ, ông nói.

“Quan hệ Việt-Lào do vậy chỉ còn lại trụ cột chính là quân sự do hai nước vẫn là đồng minh quân sự chính thức theo Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác 1977.

Việt Nam cần duy trì Lào trong quỹ đạo của mình để tránh việc Trung Quốc có thể sử dụng Lào làm bàn đạp để cắt đôi Việt Nam từ phía Tây cùng lúc tấn công từ phía Bắc,” ông nhấn mạnh.

Theo ông Khang, việc tập trận chung giữa Trung Quốc và Lào có thể sẽ tạo tiền đề để Trung Quốc dần kéo Lào vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, và cũng như quan hệ kinh tế "Việc Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Lào sẽ làm suy yếu quan hệ quân sự Việt-Lào,” ông nói.

2021-12-02T054500Z_669434886_RC206R9QE41F_RTRMADP_3_LAOS-CHINA-TRAIN.JPG
Một nhà sư ban phước lành cho một đoàn tàu trước lễ bàn giao dự án đường sắt cao tốc nối thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc với Viêng Chăn -Lào hồi tháng 12/20211. Ảnh: REUTERS/Phoonsab Thevongsa

Một cựu giảng viên của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bình luận với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, đồng ý với nhận định ảnh hưởng của Việt Nam lên Lào đang suy giảm trong khi quan hệ Trung-Lào đang đi theo chiều ngược lại.

“Trung Quốc từ lâu đã tung tiền ra để gây ảnh hưởng chính trị ở Châu Phi, Lào, Campuchia.

Ở Lào, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các tập đoàn kinh tế của người Hoa làm ăn, mua đất lập đặc khu ở Lào. Những khu vực của người Hoa ở Lào như một quốc gia riêng, ngay cả nhân viên an ninh Lào cũng không được phép thâm nhập.”

Ông nói Chính phủ Việt Nam vẫn cho tình báo quân đội sang Lào hoạt động dưới vỏ bọc làm kinh tế, tuy nhiên, họ chỉ tìm cách kiếm ăn qua việc buôn lậu và khai thác trộm gỗ rừng. RFA không thể kiểm chứng độc lập thông tin này.

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội không nêu tên cho rằng, quan hệ quân sự Trung-Lào, thông qua tập trận chung, nằm trong kế hoạch của Trung Quốc để tăng ảnh hưởng lên Lào. Họ đã làm thành công với Campuchia, một quốc gia từng là sân sau của Việt Nam.

Việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên hai quốc gia từng được xem là "phên dậu" của Việt Nam ở phía Tây có thể là sự đáp trả việc nước này tăng cường quan hệ bang giao với Hoa Kỳ, người này nói.

"Không có gì bất thường"

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, nhìn sự việc không quá nghiêm trọng như ba người Việt ở trên. Theo ông, hai nước có quan hệ song phương đặc biệt và không bị ảnh hưởng bởi cuộc tập trận quân sự đang diễn ra.

“Không có gì bất thường về những trao đổi quân sự này giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phía nam, Lào và Việt Nam,” ông nói trong email gửi RFA ngày 10/5 đồng thời khẳng định nó "không báo hiệu bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong quan hệ song phương hiện có""Không có lý do gì phải chấm dứt các hoạt động quân sự này ngay bây giờ hoặc trong tương lai.”

Theo ông, cuộc tập trận này không phải là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại vì nó giúp xây dựng năng lực của quân đội Lào để đảm bảo an ninh ở phía biên giới Lào-Việt.

Tuy nhiên, theo ông, cuộc tập trận Lào-Trung cùng với các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc với Campuchia và Singapore là đối trọng với hoạt động quân sự chung giữa Hoa Kỳ với Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức thường lên tiếng phản biện về các vấn đề xã hội, cũng có cái nhìn lạc quan về quan hệ tay ba Việt-Lào-Trung.

Chia sẻ với RFA, ông cho rằng Lào có quan hệ khăng khít với Việt Nam từ xưa nên sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng mình như một bàn đạp để tấn công Việt Nam.

Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Việt Nam để đề nghị bình luận về cuộc tập trận chung Lào-Trung Quốc nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Là Thăng
10/05/2023 10:31

2000 năm nay Trung Quốc nay là bọn trung cộng bành trướng bọn này lúc nào cũng muốn chiếm lấy VN. Nhưng lần nào cũng vác xác và mang đầu máu chạy về nước kể cả cái thời cộng sản với nhau " sông liền sông, núi liền núi, môi hở răng lạnh" mà tên cướp Đặng Tiểu Bình đã xua quân xâm lược Việt Nam năm 1978 với cái gọi là " dạy cho việt cọng 1 bài học " đồng thời trước đó trung cộng đã xúi giục bọn cộng sản đàn em Polpot tấn công phía nam và xúi giục cộng sản Polpot thực hiện chính sách diệt chủng cả 2 dân tộc Campuchia và dân tộc VN nhằm thực hiện ý đồ đen tối và tàn bạo là chiếm lấy cả 2 quốc gia này. Ý đồ đen tối đê hèn đó trung cộng không đạt được nên chúng mưu mô thực hiện ý đồ tàn bạo khác là dùng sức mạnh cướp hết biển đảo ở biển đông với đường lưỡi bò mà bọn trung cộng ngang ngược tự đặt ra ( đã bị tòa án Quốc tế bác bỏ) và cả thế giới phản đối. Nay chúng dùng thủ đoạn đê hèn đen tối để dụ dỗ Lào, Campuchia hợp tác với trung cộng tấn công chiếm lấy VN với sự ăn chia làm 3 phần như sau: Campuchia thì được hứa sẽ được chia từ Bình Thuận trở vào nam; Lào thì được hứa sẽ được chia từ Bình Thuận ra tới Hà Tĩnh ( để cho Lào được giáp với biển vì hiện nay Lào là quốc gia không có biển) ; còn lại từ Hà Tĩnh trở ra phía bắc và tất cả biển đảo nằm ngoài 12 hải lý đều là phần của trung cộng,đặc biệt là trung cộng nó lấy luôn đảo ngọc Phú Quốc và các chuỗi đảo khác...nên VN cần phải hết cảnh giác ý đồ đen tối và tàn độc này của bọn bành trướng trung cộng. Vì Lào và Campuchia sẽ rất mơ ước với phương án này và sẵn sàng phản bội VN bất cứ lúc nào.

Nguyễn Văn
10/05/2023 12:35

Tàu Cộng hợp tác quân sự với Lào và Campuchia (Miên) bao vây đất nước VN từ bốn phía, bắc thì Tàu, tây thì cũng Tàu và Lào, nam thì cũng Tàu và Campuchia, và đông hướng ra biển cũng bị chặn bởi Tàu Cộng thậm chí VN không bảo vệ được ngư dân của mình. Như vậy mà không cho là an ninh sinh tử của đất nước bị đe dọa nghiêm trọng thì vấn đề gì mới là quan trọng của đất nước? Hay là cứ cho an ninh đất nước không quan trọng bằng kinh tế, cứ lo làm giàu mới là quan trọng?

Có thể nói trọng lịch sử hình thành đất nước VN, chưa bao giờ đất nước bị bao vây lâm nguy như ngày nay. Sau khi chiếm được Sài Gòn, để chặn đứng ảnh hưởng của Tàu Cộng ở đất Miên, cộng sản Bắc Việt phải chọn lựa bỏ Tàu Cộng theo Liên Xô và đưa quân sang đất Miến đánh Pol Pot là tay sai của Tàu. Lúc đó, vì để cứu Pol Pot, Tàu Cộng đánh vào phía bắc đất nước VN mà họ là dạy VN một bài học. Bài học này vẫn còn nóng hổi mà sao quên mau thế? Tàu đã đóng quân ở đất Miên, nay liên kết quân sự với Lào, để làm gì VN không hiểu hay sao?

Dù Hà Nội không muốn có quan hệ chiến lược với Mỹ trong năm nay, hoặc không làm đồng minh với Mỹ theo chính sách quân sự 4 Không 1 tùy, hoặc là ngoại giao cây tre, hoặc trung lập, thì VN vẫn bị Tàu Cộng bao vây và đe dọa tới sự tồn vong của đất nước.

Liên Xô ngày trước là đồng minh của VN cũng không cứu được VN khi Tàu Cộng tấn công hướng bắc vào đất nước VN. Họ không những không can thiệp về quân sự mà cũng không giúp đỡ được gì cho VN vào thời điểm đó. Cũng may là còn vũ khí của Mỹ bỏ lại và quân đội của Đặng không mạnh như bây giờ và Đặng cũng ở thế yếu so với Mỹ và Liên Xô lúc bấy giờ nên chỉ dám dạy VN một bài học nhỏ với sự đồng ý của Mỹ, muốn cho Hà Nội hiểu về tình đồng chí cộng sản không xóa được tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tàu Cộng.

Đảng cộng sản VN phải hiểu, phải làm gì để bảo vệ đất nước khi ĐÃ quay đầu làm ăn kinh tế với Mỹ và thế giới tư bản. Trừ khi người cộng sản chỉ lo bảo vệ đảng và đặt lợi ích của đảng cầm quyền trên sự tồn vong của đất nước VN.
nv