Con của Việt Kiều Mỹ bị 14 năm tù: Sẽ kháng án!

RFA
2018.08.22
jameshan_960.jpeg Bà Phan Angel (bên trái) và ông Nguyen James Han
RFA edit/ Courtesy AFP

Ông Tommy Le, con của bà Phan Angel, công dân Mỹ gốc Việt vừa bị kết án 14 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cho biết sẽ liên hệ với luật sư để kháng án lên cấp phúc thẩm trong vòng 15 ngày tới.

Chiều ngày 22/8, hai công dân Mỹ là bà Phan Angel và ông Nguyen James Han bị tuyên án mỗi người 14 năm tù giam cùng với 10 người Việt Nam khác vì bị cho là thuộc tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” của ông Đào Minh Quân.
Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại sau khi kết thúc phiên tòa, ông Tommy Le cho hay mức án mà tòa án TPHCM tuyên đối với mẹ của ông là không hợp lý.
Gia đình thực sự cũng không biết tình hình ở bên trong đó nặng nề như thế nào, bà cũng già rồi mà chịu mức án đó thì thấy không hợp lý, giờ chỉ muốn xin cho nhẹ án để trục xuất về Mỹ lại thôi. Bà ‘cương’ lắm, đến lúc ra tòa thì bà vẫn ‘cương’ như bình thường.
Bà không chịu nhận tội cho nên bây giờ luật sư phía bên lãnh sự quán cũng không biết làm sao với trường hợp của bà.

Mạng báo VnExpress dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát cho hay, tổ chức Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời được Đào Minh Quân thành lập tại Mỹ, hoạt động chống Nhà nước Việt Nam bằng bạo động vũ trang.

Đài Á Châu Tự Do đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông Đào Minh Quân nhưng không có người trả lời.

Theo truyền thông trong nước, vào tháng 2/2017, Phan Angel và Nguyen James Han về Việt Nam tập hợp các thành viên để thực hiện chống phá nhân dịp lễ 30/4 và 1/5. Bà Phan Angel liên lạc với Nguyễn Quang Thanh (được phong là tỉnh trưởng Quảng Nam, đã bị TAND tỉnh Bình Định kết án cuối năm ngoái) cùng nhiều người khác để chọn địa điểm tổ chức tuần hành.
Tuy nhiên, ông Tommy Le kể lại, bà Phan Angel trở về Việt Nam vào tháng 3 năm 2017 để chăm sóc cho người mẹ đang hấp hối, và lo mồ mả, sau đó đến ngày 27/4/2017 thì bị bắt.

Hình chụp màn hình trang web của tổ chức chính phủ quốc gia VN lâm thời của ông Đào Minh Quân.
Hình chụp màn hình trang web của tổ chức chính phủ quốc gia VN lâm thời của ông Đào Minh Quân.
Courtesy Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời

Theo lời ông này, tòa Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM có vào thăm bà Phan Angel mỗi tháng 2 lần khi bà ở trại tạm giam Phan Đăng Lưu. Gia đình bà Phan Angel cũng đến thăm bà ở trại giam Phan Đăng Lưu, nhưng gần đây bà bất ngờ bị chuyển qua khám Chí Hòa và gia đình không được vào thăm nữa.

Ngoài trường hợp bà Phan Angel và ông Nguyen James Han, Việt Nam cũng đang giam giữ một công dân Mỹ gốc Việt khác là ông Michael Phương Minh Nguyễn cũng với cáo buộc “Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Một công dân Mỹ gốc Việt khác là a
nh Will Nguyễn, công dân của thành phố Houston, bang Texas bị trục xuất về Mỹ hôm 20/7 sau 41 ngày bị giam giữ vì tham gia biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10/6.

Ông Tommy Nguyen cho rằng trường hợp mẹ của ông khác với trường hợp của Will Nguyen:

“Tình hình của Will Nguyễn thì khác, đó chỉ là tham gia biểu tình thôi, nó không nằm trong điều luật ‘khủng bố’ giống mẹ tôi, nên 2 cáo trạng hoàn toàn khác nhau. Tùy theo trường hợp và mức độ của vụ án thì Mỹ có nhúng tay can thiệp vào hay không. Bên phía mẹ tôi thì nằm trong hoạt động ‘khủng bố’ nên Mỹ chỉ đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mẹ, còn khi xử thì phải xử theo luật của Việt Nam.”

Nhiều dân biểu và thậm chí cả Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ phải can thiệp đối với hai trường hợp Will Nguyen và Michael Phuong Minh Nguyen.

Ông Tommy Le cũng cho biết ông đã gửi email cho một dân biểu ở khu vực ông đang sinh sống nhưng không thấy người này trả lời. Ông Tommy Le nói ông nghĩ là sẽ không làm được gì nên thôi.
Bà Phan Angel, tên thật là Phan Thị Đào, năm nay 62 tuổi, được con trai bảo lãnh qua Mỹ năm 2002, làm nghề may áo cưới.
Thời gian sau này bà có may trang phục cho cộng đồng và tiếp xúc với nhiều người. Ngoài hình phạt 14 năm tù giam bà Phan Angel và ông Nguyen James Han sẽ bị trục xuất về Mỹ sau khi thụ hết án.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.