Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Ánh bị tòa phúc thẩm y án 6 năm
2019.11.07
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, vào tối ngày 7 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin về phiên phúc thẩm như sau:
“Hôm nay Tòa áncó nhiều điểm khác nhiều phiên tòa khác, thứ nhất là an ninh siết chặt nghiêm ngặt ngay cả luật sư cũng không được phép mang laptop vào phòng xét xử. luật sư phải khiếu nại, kỳ kéo, tranh đấu cuối cùng được mang usb copy tài liệu, in ra. Có điểm lạ tất cả những người đến dự khán phiên tòa gồm người nhà, vợ các TNLT khác đều được vào tòa nhưng chỉ được vào phòng xem qua màn ảnh tivi, không được vào trực tiếp phòng xét xử. Đây là điều hết sức lạ, trước nay việc vào tham dự rất khó khăn, duy có điều ở phòng đó thì những người tham dự qua màn hình TV nói rằng khi nào, luật sư nói trong tòa hoặc bị cáo nói thì màn hình bị cắt đen thui không có tín hiệu nào cả.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thêm anh Ánh giữ thái độ hết sức kiên cường, Ánh thừa nhận hết tất cả hành vi trong bản cáo trạng nêu duy có điều rằng Ánh không thừa những hành vi đó là hành vi có tội, Ánh cho rằng tất cả hành vi anh làm là thực hiện quyền người dân được làm theo hiến pháp, đó là quyền tự do ngôn luận (nói tất cả những điều mình muốn) gồm cả quyền tham gia xây dựng chính quyền, góp ý những vấn đề về xã hội, và kêu gọi biểu tình cũng là quyền do hiến pháp qui định, thực ra là kêu gọi những người dân khác tham gia thực hiện quyền công dân của mình nó cũng không gọi là vi phạm tội.
Vào ngày 6 tháng 11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Theo HRW thì việc truy tố và giam giữ nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh rõ ràng vi phạm quyền tự do ngôn luận của bản thân ông này.
Ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của HRW, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook. Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự.
Trả lời RFA hôm 6/11, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc chuyên trách châu Á, thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói:
“Tôi thực sự rất quan ngại về việc nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh ra tòa ngày mai vì phải đăng bài và đưa bình luận trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông ấy lẽ ra không phải ra tòa và phải được trả tự do. Đó là việc một cá nhân thực thi quyền tự do ngôn luận. Lẽ ra không nên coi là phi pháp khi người ta đưa thông tin trên mạng xã hội và ông ta phải được trả tự do. Toà án tỉnh ở Việt Nam buộc tội ông ấy vì ông ấy dám chỉ trích chính quyền, lên tiếng cảnh báo về môi trường, nhân quyền. Đó là cách nhà cầm quyền Việt Nam đáp trả lại những tiếng nói chỉ trích. Thật sự thì những người như ông này lên tiếng vì họ muốn điều tốt cho Việt Nam.”
Kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh bị cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre bắt vào ngày 30 tháng 8 năm ngoái với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghịa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ Luật HÌnh sự Việt Nam.
Tòa sơ thẩm ở Bến Tre vào ngày 6 tháng 6 vừa qua tuyên ông Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Theo truyền thông trong nước thì ông Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ các tin, bài ‘phản động’ nhằm nói xấu đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh. Tuy nhiên, theo HRW thì các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh là về các vấn đề điển hình thu hút quan tâm của các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, nạn hủy hoại môi trường do nhà máy Formosa gây nên kể từ tháng 4 năm 2016, tình trạng thiếu tự do chọn lựa trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của các tù chính trị.