Tòa phúc thẩm tuyên y án 5 công an sử dụng nhục hình đánh chết người bị giam giữ

RFA
2019.05.21
dieinpolicecustody.jpeg Hình minh họa. Nạn nhân chết trong đồn công an trong năm 2018
Courtesy of FB, RFA edit

Năm cựu công an sử dụng nhục hình đánh chết người bị tạm giam được tòa án cấp cao y án. Nạn nhân là anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, bị đánh chết trong nhà tạm giữ của Công an thành phố Phan Rang hồi năm 2017.

Tin cho biết Tòa án Nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21 tháng 5 mở phiên phúc thẩm vụ án dùng nhục hình đối với 5 nguyên bị cáo nguyên cán bộ, chiến sĩ đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Tòa xử y án sơ thẩm tuyên vào ngày 13 tháng 9 năm 2018. 5 người bị tuyên án gồm Ngô Văn Sáng 7 năm tù giam, Trần Đức Lâm 6 năm tù giam, Nguyễn Phạm Việt Hà 6 năm tù giam, Hồ Bá Đồng 5 năm tù giam, Vũ Trọng Trường 3 năm tù giam về tội danh ‘dùng nhục hình’ áp dụng theo khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi năm 2009.

Tuy nhiên đại diện gia đinh của người bị hại Võ Tấn Minh không chấp nhận bản án sơ thẩm nên làm đơn kháng cáo đề nghị thay đổi tội danh từ ‘dùng nhục hình’ sang ‘giết người’.

Hội đồng xét xử tại phiên phúc thẩm cho rằng các bị cáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân Võ Tấn Minh nên không có căn cứ để chấp thuận chuyển đổi tội danh.

Tình trạng các điều tra viên sử dụng bạo lực, tra tấn dẫn đến việc người bị tạm giam để điều tra tử vong được cho là thường xảy ra ở Việt Nam.

Thống kê trong năm 2018 có 11 trường hợp nạn nhân chết bất minh trong đồn công an. Bộ Công an cho rằng lý do của những cái chết đó là vì bệnh lý hay tự sát.

Trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Công An Việt Nam giải trình rằng một trong các nguyên nhân tử vong tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam là do ‘phạm nhân day dứt về hành vi phạm tội của họ dẫn đến bi quan mà tự tử.’

Thân nhân của những nạn nhân thì cho rằng người nhà của họ trước khi vào đồn công an vẫn mạnh khỏe, không có biểu hiện gì về tâm thần.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.