Tình trạng găm hàng, bán hàng nâng giá để trục lợi trong mùa dịch đã xuất hiện sau khi Việt Nam áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phía Nam.
Mấy ngày qua không chỉ truyền thông Nhà nước Việt Nam (VN) loan tin trên mà trên mạng xã hội cũng có nhiều ý kiến phẫn nộ về thương hiệu Bách Hoá Xanh (BHX) đã nâng giá bán cao hơn bình thường trong những ngày nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để ngừa COVID-19.
Cụ thể, theo nguồn Vietnamplus, trong ngày 18/7 Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản với cửa hàng BHX ở thành phố Sóc Trăng về việc bán hàng cao hơn so với giá niêm yết. Tuy nhiên đại diện BHX chỉ nhận sai sót do không thay giá chứ không phải cố ý bán giá cao hơn niêm yết.
Vụ việc vừa xong tại cửa hàng BHX ở Sóc Trăng thì trong ngày 19/7, ngày đầu tiên Đắk Lắk áp dụng Chỉ thị 15, QLTT Đắk Lắk cho truyền thông hay đã phát hiện thêm một cửa hàng của BHX tại thành phố Buôn Ma Thuột bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá niêm yết.
QLTT cho biết một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng giá gấp ba đến bốn lần.
Cục QLTT kêu gọi người dân bình tĩnh, không nên hoang mang, đồng thời cho rằng việc tích trữ lương thực, thực phẩm sẽ tạo sự khan hiếm giả trên thị trường, từ đó tạo cơ hội để các đối tượng xấu găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính.
Trước tình hình khan hiếm thực phẩm trong những ngày qua, trong ngày 19/7, 40 tấn nông sản từ Tiền Giang, Bến Tre được vận chuyển bằng tàu cao tốc đã cập bến TPHCM.
Tờ VnEconomy cho hay đây là những tấn nông sản đầu tiên được vận chuyển bằng tàu cao tốc về cảng TPHCM, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng tâm dịch.
Sở Giao thông- Vận tải TPHCM nói đã chuẩn bị năm tàu cao tốc để vận chuyển hàng hoá đi từ các cảng, bến thuỷ nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long về TPHCM và ngược lại. Trung bình mỗi chuyến chở khoảng 20 tấn hàng hoá.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, nguồn hàng đang thiếu để cung ứng cho người dân thành phố lúc này là rau củ quả, do hiện chỉ còn 46 chợ truyền thống đang hoạt động trong tổng số 237 chợ của toàn TP.HCM.