Chênh lệch hàng chục tỷ đô la trong dự toán vốn đầu tư cho dự án đường sắt Bắc-Nam giữa hai bộ

RFA
2019.07.09
CaoTocBacNam.jpg 7 tổ chức và gần 450 cá nhân ký tên vào bản Tuyên bố kêu gọi Nhà nước Việt Nam lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước…để tìm phương án tối ưu cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình vietnamnet.vn

Tổng kinh phí tiền vốn tính toán cho dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam giữa hai Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư và Bộ Giao thông- Vận tải của chính phủ Việt Nam chênh nhau đến 32 tỷ đô la Mỹ.

Theo truyền thông trong nước hôm 9 tháng 7, con số do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra là 26 tỷ đô la; trong khi đó con số của Bộ Giao thông- Vận tải là 58 tỷ đô la Mỹ.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư có báo cáo gửi thủ Tướng chính phủ về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam dựa trên phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1 được nói là nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác tàu khách 80-90 km/h và tàu hàng 50-60 km/h.

Kịch bản 2 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại khổ 1m lên khổ 1.435m, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/h, và nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70 km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hóa khai thác tàu có tốc độ 320 km/h.

Theo các chuyên gia Đức và Hà Lan, tốc độ tàu chạy Bắc Nam khoảng 200 km/h sẽ mang lại hiệu quả vì tổng mức đầu tư giảm, thời gian di chuyển từ Hà Nội – TP.HCM khoảng 8 giờ đồng hồ.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách như tại Hà Lan.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải từng đưa ra phương án đầu tư tuyến đường sắt đường đôi khổ lớn dành cho tàu chỉ chở khách với vận tốc 320 km/h. Thời gian xây dựng trong 30 năm, dự kiến 2020 – 2050.

Phương án đầu tư đường sắt cao tốc với tính toán 58 tỷ USD như Bộ Giao thông- Vận tải đề ra bị các chuyên gia trong nước phản đối vì cho rằng hiệu quả kinh tế giảm khi tàu không chở hàng hóa, giá vé đi tàu cao sẽ không cạnh tranh được với máy bay và gây phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Ngoài ra các chuyên gia trong nước cho rằng mức tổng đầu tư quá cao sẽ gây bất công trong việc phân bổ vốn đầu tư vào các loại hình vận tải khác; cũng như nguy cơ gây nợ cho Chính phủ khi hiện nay Việt Nam vẫn phải huy động tiền từ nước ngoài, vay mượn để làm hạ tầng.

Sau khi có tin Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất phương án cải tạo đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 26 tỷ USD, một chuyên gia trong nước tán thành và cho rằng phương án này trùng với ý kiến của họ từng đưa ra cách đây 5 năm trước nhưng bị Quốc hội bác bỏ.

Bộ Giao thông- Vận tải lên tiếng thanh minh cho rằng con số mà bộ này đưa ra đã có thông qua ý kiến các chuyên gia, bộ/ngành và các kỳ hội thảo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.