HRW: Campuchia không tuân thủ luật quốc tế trong vụ người Thượng VN

RFA 02.05.2015
Một nhóm người Thượng từ Việt Nam chạy trốn sang vùng rừng Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia , đang lo sợ bị chính quyền Campuchia bắt giữ và trục xuất hồi tháng 1, 2015 Một nhóm người Thượng từ Việt Nam chạy trốn sang vùng rừng Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia , đang lo sợ bị chính quyền Campuchia bắt giữ và trục xuất hồi tháng 1, 2015
RFA

Biện pháp của chính quyền Kampuchia từ chối không cho những người từ Việt Nam đi tìm qui chế tỵ nạn phép đăng ký và kiếm được tư cách tỵ nạn chứng tỏ Phnom Penh không tuân thủ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này.

Hai tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trụ sở tại New York, Hoa Kỳ và LICADO tại Phnom Penh ra thông cáo như vừa nêu vào ngày hôm qua.

Theo thông cáo chung của Human Rights Watch và LICADO thì trong tháng ba năm nay, chính quyền Kampuchia công nhận 13 người thiểu số Tây Nguyên Việt Nam là người tỵ nạn. Số này đến được thủ đô Phnom Penh sau khi tìm đường vượt thoát từ Việt Nam sang đất Chùa Tháp nhờ sự giúp đỡ của văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Tuy nhiên, Phnom Penh cũng bất nhất trong hành xử khi từ tháng giêng đã từ chối trường hợp của chừng 100 người người thiểu số Tây Nguyên từ Việt Nam sang đăng ký và tiếp cận thủ tục tỵ nạn. Những người này được cho biết thuộc hai sắc tộc Jarai và Ê đê ở hai tỉnh Gia Lai và Dak Lak. Những người vượt thoát sang Xứ Chùa Tháp nói rằng họ thường xuyên bị bách hại vì lý do chính trị và tôn giáo.

Theo LICADO và Human Rights Watch thì khi được hỏi, những người sắc tộc thiểu số chạy trốn sang Kampuchia cho biết họ bị bách hại vì trung tín với đạo Tin Lành Đề Ga. Đây là giáo phái bị chính quyền Việt Nam cho là ‘sai trái’ cũng như nghi ngờ những người thiểu số đó ủng hộ cho ý đồ tự trị tại Tây Nguyên.

Thông báo báo chí của LICADO và Human Rights Watch nêu rõ trong số những người vừa nói có 54 người bị cảnh sát và chính quyền tỉnh Rattanakiri trục xuất về lại Việt Nam. Có 40 người tìm cách đến được thủ đô Phnom Penh bằng nhiều đường khác nhau. Một số trong những người này đến Cơ quan Tỵ nạn của chính phủ Kampuchia xin đăng ký nhưng bị từ chối. Gần đây có người đến còn nhận thông báo là không được đến để xin đăng ký.

Giám đốc của LICADO kêu gọi chính quyền Kampuchia phải tiến hành đăng ký ngay cho 40 người đi tìm qui chế tỵ nạn vừa nêu. Phnom Penh cần phải bảo đảm đất nước Kampuchia mở cửa cho người tỵ nạn và cho phép đăng ký để rồi đơn trình bày bị bách hại của họ có thể được cứu xét một cách công bằng và độc lập.

Còn theo giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch,  Brad Adams, thì nếu như những nước cấp viện cho Kampuchia không có hành động thẳng thắn ngay lập tức để ngăn chính quyền Phnom Penh trong vấn đề người sắc tộc thiểu số Việt Nam tìm qui chế tỵ nạn ở Xứ Chùa Tháp thì có thể sẽ xảy ra vụ cưỡng bức hồi hương tập thể lớn hơn cả vụ những người Uighur vào năm 2009.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.