Chính quyền hai nước Campuchia và Việt Nam đang tìm cách để hợp tác tốt hơn trong công tác chống buôn bán gỗ lậu và động vật hoang dã bất hợp pháp. Tờ Phnompenh Post đưa tin hôm nay.
Cục phó Cục Quản Trị Rừng thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, ông Chan Ponika, cho biết ông và một số quan chức Hải quan, Thương mại và Cảnh sát quân sự đã tham dự cuộc họp kéo dài 5 ngày tại Việt Nam hồi tuần trước.
Ông nói rằng hai bên đã thảo luận tăng cường hợp tác chống buôn bán gỗ lậu và thực thi pháp luật ở mỗi nước.
Ông nói với phía Việt Nam rằng mọi giao dịch mua bán gỗ đều phải có giấy chứng nhận, và ông yêu cầu phía Việt Nam báo cáo ngay những vi phạm.
Tại cuộc họp, ông Ponika nói rằng trước đây phía Campuchia đã thành lập một nhóm công tác để theo dõi các vấn đề vừa nêu nhưng hoạt động không hiệu quả lắm. Bây giờ ông đang cố gắng thúc đẩy để hoạt động hiệu quả hơn. Phía Campuchia cũng trình bày về các quy định của Xứ Chùa Tháp về việc buôn bán gỗ và động vật hoang dã cho các quan chức Việt Nam có mặt tại cuộc họp, trong đó có hải quan, lực lượng vũ trang và công an.
Khi được hỏi làm thế nào Campuchia có thể đảm bảo Việt Nam sẽ hợp tác bằng cách không chấp nhận gỗ bất hợp pháp từ Vương quốc, Ông Ponika chỉ nói: “Tôi không biết phải nói gì, nhưng chúng tôi đã giải thích với họ về gỗ hợp pháp là như thế nào.”
Ông hy vọng sau khi Việt Nam ký một thỏa thuận thương mại tự do với EU, Campuchia sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Việt Nam với các dự án mà Campuchia đề xuất như cải thiện sinh kế của những người sống ở vùng biên giới hai nước, những người lâu nay sống bằng nghề buôn bán gỗ và động vật hoang dã.
Cũng liên quan đến việc buôn bán động vật hoang dã, hôm nay 30 tháng 10, AFP đưa tin chính phủ Trung Quốc chính thức thông báo họ đã tháo gỡ quy định cấm sử dụng sừng tê giác và cao hổ cốt có hiệu lực trong vòng 25 năm qua.
Quốc vụ viện Trung Quốc cũng ra quy định việc sử dụng sừng tê giác và xương hổ phải đảm bảo phục vụ cho việc nghiên cứu hay chữa bệnh và phải có sự cho phép của bệnh viện và bác sĩ, đồng thời chỉ được lấy từ hổ, tê giác được nuôi nhốt chứ không phải từ thiên nhiên hoang dã.
Thông báo mới này gây tranh cãi từ các nhà bảo vệ môi trường vì họ lo ngại thị trường buôn bán động vật trái phép sẽ bùng nổ mạnh mẽ, gây nguy hiểm cho khoảng 30.000 con tê giác và 3.900 con hổ còn lại trên thế giới.
Theo số liệu năm 2010 thì Trung Quốc đang nuôi nhốt khoảng 6.500 con hổ, số lượng tê giác thì không xác định. Nhiều chuyên gia e ngại số hổ và tê giác hiện có của Trung Quốc sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu và sẽ dẫn đến bùng phát nạn săn bắn trộm, mua bán trái phép.
Năm 2016, Trung Quốc và Mỹ thông báo sẽ cấm mua bán ngà voi.