Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể chạy thương mại cuối năm 2020?

RFA
2020.07.10
0253f5d9-44f7-4398-83d5-67b0c7487527.jpeg Một góc đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
AFP

Ông Đường Hồng, giám đốc Tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết theo đánh giá khách quan thì dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2020.

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Hồng loan tin ngày 10/7.

Tin cho hay, phía tổng thầu hiện đang phối hợp với Chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đường sắt nghiệm thu các hạng mục công trình dự án. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, công tác nghiệm thu 20 ngày phải hoàn thành trong tháng 7 này.

Theo ông Đường Hồng, nhân sự phía tổng thầu bên ông đã sẵn sàng, chỉ cần phía chủ đầu tư thanh toán là có thể chạy thử.

Sau 20 ngày chạy thử, Chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước vào nghiệm thu công trình và bàn giao cho Metro Hà Nội.

Để nhận được thanh toán 50 triệu USD, Ban Quản lý dự án đường sắt đã yêu cầu phía Tổng thầu phải hoàn thành hồ sơ hoàn công.

Ông Đường Hồng cho biết việc xác nhận hồ sơ cũng như nghiệm thu các hạng mục đang được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

Vào chiều ngày 24 tháng 6 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói với bí thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ rằng dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông không phải là dự án thương mại bình thường, mà là dự án có sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Dự án này tượng trưng cho tinh thần hữu nghị giữa hai nước, do đó nếu kéo dài sẽ gây bất lợi cho cả đôi bên.

Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng.

Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.