Trung Quốc bác bỏ tin gây thương tích cho ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa
Trung Quốc lên tiếng bác bỏ tin lực lượng chấp pháp của nước này đã áp dụng biện pháp mạnh gây thương tích cho ngư dân Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa như truyền thông Việt Nam loan tin trong những ngày qua.
RFA Ban Tiếng Anh loan tin ngày 2/10 về bác bỏ vừa nêu của phía Trung Quốc, dẫn lời Bộ Ngoại giao Bắc Kinh rằng lực lượng chấp pháp của Hoa Lục đã “chuyên nghiệp và kiềm chế”, không hề gây ra thương tích nào.
Trong trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters về vụ gây thương tích mới nhất cho ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tàu cá Việt Nam đã đánh bắt trái phép trong vùng biển Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều muộn ngày 2/10 lên tiếng bày tỏ quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử mà Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng gọi là “thô bạo’ của lực lượng chấp pháp Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.
Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm pháp luật quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển”.
Bà Phạm Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội về vụ việc vừa nêu.
Thông tấn xã Việt Nam trước đó loan tin vụ tấn công, nhưng ngay sau đó cho rút bản tin xuống.
Một số cơ quan truyền thông Nhà nước khác gồm mạng báo Tiền Phong, vào ngày 1/10 dẫn lời ông Nguyễn Thanh Biên (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS kể lại, lúc khoảng 6 giờ sáng ngày 29/9, ông phát hiện con tàu mang số hiệu 301 trên máy định vị trên tàu.
Khoảng một tiếng sau, tàu 301 tiếp cận và rượt đuổi tàu cá. Khi đến gần, tàu này thả hai chiếc ca nô xuống và chạy hai bên kẹp tàu cá ở giữa để cho người lên tàu nhưng không được.
Cũng theo ông Biên, một lúc sau có thêm một tàu sắt khác mang số hiệu 101 tiếp cận, thả thêm một ca nô nữa, bao vây kẹp tàu cá vào giữa.
“Lúc này khoảng 10 giờ, lực lượng trên hai tàu sắt mang đồ rằn ri, khoảng 40 người leo lên tàu, mỗi người cầm một tuýp sắt rồi đánh xối xả... gặp đâu đánh đó. Lúc này tôi cố gắng chạy về phía trước mũi tàu, tuy nhiên có hai người kẹp tôi lại đánh tới tấp vào người khiến tôi bất tỉnh không biết gì nữa, khoảng một giờ sau tôi mới tỉnh lại”, thuyền trưởng Biên nhớ lại.
Em của ông Biên là ngư dân Nguyễn Thương (34 tuổi) lúc này quỳ xuống xin tha, nên họ không đánh nữa, đến một giờ chiều thì "lực lượng mặc đồ rằn ri" rời tàu chỉ để lại năm người kèm một thông dịch viên. Ông Thương kể lại: "Lúc này thông dịch viên nói cho tàu chạy về Việt Nam. Khi anh em kiểm tra thì ngư lưới cụ, máy móc trên tàu đã bị lấy đi hết, chỉ để lại một máy định vị để quay về bờ."
Mạng báo Kinh tế đô thị cho hay, khoảng sáu tấn hải sản các ngư dân đánh bắt được bị lấy đi và hầu hết dụng cụ trên tàu bị đập phá. Nhóm người hung hãn kia chỉ chừa lại một máy định vị để các ngư dân quay về bờ.
Tờ báo này cho biết thêm, một con tàu khác mang số hiệu QNg 90659TS đang neo đậu tại tọa độ 16 độ 11 phút vĩ độ Bắc, 112 độ 23 phút kinh độ Đông (ngay khu vực quần đảo Hoàng Sa) vào ba giờ chiều ngày 29/9, thì bị một tàu nước ngoài áp sát, khống chế, hành hung thuyền trưởng và uy hiếp các thuyền viên, sau đó lấy hết trang thiết bị và hải sản gồm bảy bành dây hơi, bảy đôi chân vịt, bảy bộ độ lặn, khoảng 3,5 tấn cá các loại. Tổng thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng.