Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu đến Bãi Tư Chính

RFA
2019.08.23
AP_604651761785_960.jpeg Hình minh họa. Máy bay chiến đấu H 6 và J 10 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh năm 2015
AP

Máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không nằm trong nhóm hỗ trợ cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trở lại khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hai mạng báo IBTimes và Wionews của Ấn Độ loan tin vừa nêu vào ngày 22 và 21 tháng 8, đồng thời nói rõ Tập đoàn Dầu Khí ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ có quyền lợi thương mại tại khu vực đó.

Ngoài máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không bị phát hiện như vừa nêu; số lượng tàu Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 13 tháng 8 được nói tổng cộng 20 chiếc. Trong số này có 6 tàu hải giám, 10 tàu cá và hai tàu dịch vụ. Hai tàu hải giám được bố trí gần lô dầu khí mà ONGC đang thăm dò.

Bản tin của Wionenews còn cho biết phía Trung Quốc cho phát loa kêu gọi các tàu khoan thăm dò của Việt Nam rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính.

Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Đia Chất 8 và các tàu hộ tống đi vào khu vực Bãi Tư Chính lần đầu vào ngày 3 tháng 7. Đến ngày 7 tháng 8, tin nói các tàu rút về Đá Chữ Thập ở Trường Sa; và đến ngày 13 tháng 8 trở lại với lực lượng hộ tống hùng hậu như vừa nêu.

Trong lần đầu số tàu được nói là 35 chiếc mà không có nhiều máy bay như lần vào ngày 13 tháng 8.

Wionenews cho biết sau lần đầu, phía Việt Nam tiến hành giao thiệp với phía Trung Quốc 30 lần, sau lần trở lại thứ hai, Việt Nam đến nay đã giao thiệp với phía Trung Quốc 7 lần.

Đại diện Việt Nam cũng thông báo cho Nga và Ấn Độ là hai nước có quyền lợi thương mại với những hợp tác cùng Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng tiếp xúc với các đối tác như Hoa Kỳ, Australia, và 16 đối tác đối thoại để thông tin về căng thẳng tại Bãi Tư Chính.

Hồi năm 2011, Trung Quốc từng cho cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đến năm 2014 thì cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.