NSƯT Xuân Bắc bị chỉ trích khi mắng người chê Táo quân 2023: "Mày không ăn thì mày cút!"
2023.01.25
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bị cộng đồng mạng chỉ trích kịch liệt sau khi ông đăng bài trên Facebook với nội dung mắng mỏ người không hài lòng với chương trình Táo quân 2023.
Sau khi chương trình được công chiếu trên kênh VTV3 của đài Truyền hình Việt Nam vào tối 30 Tết, nhiều khán giả chê nội dung của chương trình nhạt nhẽo.
Phản ứng lại, ngày 23/1 tức mùng 2 Tết, Xuân Bắc đăng tải một bài viết với tựa đề “Cái tát của mẹ” theo dạng “truyện ngụ ngôn” trên trang Facebook có dấu tích xanh với gần 2,5 triệu người theo dõi.
Bài viết xưng tôi nhưng lại cho rằng do "ông anh Xuân Bắc kể" với ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói, dù vẫn ngóng chờ và ăn “tụt lưỡi.”
Tuy không trực tiếp nói ra nhưng người đọc hiểu người chuyên đóng vai Nam Tào đang kể câu chuyện hàm ý ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp và diễn viên trong Táo quân, còn người con trai hỗn láo “ăn cháo đá bát” chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai.
Kẻ khen chương trình Táo quân 2023 và bài viết của Xuân Bắc
Bài viết của Xuân Bắc sau hai ngày đăng tải thu hút 12.000 tương tác, gần 6.000 bình luận và hơn 650 lượt chia sẻ.
Cụm từ "Xuân Bắc" đứng vị trí thứ hai trong danh sách tìm kiếm trên Goole trong ngày của người dùng Việt Nam với hơn 5.000 lượt tìm kiếm.
Facebooker Trần Quang Trí dưới bài đăng bình luận như sau:
“Anh phân tích rất chính xác ạ. Em ở trong nam, mẹ em có lần cũng nấu bánh chưng, năm đó em ăn thấy dở quá em chê, thế mà mẹ em dẹp luôn từ đó chứ không năm nào cũng bắt em ăn anh ạ. Thiệt là khổ với táo quân nhà mình hen anh.”
Còn Facebooker Huyen Minh viết: “Chưa bao giờ comment (bình luận - PV) nhưng hôm nay em nhất định phải comment. Táo quân năm nay rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn các anh em nghệ sĩ, nhà đài đã có một chương trình đặc sắc, món ăn tinh thần không thể thiếu của ngày Tết.”
Tài khoản FB Hoàng Hảo bênh vực nghệ sĩ hài (hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII): "chỉ có bọn não lắp vào cho đủ bộ phận mới thấy nhạt thôi."
Trả lời bình luận này, Xuân Bắc cho rằng sự việc không hoàn toàn như vậy, "mỗi người trình độ khác nhau sẽ đánh giá khác nhau. Đó là nhận thức và đôi khi điều đó chỉ đúng với mỗi người.
Vấn đề là cách thể hiện, cách biểu hiện, cách đưa ra đánh giá và cách tiếp cận! Có thể không thích, có thể thích nhưng phiến diện, cực đoan thì không hay lắm."
Người chê
Chương trình Táo quân năm nay quy tụ những gương mặt nghệ sĩ đã gắn bó gần 2 thập niên qua như: Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung.
Bên cạnh đó là sự góp mặt của một số diễn viên hài trẻ như Duy Nam, Hà Trung (Trung “ruồi)” và Mạnh Dũng (Dũng “hớn”).
So với những chương trình trước, năm nay, các Táo không còn báo cáo Ngọc Hoàng theo kiểu cũ mà được dàn dựng thành một cuộc thi mang tên "Táo bạo" với sự tham gia của hơn 30 nghệ sĩ đóng vai thí sinh Táo.
Chương trình phản ánh những vấn đề gây sốt của xã hội trong năm qua góc nhìn hài hước và châm biếm như bùng nổ thi hoa hậu, vấn nạn con ông cháu cha, lạm quyền, tham ô hối lộ, chuyện cán bộ không biết chữ, chứng khoán lao dốc, quy hoạch treo, phát triển đô thị một cách bừa bãi, ách tắc giao thông, vỉa hè lún nứt…
Nhiều người cho rằng chương trình năm nay có sự đổi mới, song cũng có ý kiến phản ứng vì chương trình quảng cáo nhiều, nhạt nhẽo, phản ánh một cách hời hợt các vấn đề nổi cộm của đất nước.
Một phụ nữ tên Hồng Hoa (tên được đổi vì lý do an ninh) ở thành phố Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Cũng nhiều năm nay rồi tôi không theo dõi chương trình Táo quân bởi vì nó có rất nhiều điểm không phù hợp với cái tiêu chí giải trí của mình.
Chương trình có những cái ví dụ như nhân vật Bắc Đẩu do Công Lý đóng giả gái có những hành động cử chỉ gây ác cảm cho cộng đồng LGBT và chương trình không có gì sâu sắc cả.”
Người này cho rằng, những vấn đề mà chương trình đề cập rất hời hợt, có phê phán nhưng có những vùng cấm không đụng chạm đến, và không có giải pháp cho người dân.
“Nó giống như kiểu Ngọc Hoàng thượng đế không sai chỉ có những kẻ dưới sai thôi làm cho tôi liên tưởng đến việc Đảng và Nhà nước không sai, chỉ có người thực thi sai thôi,” bà Hồng Hoa nhận xét.
Facebooker Hoàng Hùng bình luận ngay dưới bài viết, cho rằng nghệ sĩ này đã sai khi tự coi mình là cha mẹ của khán giả và việc mình tham gia chương trình Táo quân như việc cha mẹ gói bánh chưng cho con cháu.
“Chương trình Táo Quân là chương trình do VTV đứng ra tổ chức, VTV dùng ngân sách của nhà nước để trả tiền cho các bạn, ngân sách đó do toàn dân đóng góp. Sau khi được phát hình, phía nhà đài còn ăn tiền quảng cáo.
Cho nên chính khán giả là người trả tiền để các bạn diễn. Đây là một quan hệ mua bán, nó khác với việc cha mẹ gói bánh chưng cho con cháu ăn. Cho nên việc coi những lời góp ý, chê trách là ‘Ăn cháo đá bát’ là quá sai. Hay nói một cách khác chính bạn mới là người ‘Ăn cháo đá bát’ với khán giả khi viết cái status này,” Hoàng Hùng viết:
Cô Hồng Hoa khẳng định, “Phàm đã là nghệ sỹ ăn cơm nghệ thuật thì họ phải biết rằng bát cơm đó là từ khán giả mà ra. Họ không ban ơn cho khán giả.”
Theo người này, chương trình được trình chiếu trên Đài truyền hình quốc gia, sử dụng tiền thuế của dân, bên cạnh đó, người xem còn phải trả tiền truyền hình cáp cũng như gián tiếp thông qua quảng cáo, do vậy, người xem không nợ nần gì người thực hiện chương trình.
“Một người văn minh một nghệ sỹ có văn hoá tri thức thì khi gặp chỉ trích hay ý kiến trái chiều, thì đầu tiên, mình phải cầu thị lắng nghe rồi có thể phản biện lại chứ không quay lại chửi vào mặt người ta như thế.
Có lẽ anh Xuân Bắc này là đảng viên, giám đốc Nhà hát Kịch nên anh ta tự cho mình là quan chức đứng trên đầu thiên hạ nên mới có phát ngôn như thế. Tôi nghĩ không có nghệ sĩ chân chính nào lại quay lưng với khán giả và ngang ngược mắng khán giả như thế cả.”
Chương trình Táo quân cần thay đổi
Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng chương trình Táo quân tồn tại được 20 năm qua và khán giả Việt Nam mong chờ chương trình có tính phản biện thông qua vở diễn nghệ thuật. Bà nói với RFA:
“Chương trình Táo quân những số đầu tiên đã đưa được khá khôn khéo một số phản biện, hình tượng nghệ thuật manh tính phản biện, những cái xấu của quan chức. Họ đã được đón chào trong nhiều năm.”
Tuy nhiên, theo bà, càng ngày thì Táo quân càng nhạt. Nguyên nhân là nhóm làm chương trình này càng ngày càng sợ hãi, thậm chí, họ cơ hội và muốn được lòng cấp trên. Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng làm cho tính phản biện của chương trình suy giảm nhiều.
Theo bà, chương trình Táo quân vẫn có thể tồn tại nếu ekip làm chương trình đổi mới và dũng cảm hơn.
Vẫn trong trang Facebook của Xuân Bắc, Facebooker Nguyễn Hoàng Linh cho rằng VTV nên bỏ chương trình Táo quân vì nó quá cũ và nhóm sản xuất chương trình cần sáng tạo ra cái mới sau ngần ấy năm.
Còn Facebooker Hoang Huy thì “sự châm biếm sâu cay qua góc nhìn hài của Táo quân càng ngày càng nhạt” và các nghệ sĩ “đừng huyễn hoặc” vì “Đài truyền hình quốc gia không phải là tài sản riêng” của các nghệ sĩ.
Facebooker Thanh niên-Doanh nhân- Trí thức đánh giá: “Công bằng mà nói bạn Nguyễn Xuân Bắc và dàn Táo quân là những diễn viên hài có tài nhưng chỉ được phép diễn theo kịch bản định hướng nên cũng có nhiều khó khăn khúc mắc.
Suốt hai chục năm qua kịch bản và dàn diễn viên không thay đổi nhiều, nội dung lại tránh né ko dám đi sâu vào những chủ đề chính nên càng trở nên nhàm chán và hời hợt. Cái này cũng có thể thông cảm được, tuy nhiên khi khán giả khen hay chê thì các bạn nên tiếp thu để cố gắng làm cho tốt hơn.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nói rằng ông không xem Chương trình Táo quân năm nay nhưng từng xem hài này nhiều năm trước và cho rằng chương trình này cũng có cái hay ngoài một số vấn đề tồn tại nhỏ.
Theo ông, người xem nên thông cảm cho đội ngũ làm chương trình vì đây là “chương trình đầy nhạy cảm trên đe dưới búa.”
Phóng viên có liên lạc với nghệ sĩ Xuân Bắc qua messenger và email để đề nghị ông bình luận về thái độ của cộng đồng mạng nhưng chưa nhận được phản hồi.