Giáo dân Cồn Dầu bị cắt điện và sẽ bị cưỡng chế vào sáng 15/11

RFA
2018.11.14
condau111.jpeg Giáo dân Cồn Dầu kêu cứu
Courtesy FB Hong Thai Hoang

Vào lúc 2 giờ trưa ngày 14/11/2018. chính quyền Đà Nẵng tiến hành cắt điện, nước 7 hộ dân thuộc giáo xứ Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ để "triển khai xử lý hành chính để thực hiện các quyết định thu hồi đất với các hộ thuộc diện giải tỏa dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân."

Rạng sáng ngày 15/11, các hộ dân này lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do cho rằng không có cái gọi là “khu đô thị sinh thái Hòa Sinh” mà chủ đầu tư chỉ đơn giản là đền bù với giá rẻ mạt sau đó san lấp và phân lô bán nền cho những người ở nơi khác đến với giá cao.

Ông Huỳnh Ngọc Trường, một giáo dân, cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:

Tất nhiên họ có đền bù nhưng giá cả rất bèo, họ đền bù 50 ngàn/ 1 mét đất nông nghiệp, nhưng bán lại giá hiện tại là 20 - 40 triệu 1 mét vuông đất. Họ đổ đất vào và chia lô ra và bán với 1 cái giá chênh lệch rất khủng khiếp. Nhà tôi có khoảng 7000 m2 đất nông nghiệp và 1600m2 đất ở.

Đất nông nghiệp họ quy là 35 ngàn/m2, và chuyển đổi nghề nghiệp là 15 ngàn nữa thì tổng cộng là 50 ngàn/1 m2 đất nông nghiệp. Thành phố Đà Nẵng thu toàn bộ đất nông nghiệp và phân lô đưa cho tập đoàn (Sun Group).”

Cũng theo ông Trường dự án này bắt đầu từ năm 2008 và phải giải toả khoảng 400 hộ dân, tuy nhiên một số đã chuyển lên nơi ở mới, một số đi tị nạn ở Thái Lan, nên chỉ còn lại khoảng 100 hộ quyết bám trụ để yêu cầu được tái định cư tại chỗ gần nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu.

Thực tế Cồn Dầu là “tác phẩm” của ông Nguyễn Bá Thanh, vì từ thời ông Nguyễn Bá Thanh vẫn khăng khăng đuổi người dân đi để lấy đất, thì cái điều này giáo dân Cồn Dầu đã họp và đối thoại với ổng nhưng vẫn không đem lại kết quả.Cho nên họ vẫn kiện vượt cấp, ra ngoài Trung ương và đã được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ra 2 văn bản 288 và mới đây là 03. Nhưng chính quyền Đà Nẵng vẫn không thực hiện chứng tỏ họ coi thường 2 văn bản đó,” ông Huỳnh Ngọc Trường khẳng định.

Ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2003 đến 2013. Hồi năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đã đàn áp mạnh tay giáo dân Cồn Dầu khi những người dân định chôn một giáo dân ở nghĩa trang của giáo xứ vì chính quyền quy hoạch khu đất này cho dự án dù người dân Cồn Dầu không chấp nhận. Vụ đàn áp đã khiến 6 người bị truy tố và nhiều người phải bỏ trốn sang Thái Lan.

Một giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu đề nghị dấu danh tính cho biết, tình hình căng thẳng trên đã khiến cho các giáo dân ở đây rơi vào tình trạng hoảng sợ, lo lắng

Theo báo Công an Đà Nẵng, ngày 12/9/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ra Thông báo số 288/TB-VPCP nêu rõ, được sự thống nhất của nhà đầu tư, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quỹ đất tại khu vực đất cây xanh gần nhà thờ Cồn Dầu thành đất ở chia lô thuộc Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và thực hiện việc hoán đổi cho mỗi hộ 1 lô ở gần khu vực nhà thờ Cồn Dầu theo Quyết định số 2138/QĐ-UBND ra ngày 19/4/2017.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Trường lô đất hoán đổi của người dân chỉ có 100 m2 và phải mua với nhà 1 triệu/m2 và nếu cần mua thêm đất ở sẽ nói chuyện với chủ đầu tư và mua theo giá thị trường.

Trong một bài viết trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Lệ, Đà Nẵng, “việc ra quyết định cưỡng chế của UBND quận Cẩm Lệ là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, đúng với quy định của pháp luật” và khiếu nại của người dân là thiếu cơ sở.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.